Gặp Tổng thống Putin, Chủ tịch Kim có thể nhận được gì?

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Nga - Triều được cho là sự kiện mang tính biểu tượng. (Ảnh: Reuters)
Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa lãnh đạo Nga - Triều được cho là sự kiện mang tính biểu tượng. (Ảnh: Reuters)
TPO - Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có cuộc gặp đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh mang tính biểu tượng trong tuần này, với hy vọng sẽ tạo dựng hình ảnh một bên tham gia nghiêm túc vào các vấn đề thế giới. Tuy nhiên, ông khó có khả năng đạt được mục tiêu đập tan các biện pháp cấm vận như mong muốn.

Sau khi cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào cuối tháng 2 không đạt được thỏa thuận nào, cuộc gặp của ông Kim với ông Putin là lời nhắc nhở với Washington rằng ông có những lựa chọn khác ở khu vực đang ủng hộ vai trò lãnh đạo của ông.

Nhưng khi nhà lãnh đạo Triều Tiên tìm kiếm thêm hỗ trợ từ một trong hai nước hậu thuẫn chính, Nga sẽ bị giới hạn về khả năng đáp ứng, và cuộc gặp thượng đỉnh lần này sẽ tập trung thể hiện tình bạn nhiều hơn là đầu tư hay cứu trợ, các nhà phân tích đánh giá.

“Khi gặp ông Putin, ông Kim sẽ đề nghị hỗ trợ kinh tế và nới lỏng trừng phạt đơn phương. Nhưng Mátxcơva khó có thể đáp ứng những mong muốn đó”, Reuters dẫn lời ông Artyom Lukin, giáo sư công tác tại ĐH liên bang miền Đông ở Vladivostok. Khuôn viên ngôi trường này là nơi diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh, truyền thông Hàn Quốc đưa tin.

“Là một thành viên có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, Mátxcơva khó có thể làm suy yếu quyền lực của mình vì tình bạn với ông Kim”, ông Lukin nói.

Trong khi khẳng định tuân thủ đầy đủ các biện pháp cấm vận mà họ bỏ phiếu thông qua, nhưng Nga cùng Trung Quốc kêu gọi nới lỏng trừng phạt Triều Tiên để thừa nhận các bước đi của Bình Nhưỡng nhằm hạn chế thử vũ khí.

“Những bước đi của Triều Tiên nhằm dỡ bỏ vũ khí dần dần nên được theo sau bởi nới lỏng trừng phạt”, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói trước cuộc họp của Hội đồng Bảo an vào cuối năm ngoái.

Washington cáo buộc Nga “lừa dối” trong các biện pháp trừng phạt, nói rằng có bằng chứng “nhất quán và nhiều lĩnh vực về vi phạm của Nga”.

Tháng 2 vừa qua, Reuters đưa tin một tàu chở nhiên liệu của Nga vi phạm cấm vận quốc tế khi chuyển nhiên liệu cho tàu Triều Tiên ít nhất 4 lần trong thời gian từ tháng 10/2017 – 5/2018.

Một nhà làm luật Nga tuần trước nói với hãng tin Interfax rằng Triều Tiên đã đề nghị Mátxcơva cho phép các lao động của họ tiếp tục làm việc ở Nga cho dù các biện pháp cấm vận yêu cầu phải trục xuất họ vào cuối năm nay.

“Một vết đau của ông Kim là vấn đề lao động Triều Tiên làm việc ở Nga”, Anthony Rinna, một chuyên gia về quan hệ Nga – Triều làm việc cho trang web Sino-NK, nhận định.

“Ông Kim có thể sẽ tìm kiếm khả năng linh hoạt từ phía Nga, dù Mátxcơva sẽ chịu nhiều sức ép khi họ đang muốn tạo dựng hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm trên thế giới”, ông Rinna nói.
Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng thu về hơn 500 triệu USD mỗi năm nhờ cử gần 100.000 lao động ra nước ngoài, trong đó có 30.000 người ở Nga.

Reuters dẫn một báo cáo không được công bố của Nga gửi lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nói rằng Nga đã cho hồi hương gần 2/3 lao động Triều Tiên trong năm 2018. Báo cáo nói rằng số lượng lao động Triều Tiên có giấy phép lao động ở Nga đã giảm xuống khoảng 11.500 người.

Quan hệ lâu đời

Quan hệ Nga – Triều giảm xuống sau khi Liên Xô sụp đổ. Mất hỗ trợ từ Mátxcơva được cho là một nguyên nhân dẫn đến nạn đói vào những năm 1990 khiến hàng trăm ngàn người Triều Tiên không qua khỏi.

Cha của ông Kim Jong Un là nhà lãnh đạo Kim Jong Il đã khôi phục quan hệ này sau khi ông Putin trở thành tổng thống vào năm 1999. Ông thăm Nga 3 lần trước khi đột ngột qua đời năm 2011.

Ông Lukin cho rằng Nga có thể đồng ý một số dự án hạn chế như xây cây cầu nối hai nước qua sông Tumangan, hoặc cung cấp thêm hỗ trợ nhân đạo.

Đầu năm nay, Nga gửi hơn 2.000 tấn bột mì cho Triều Tiên thông qua Chương trình lương thực thế giới. Các nhà làm luật Nga gợi ý rằng Mátxcơva có thể gửi 50.000 tấn bột mì cho Triều Tiên.  Theo Liên Hợp quốc, Nga tiếp tục đưa một lượng dầu đáng kể sang Triều Tiên.

Báo chí nhà nước Triều Tiên nói rằng các quan chức hai nước gặp nhau vào tháng 3 vừa qua để ký một thỏa thuận nhằm “tăng cường tiếp xúc cấp cao và trao đổi trong lĩnh vực chính trị và chủ động thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế và nhân đạo”.

Ông Lukin cho rằng Mátxcơva khó mạo hiểm với việc công khai vi phạm các biện pháp trừng phạt, nhưng ông Putin có thể hứa sẽ không ủng hộ bất kỳ biện pháp trừng phạt thêm.

“Ông Kim có thể chờ đợi một sự tiếp đón hữu nghị và có thể một số hỗ trợ chính trị và kinh tế từ ông Kim”, ông Lukin nhận định.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.