Bức xúc gian lận thi: ĐB Quốc hội nói phải đình chỉ chức vụ quan chức

Gian lận thi cử, nhiều cán bộ, quan chức là phụ huynh các thí sinh Ảnh: TP
Gian lận thi cử, nhiều cán bộ, quan chức là phụ huynh các thí sinh Ảnh: TP
TPO - Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, gian lận điểm thi diễn ra ở tỉnh Hòa Bình, Sơn La là một điều đáng buồn. Và còn đáng buồn hơn nữa nếu có sự tham gia của các cán bộ công chức tỉnh và phải đình chỉ chức vụ bố mẹ có con được nâng điểm.

Vụ nâng điểm đáng buồn và "phải xử lý đến chốn"

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình, cho rằng vụ gian lận thi cử diễn ra ở tỉnh nhà là một điều đáng buồn. Nói về cách thức xử lý, ông nói việc xử lý dù là cán bộ hay người dân bình thường cũng đều phải làm triệt để và không có sự loại trừ. Cần phải làm đến nơi đến chốn và căn cứ theo đúng quy định hiện hành.

“Cơ quan bảo vệ pháp luật phải chứng minh được những người đó có vi phạm hay không và vi phạm ở mức độ nào. Trên cơ sở đó mới bắt đầu đưa ra hình thức xử lý. Ví dụ nếu đưa tiền thì đó là hối lộ, còn nếu dùng quyền thì là lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Song song với đó, về phía Đảng cũng phải xử lý theo Điều lệ Đảng, về phía cơ quan quản lý cán bộ công chức cũng phải xử lý theo Luật cán bộ công chức và nhất định phải làm quyết liệt”, ông Sinh bảy tỏ.

Bức xúc gian lận thi: ĐB Quốc hội nói phải đình chỉ chức vụ quan chức ảnh 1

Đại biểu Đinh Công Sỹ - đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Sơn La. Ảnh: Quốc hội.

Mất công bằng, mất niềm tin

Là đại biểu Quốc hội của tỉnh Sơn La, đại biểu Đinh Công Sỹ nói đây là sự việc rất đáng buồn đối với Sơn La nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Vụ việc không chỉ làm mất đi sự công bằng trong đánh giá kết quả thi cử mà còn làm mất niềm tin của người dân với nhiều lĩnh vực quan trọng có tác động to lớn đối với xã hội như giáo dục, y tế, công an, an ninh quốc phòng…

Bức xúc gian lận thi: ĐB Quốc hội nói phải đình chỉ chức vụ quan chức ảnh 2

 Đại biểu Dương Trung Quốc 

Trong khi đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, việc công khai danh tính ''quan chức' dính líu đến việc nâng điểm thi thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, thể hiện sự gương mẫu của người lãnh đạo, người có chức quyền.

“Việc công khai cần được thực hiện với thái độ nghiêm túc, cần xem đó là bài học để sửa chữa, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Ai vi phạm đến đâu xử lý đến đó theo pháp luật, việc công khai danh tính cũng không đồng nghĩa với việc bêu riếu họ”, ông Quốc nêu.

Bức xúc gian lận thi: ĐB Quốc hội nói phải đình chỉ chức vụ quan chức ảnh 3 Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân 
 Phải công khai danh tính, đình chỉ chức vụ phụ huynh nếu có con được nâng điểm

Nói về danh sách phụ huynh thí sinh được nâng điểm ở Sơn La, đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân đề nghị công khai đích danh, nếu xác định có vi phạm thì phải đình chỉ chức vụ để điều tra.

Ông Vân cũng cho biết bản thân đã trực tiếp trao đổi với Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng Phan Thanh Bình và cho rằng Ủy ban này phải làm việc, vào cuộc xử lý vấn đề trên.

Còn với những học sinh vô tình hay cố ý được hưởng thụ kết quả sai lệch thi cử, theo ông cần xem xét kỹ, phải thuyết phục và vẫn phải có những chế tài về giáo dục với các em. 

Bắt buộc phải công khai, hủy ngay kết quả gian lận

Đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng khẳng định cần phải công khai danh tính những trường hợp vi phạm. Nên nhớ, có bao nhiêu người được vào đại học bằng con đường chạy chọt, gian lận, thì cũng đồng nghĩa với việc có bấy nhiêu người bị đẩy ra, trở thành nạn nhân một cách đau xót. Theo tôi, bắt buộc phải công bố công khai, thậm chí hủy ngay kết quả của những trường hợp gian lận ấy. Đã vi phạm thì phải công khai, có gì là bí mật đâu mà phải giấu giếm. 

Trả lời VTC News, Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Minh Hiền - Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phải xử lý nghiêm khắc những cán bộ "chạy điểm" cho con em để làm gương, bên cạnh đó cần công khai, minh bạch trong xử lý gian lận thi cử ở các địa phương, đừng bỏ qua niềm tin của nhân dân bằng thái độ tránh né sự thật thêm một lần nào nữa.

Đại biểu này nói rất băn khoăn khi biết được sắp tới sẽ diễn ra phiên giải trình kín của Bộ Công an và Bộ GD&ĐT trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tại sao cùng là vụ việc gây chấn động dư luận, như các vụ dâm ô, xâm hại trẻ em thì giải trình công khai, còn vụ việc liên quan đến chạy điểm nâng điểm thì lại làm kín?

Trong khi yêu cầu chung của dư luận, cử tri cả nước là công khai minh bạch quá trình tiếp nhận, xử lý làm rõ vụ việc, thậm chí phải trả lời trước người dân cả nước giải pháp tiếp theo sẽ như thế nào khi mà kỳ thi Quốc gia đang đến cận kề.

Liệu rằng các kết quả của kỳ thi sắp tới có đảm bảo tính công tâm, công bằng hay không khi mà trên thực tế, việc xét tuyển đại học đã cho thấy độ vênh đầy bất công, 1 điểm đậu thủ khoa, 30 điểm rớt đại học?

Phải chăng vì có liên quan đến cán bộ lãnh đạo của các địa phương nên phải thận trọng, chặt chẽ, kín kẽ? Nếu như thế, thì càng cần có câu trả lời rõ ràng thẳng thắng trước công luận.

MỚI - NÓNG