Sau đảo chính bất thành, điều gì đang chờ Venezuela?

Lãnh đạo đối lập Juan Guaido đứng cùng một sĩ quan quân đội bên ngoài căn cứ quân sự ở Caracas hôm 30/4. (Ảnh: AP)
Lãnh đạo đối lập Juan Guaido đứng cùng một sĩ quan quân đội bên ngoài căn cứ quân sự ở Caracas hôm 30/4. (Ảnh: AP)
TPO - Sau những ngày biến động, Venezuela đang quay về với tình trạng bế tắc chính trị.

Cuộc đối đầu đã kéo dài 4 tháng, Tổng thống Nicolás Maduro và lãnh đạo đối lập Juan Guaidó vẫn chưa tung ra được đòn “nốc ao” quyết định nào khi Venezuela tiếp tục rơi vào cảnh bị bỏ bê, cô lập và tuyệt vọng. Không thể loại trừ khả năng thay đổi quyền lực đột ngột ở hậu trường, nhưng có cảm giác rằng hai phe đang cố thủ - vì quá mạnh để bị đánh bật, hoặc quá yếu để đạt được chiến thắng rõ ràng.

Vậy điều tiếp theo sẽ là gì?

Phe đối lập và Mỹ - nước bảo trợ chính, chỉ còn lại rất ít lựa chọn sau khi ông Guaidó đứng lên giữa đám đông tập trung bên ngoài một căn cứ quân sự ở Caracas để kêu gọi các lực lượng vũ trang lật đổ ông Maduro. Kế hoạch sụp đổ. Tư lệnh quân đội Venezuela tuyên bố trung thành với ông Maduro, và 4 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát sau khi phe đối lập cố giành quyền kiểm soát.

Các tuyến đường ở thủ đô Caracas trong ngày 2/5 trở nên tĩnh lặng sau đợt bạo lực 2 ngày trước đó. Kế hoạch mới của ông Guaidó là sẽ thực hiện một cuộc tổng đình công, cho dù ngày thực hiện chưa được chọn và hiệu quả của chiến dịch đó sẽ đến mức nào ở một quốc gia đang gặp khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng và người dân đã kiệt sức vẫn còn là một câu hỏi.

Một chuyên gia về Venezuela nói rằng phe đối lập và Mỹ giờ có nhiệm vụ khó khăn là phải nghĩ ra hướng đi mới sau khi một nhóm nhỏ lực lượng an ninh gia nhập hàng ngũ của ông Guaidó bên ngoài căn cứ quân sự, nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy các đơn vị quân đội khác chấp nhận lời kêu gọi nổi dậy.

“Bạn chỉ có thể dùng lá bài đó một lần, và giờ nó đã được chơi, nên khó để xem còn điều gì nữa sẽ được dùng đến”, AP dẫn lời ông Fernando Cutz, cựu quan chức Mỹ từng phụ trách chính sách về Venezuela trong Hội đồng an ninh quốc gia dưới thời Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Donald Trump cho đến tháng 4/2018.

Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Maduro đang rất căng thẳng vì phải lèo lái một quốc gia đang gặp muôn vàn khó khăn. Việc ông Maduro chưa có động thái nào nhằm bắt giữ ông Guaidó sau khi cáo cuộc ông này nỗ lực đảo chính cho thấy Tổng thống Venezuela không đủ tự tin để làm điều đó và lo ngại sẽ phải chịu thêm áp lực ngoại giao và kinh tế từ Mỹ và hàng chục quốc gia khác đã công nhận ông Guaidó là tổng thống hợp pháp của Venezuela.

Bất kỳ nỗ lực nào nhằm bắt giữ ông Guaidó sẽ bị coi là “mồi lửa”, ông Eileen Gavin, một chuyên giao cao cấp về Mỹ Latin công tác tại hãng tư vấn rủi ro toàn cầu Verisk Maplecroft nhận định.

“Từ quan điểm của ông Maduro, tốt hơn nên gạt bỏ ông Guaidó như một mối phiền toái đơn thuần, từ đó làm suy yếu phong trào của ông ấy, rồi đập tan lực lượng đối lập đang chia rẽ”, ông Gavin nói trong một bài viết.

Chính phủ Venezuela đã bắt đầu nhắm vào những người tham gia cuộc nổi dậy thất bại. Hôm 2/5, tòa án tối cao Venezuela ra lệnh bắt Leopoldo López, cố vấn chính trị của ông Guaidó và là người đã xin tị nạn trong Đại sứ quán Tây Ban Nha sau khi chống lệnh bắt giữ tại nhà và tham gia phong trào nhằm lật đổ ông Maduro trong tuần này. Tòa án cũng mở cuộc điều tra tội phản quốc đối với Edgar Zambrano, phó Chủ tịch quốc hội đã tham gia với ông Guaidó bên  ngoài căn cứ quân sự ở Caracas.

Một số nhà phân tích tin rằng cáo buộc của Mỹ về việc 3 quan chức hàng đầu Venezuela dính líu vào âm mưu lật đổ ông Maduro sẽ không thể gây chia rẽ trong chính phủ Venezuela, mà chỉ khiến những quan chức đó gắn bó hơn với Tổng thống Maduro. Là một trong 3 quan chức, Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino López tuyên bố trung thành với ông Maduro và cho biết đã có những nỗ lực dụ dỗ quân đội quay sang ủng hộ phe đối lập.

“Họ cố gắng mua chuộc chúng tôi như thể chúng tôi là những lái buôn”, ông López nói như một lời cảnh báo gửi đến bất kỳ người nào trong quân đội có ý định bỏ hàng ngũ.

Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt lên ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela cũng như những nhân vật chủ chốt trong chính phủ của Tổng thống Maduro, làm trầm trọng hơn cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo vốn đã khiến khoảng 10% người dân Venezuela phải rời khỏi đất nước trong những năm gần đây, gây ra cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở Mỹ Latin.

Ông Cutz cho rằng Mỹ sẽ gia tăng công kích bằng lời nói nhằm vào chính phủ Maduro, và cũng đã sử dụng đến vũ khí chủ chốt là trừng phạt dầu khí. Những lựa chọn cuối cùng có thể là can thiệp quân sự, nhưng điều này khó xảy ra, hoặc chuyển sang một ưu tiên chính sách ngoại giao khác.

“Nó có vẻ giống như một cơn giận dữ hơn là duy nghĩ chiến lược”, ông Cutz đánh giá về những phát biểu hùng hồn từ Nhà Trắng. “Nếu tôi là một đại tá cấp thấp, tại sao tôi phải liều mạng chia sẻ bí mật với người Mỹ nếu họ không giữ kín chuyện đó”, ông Cultz nói.

Những phát biểu của Tổng thống Trump cho thấy Mỹ hiện giờ không tập trung vào lựa chọn quân sự.

“Và chúng ta sẽ làm mọi thứ có thể, nhưng bạn biết đấy, không phải lựa chọn cuối cùng”, ông Trump nói trong cuộc trả lời phỏng vấn đài Fox hôm thứ Tư vừa qua. “Có những người muốn làm như vậy, nhưng chúng ta còn nhiều lựa chọn khác. Khi nhìn vào tình hình đang diễn ra thì đó đúng là một mớ hổ lốn”, ông Trump nói.

Ông Trump nói Tổng thống Maduro “cứng rắn, nhưng tôi nghĩ ông ấy đang mất quyền kiểm soát khá nhiều”.

Theo theo AP
MỚI - NÓNG