Sri Lanka bắt giữ một người Syria, FBI hứa hỗ trợ điều tra

Ngày 23/4, những người Sri Lanka đau buồn tiễn đưa các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố.
Ngày 23/4, những người Sri Lanka đau buồn tiễn đưa các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố.
TPO - Ngày 23/4, các nguồn tin từ chính phủ và quân đội Sri Lanka cho biết, cảnh sát đã bắt giữ một người Syria trong số 40 người bị thẩm vấn về các vụ đánh bom tại các nhà thờ và khách sạn trong dịp lễ Phục sinh ở nước này.

Theo đó, tổng số người thiệt mạng trong các vụ tấn công này đã tăng lên 321 người, số người bị thương khoảng 500 người. Vẫn chưa có nhóm nào đứng lên nhận trách nhiệm về vụ tấn công này, trong khi các quan chức Sri Lanka cho rằng, 7 kẻ đánh bom tự sát đã thực hiện các vụ tấn công này.

Tuy nhiên, mọi nghi ngờ vẫn nhằm vào cá nhóm phiến quân Hồi giáo có liên hệ với các nhóm khủng bố ở nước ngoài.

Các nguồn tin từ tình báo Mỹ cho biết, các vụ tấn công này mang nhiều đặc điểm nổi bật của nhóm cực đoan của Nhà nước Hồi giáo tự xưng ( IS).

Ngày 23/4, Sri Lanka tuyên bố quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố này. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang chịu áp lực lớn về việc tại sao không có các hành động hiệu quả để ngăn chặn khi đã nhận được cảnh báo về các vụ tấn công có thể xảy ra.

Cảnh sát cho biết, số người bị bắt giữ kể từ hôm Chủ nhật đến nay là 40, phần lớn trong số họ là người Sri Lanka. Qua thông tin từ các cuộc thẩm vấn những người bị bắt giữ, cảnh sát đã bắt giữ thêm một người Syria.

Nửa đêm 22/4, chính phủ nước này đã áp đặt lệnh khẩn cấp quốc gia cho phép cảnh sát và các đơn vị đặc nhiệm của quân đội có thể bắt giữ bất kỳ người nào nếu thấy khả nghi mà không cần lệnh của tòa án.

Ngày 22/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Ranil Wickremesinghe để cam kết sự hỗ trợ của Mỹ nhằm đem những kẻ gây án ra trước công lý.

Tờ Washington Post đã trích dẫn lời của một quan chức thực thi luật pháp cho biết, các nhân viên của Cục điều tra liên bang (FBI) sẽ được cử tới Sri Lanka để hỗ trợ điều tra. Ngoài ra, FBI sẽ hỗ trợ các chuyên gia giỏi về phòng thí nghiệm đến phân tích chứng cứ để tìm ra nguyên nhân. Một nhà ngoại giao phương Tây tại thủ đô Colombo của Sri Lanka cũng cho biết, các quan chức chống khủng bố của Anh cũng sẽ tới Sri Lanka vào ngày 23/4.

Vụ tấn công này đã nhấn mạnh mối lo ngại về những rạn nứt trong chính phủ Sri Lanka và phải chăng mối bất hòa này đã cản trở các hành động nhằm ngăn chặn chúng khi đã được cảnh báo. Thời điểm đánh bom, Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena ở nước ngoài, mặc dù trước đó đã nhận được cảnh báo về có thể có các vụ tấn công khủng bố xảy ra tại các nhà thờ.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Maithripala Sirisena và Thủ tướng Ranil Wickremesinghe vốn không tốt đẹp từ hồi năm ngoái sau khi ông Sirisena sa thải thủ tướng và rồi buộc phải phục chức cho ông dưới sức ép của Tòa án tối cao. Kể từ đó, ông  Wickremesinghe không được tham dự bất kỳ cuộc họp hội đồng an ninh nào với tổng thống, trừ cuộc họp mới đây nhất ngày 22/4 sau vụ đánh bom khủng bố.

Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra cảnh báo du lịch cho công dân nước mình rằng, các nhóm khủng bố vẫn có thể có âm mưu khủng bố tại Sri Lanka và mục tiêu có thể là các điểm du lịch, các tụ điểm giao thông công cộng, các trung tâm mua sắm, khách sạn và các địa điểm tôn giáo, sân bay.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka cũng cảnh báo tới công dân nước mình về việc đi du lịch Sri Lanka trong thời gian gần đây do “ nguy cơ an ninh cao”. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn tại Sri Lanka. Đại sứ quán Trung Quốc tại Sri Lanka cho biết, một công dân Trung Quốc đã bị thiệt mạng, 5 người bị thương và 5 người mất tích trong các vụ tấn công khủng bố này.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.