Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên gặp Tổng thống Nga Putin

Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga (phải) và Triều Tiên dự kiến sẽ có nhiều vấn đề được trao đổi, thảo luận
Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga (phải) và Triều Tiên dự kiến sẽ có nhiều vấn đề được trao đổi, thảo luận
TPO - Truyền thông nhà nước Triều Tiên xác nhận, Nhà lãnh đạo Kim Jong Un sẽ có chuyến công du tới Nga, dự kiến sẽ có lần đầu tiên hội kiến Tổng thống Vladimir Putin của nước chủ nhà.
Điện Kremlin đã thông báo, theo dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ có cuộc gặp vào nửa cuối tháng 4 này. Nhiều đồn đoán cho rằng, địa điểm gặp mặt giữa hai bên sẽ là ở thành phố cảng ở miền Viễn Đông Vladivostok, cách biên giới chung giữa Nga và Triều Tiên chỉ vài giờ đồng hồ di chuyển. Cuộc gặp Tổng thống Nga của ông Kim diễn ra không lâu sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội không đạt được kết quả. Thế nhưng, hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau trong cuộc gặp.
Ảnh hưởng của Moscow đối với Triều Tiên hiện nay như thế nào?
Liên Xô trước đây đã từng là đồng minh lớn nhất của Triều Tiên, trong các lĩnh vực hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa và hỗ trợ nhân đạo. Liên Xô cũng từng giúp Triều Tiên phát triển hạt nhân ở bước đầu.
Thế nhưng, kể từ khi Bức Màn Sắt sụp đổ, quan hệ giữa hai bên đã trải qua nhiều biến động. Với sự gắn kết trong hệ tư tưởng lỏng lẻo, không có lý do gì để hai nước dành sự đối đãi và hỗ trợ đặc biệt cho nhau. Chỉ với vị thế một bạn hàng thông thường, Triều Tiên không hẳn là quá hấp dẫn đối với Nga, bởi nước này không thể giao thương theo giá cả thị trường quốc tế.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un lần đầu tiên gặp Tổng thống Nga Putin ảnh 1 Trong suốt thời gian Chiến tranh Lạnh, quan hệ giữa Nga (phải) và Triều Tiên thực sự rất khăng khít
Từ khi Nga dần dần rời khỏi tầm ảnh hưởng của phương Tây, kể từ đầu thập niên 2000, quan hệ giữa hai nước đã bước đầu được cải thiện. Moscow đã tìm thấy chỗ dựa từ các quốc gia láng giềng "dựa trên tư tưởng logic kinh điển là kẻ thù của kẻ thù là bạn", theo lời Giáo sư Andrei Lankov, Đại học Kookmin Seoul lý giải. Lần gần nhất, hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên gặp mặt là chuyến thăm Triều Tiên của Tổng thống Nga (khi đó là) Dmitry Medvedev vào năm 2011, mà ông Medvedev đã có cuộc hội đàm với cố Lãnh tụ Kim Jong Il (cha của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un).
Mối quan hệ giữa hai nước có ý nghĩa địa - chính trị, khi hai bên có đường biên giới chung ngắn, không xa thành phố cảng Vladivostok của Nga, nơi dự kiến sẽ là nơi hai nhà lãnh đạo gặp mặt. Theo Bộ Ngoại giao Nga, hiện có khoảng 8000 người lao động Triều Tiên đang làm việc ở Nga, đều đặn gửi kiều hối về Triều Tiên. Ước tính trên thực tế, con số này có thể cao hơn. Hiện nay, áp lực từ lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã buộc Nga phải trao trả lại số công nhân này vào cuối năm nay.
Triều Tiên kỳ vọng gì?
Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội đã không đạt được thỏa thuận nào, hay tác động đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Theo đó, Triều Tiên được trông đợi sẽ đồng ý thỏa hiệp, động thái có thể mở ra lối thoát "dễ thở" hơn trước hàng loạt lệnh cấm vận quốc tế nhằm vào Triều Tiên.
"Lệnh trừng phạt quốc tế chỉ là bước đầu để tác động, không ảnh hưởng gì đến thay đổi vị thế của Mỹ. Không có dấu hiệu cho thấy Triều Tiên nhượng bộ để giảm bớt áp lực từ lệnh trừng phạt, đồng thời mở rộng thương mại với thế giới", Giáo sư Lankov nhận định.
Bởi vậy, Triều Tiên cần liên lạc với bất cứ ai hữu ích đối với mục tiêu của họ. Bất kỳ thứ gì từ quá trình thực tế đến các biện pháp ngoại giao cũng đều giúp ích đáng kể đối với Bình Nhưỡng. Phó Giáo sư Alexey Muraviev, Đại học Curtin, Perth, Australia khẳng định, Triều Tiên muốn cho Mỹ biết rằng, "họ không bị cô lập". "Nếu họ có thể biểu dương sức mạnh chính của họ, thứ vốn bảo vệ họ trong suốt nhiều năm qua, nó sẽ còn là phương tiện để Triều Tiên trực tiếp trao đổi với Mỹ và Trung Quốc".
"Chiến lược của Triều Tiên luôn là đi trên dây một cách thận trọng trước những xung đột trên thế giới và tìm cách nhượng bộ", Nhà nghiên cứu Park Young-ja, Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định. "Do vậy, cuộc gặp với Nga có thể coi là lá bài chiến lược để Triều Tiên chống đỡ trước Mỹ, và cả Trung Quốc.
Nga mong muốn gì?
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ sự mong đợi bấy lâu nay trước viễn cảnh được gặp Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Nhất là khi, sau hai Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, vai trò của Điện Kremlin dường như là bị "cho ra rìa". Bởi vậy, sau hai Hội nghị Thượng đỉnh chưa đạt được kết quả, cuộc gặp với ông Kim sẽ là cơ hội tốt cho ông Putin nhằm đưa Nga "trở lại cuộc chơi".
Giống với Trung Quốc và Mỹ, Nga không hoàn toàn tán đồng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đầu thập niên 2000, cuộc đối thoại sáu bên đã không đạt được kết quả, buộc Triều Tiên phải rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân. Song, khác với Washington, Moscow muốn duy trì tình trạng như hiện tại: phi hạt nhân hóa bị Điện Kremlin coi là mục tiêu xa vời, thay vào đó, thúc giục Bình Nhưỡng giữ vững tình hình ổn định như hiện tại sẽ là giải pháp tốt hơn cho các bên.
Bên cạnh đó, uy tín của Nga trên trường quốc tế được mong đợi sẽ sớm cải thiện. Không kể đến quan hệ Mỹ - Triều Tiên có thể được cải thiện, dường như Nga cũng "có phần", mặc dù ở một mức độ nào đó, trong quan hệ giữa Triều Tiên với thế giới. Nếu Tổng thống Putin có thể đạt được ít nhất một thỏa thuận với Triều Tiên, đồng nghĩa rằng Nga vẫn duy trì tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Và nếu Điện Kremlin mong muốn giải quyết vấn đề Triều Tiên bằng biện pháp khả quan, đó còn là điều đáng được trông đợi.
Những chủ đề nào sẽ xuất hiện trong cuộc hội đàm Nga - Triều Tiên
Phần lớn dự đoán cho rằng, sẽ không có bất kỳ thỏa thuận lớn nào giữa hai nước được đưa ra thảo luận và ký kết. Bên cạnh việc được cộng đồng quốc tế thừa nhận vị thế trong tương lai, với các cuộc đàm phán với Mỹ, Triều Tiên trước mắt sẽ tập trung phát triển kinh tế.
"Nền kinh tế Triều Tiên hiện đang ở vị trí khá thấp, và Bình Nhưỡng mong muốn đột phá, đến từ sự nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này", Giáo sư Lankov cho biết. "Điều đó cũng đồng nghĩa, Triều Tiên sẽ nhận được cứu trợ nhân đạo bằng ngoại tệ".
Moscow vẫn bảo lưu quan điểm rằng Bình Nhưỡng không thực sự đáng tin và rất khó để kiểm soát việc chi tiêu tài chính của họ. Kinh phí là thứ mà Triều Tiên thực sự cần.
"Tôi không nghĩ Triều Tiên có thể nhận được khoản hỗ trợ lớn từ Nga", cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Nga Lee Jai-chun cho biết. "Nền kinh tế Nga hiện đang găp khó khăn sau lệnh cấm vận do sáp nhập bán đảo Crimea. Cuộc gặp sắp tới sẽ là động thái hướng đén Mỹ, và thậm chí là Hàn Quốc.
Do vậy, suy cho cùng, Nga có thể chỉ đơn thuần đề nghị Triều Tiên tham gia hạn chế căng thẳng, trong khi Nhà lãnh đạo Kim Jong Un kỳ vọng, cuộc gặp sẽ đưa ông đến một vị thế cao hơn, trước khi có thêm những cuộc gặp thượng đỉnh khác với Mỹ.
Theo Theo BBC
MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".