Chuyện tử tế, Bài 1: Trái tim không cho phép mình tham lam

Chị Lê Thị Hậu trả lại đồ nhặt được cho ông Nguyễn Văn Lực
Chị Lê Thị Hậu trả lại đồ nhặt được cho ông Nguyễn Văn Lực
TP - Đó là một bộ phim tài liệu được coi xuất sắc của đạo diễn Trần Văn Thủy, ra đời cách đây hơn 30 năm (năm 1985). Bộ phim đã khắc họa hình ảnh của những người dân nghèo khổ trong xã hội để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Thế nào là sự tử tế?”. Cho đến nay câu hỏi vẫn còn vẹn nguyên tính thời sự. Với loạt bài “Chuyện tử tế”, báo Tiền Phong tiếp tục đi tìm câu trả lời thông qua nhiều con người, hoàn cảnh sống khác nhau; với mong muốn một lần nữa “đánh thức sự tử tế” trong mỗi con người.

Họ là những người nhặt được của rơi với số tiền lớn mà không gợn lòng tham, còn đôn đáo tìm cách trả lại người đánh mất. Càng khâm phục hơn khi họ chỉ là những người bình dị, thậm chí nghèo khó. 

“Chị Hậu trả lại của rơi”

Câu chuyện “Chị Hậu trả lại của rơi”diễn ra đầu tháng 4/2019 nhưng đến giờ vẫn được nhiều người dân ở TP Biên Hòa (Đồng Nai) nhắc tới với một sự nể phục, quý trọng. Chị Lê Thị Hậu (SN 1971, quê Nghệ An) có hoàn cảnh khó khăn, vào đây làm nghề bán vé số mưu sinh được vài năm. Một ngày đầu tháng Tư, chị ra phố bán vé số nhặt được chiếc ví có chứa hơn 5 triệu đồng, một miếng vàng SJC, một số ngoại tệ, một thẻ ATM cùng nhiều giấy tờ tùy thân... Không đắn đo, chị tìm đến công an phường nhờ tìm người đánh rơi.

Hiện chị Lê Thị Hậu vẫn đều đặn đội nắng mưa qua từng ngõ phố Biên Hoà bán vé số, nhưng những gánh nặng mưu sinh thường ngày như được san sẻ, vơi nhẹ hơn nhiều. Chị bộc bạch, số lượng vé bán nhiều hơn trước, nhưng quan trọng và hạnh phúc hơn là “được đón nhận ánh mắt nụ cười ấm áp, sự quan tâm hơn từ mọi người”. Nhiều lúc chị chỉ biết mỉm cười khi có người nhận ra mình và tếu táo “mở cái nón ra xem có phải chị Hậu”, “bà này sao tốt thế”...

Những hạnh phúc đó, chị Hậu chẳng thể nghĩ đến khi tìm cách trả lại của rơi. Chị kể: “Khi nhặt được ví xung quanh chẳng có ai. Mở ví ra thấy tiền và giấy tờ quan trọng tôi nghĩ người làm rơi đang lo buồn lắm. Bản thân mình trước đó mấy ngày mất có 20 tờ vé số đã cảm thấy rất đau khổ và khóc lóc nghĩ đến không có tiền gửi về cho con”. Số tiền trong ví bằng mấy tháng ròng bán vé số, nhưng chị bảo “trái tim không cho phép mình tham lam”.

Ngày chị trao tận tay chiếc ví đủ tiền, vàng và giấy tờ cho chủ nhân là ông Nguyễn Văn Lực (SN 1956, ngụ phường Tân Bình, TX Dĩ An, Bình Dương) cũng là lần đầu tiên chị Hậu được phỏng vấn được lên báo, tivi và cả mạng xã hội. “Mấy ngày liền tôi vừa vui vừa hãnh diện, đi bán vé số mà thấy cứ lâng lâng không ăn được đến độ tụt huyết áp phải truyền nước và nghỉ đi bán mấy hôm”, chị Hậu thật thà chia sẻ.

Trung tá Hoàng Xuân Vượng - Trưởng Công an phường Thanh Bình, TP Biên Hoà - nơi bắc cầu để người nhặt của rơi trả người đánh mất, cho hay: Chị Hậu thuê căn phòng trọ nhỏ lấy chỗ đặt lưng buổi tối, ngày bán vé số chắt chiu từng đồng gửi về quê nuôi con ăn học. Ngày trả lại chiếc ví, chị Hậu nhất quyết từ chối việc ông Lực dành tặng toàn bộ số tiền trong ví để cảm ơn và chỉ đồng ý để ông Lực mua một phần vé số khi có tác động thêm của mọi người. “Tôi rất cảm phục tấm lòng của chị, nhất là trong hoàn cảnh khó khăn. Công an phường đã làm đề xuất khen thưởng cho chị và đã được Ban Thi đua khen thưởng tỉnh Đồng Nai, UBND TPBiên Hòa cùng UBND phường Thanh Bình trao bằng khen, cùng tiền thưởng hơn 10 triệu đồng”, trung tá Vượng cho biết.

   
Chuyện tử tế, Bài 1: Trái tim không cho phép mình tham lam ảnh 1 Huyện Đoàn Quế Sơn (Quảng Nam) tuyên dương “Người tốt - việc tốt” đối với anh Mai Minh Thành Ảnh: HĐQS

Quyết từ chối nhận “cảm ơn”

Những ngày cuối tháng Tư, trên bức tường nhà anh Mai Minh Thành (SN 1990) xuất hiện tấm giấy khen với dòng chữ in đậm “Người tốt - việc tốt”của Huyện Đoàn Quế Sơn (Quảng Nam) trao tặng. Không ít người đến chơi tò mò hỏi giấy khen có kèm “bánh mỳ”?Sao không nhận tiền “cảm ơn” của người ta?...Anh chỉ cười hiền.

Anh Thành vẫn nhớ buổi trưa phát hiện chiếc túi xách nữ để quên, bên trong có số tiền lớn. Khi mở túi thấy số tiền lớn anh càng muốn sớm tìm được người đánh rơi. Đặt hy vọng vào sự kết nối của mạng xã hội Facebook, anh viết lên trang cá nhân: Tôi tên là Mai Minh Thành ở xã Quế An, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Trên đường đi làm về đến gần quán cà phê Vườn Dừa thì tôi có nhặt được một ví nữ trong đó có chứng minh nhân dân mang tên Lý Thị Thanh quê ở Duy Vinh, Duy Xuyên Quảng Nam, các loại giấy tờ khác có liên quan và số tiền này. Mong mọi người chia sẻ giúp để chủ nhân nhận lại...

Dòng chia sẻ của anh Thành đã nhận được hàng nghìn lượt bày tỏ cảm xúc, chia sẻ và bình luận khen ngợi cảm kích, nhưng không tránh được một vài ý kiến ngờ vực bịa chuyện, diễn kịch câu like. Và chỉ sau vài giờ, những hoài nghi đã được làm sáng tỏ khi vợ chồng chị Thanh - người rơi đồ, đã trực tiếp đến nhà anh Thành để xin nhận lại túi xách có hơn 31,3 triệu đồng, hơn 700 USD (hơn 16 triệu đồng), một điện thoại, một CMND, một bằng lái môtô...

Đó là số tiền vợ chồng chị Thanh chuẩn bị lo cho người thân đang điều trị ung thư. Trên tài khoản Facebook cá nhân, chồng chị Thanh đã viết cảm ơn và đăng tải hình ảnh nhận lại tài sản. Đồng thời cho biết anh Thành nhất quyết từ chối nhận “cảm ơn”.

Hành động của anh Thành càng trân quý khi điều kiện gia đình anh không mấy dư giả, hai vợ chồng có thu nhập chưa đầy 4 triệu/tháng, lại đang nuôi con nhỏ. “Thấy họ nhận được tiền mừng rơi nước mắt, tôi cũng vui lắm. Với tôi thế là đủ rồi”, anh Thành nói.

Bài học trung thực đầu đời

Trả lại đồ nhặt được cho người đánh rơi cũng là niềm vui của nhiều em học sinh, trong đó có cậu bé Nguyễn Nhật Nam (học sinh lớp 4) ở miệt U Minh, đất mũi Cà Mau. Cách đây gần một năm, khi đang trên đường đi học về, Nam tình cờ nhặt được chiếc ví chứa 44 triệu đồng, giấy tờ và một điện thoại di động. Nam hối hả chạy về báo với ông bà nội để tìm cách liên hệ trả lại người đánh rơi. Khi được hỏi về hành động đẹp này, Nam nói: “Cô giáo dạy em lượm được của rơi phải trả người đánh mất”.

Mới đây, em Đinh Thị Anh Thư và Trần Hoàng Nam (lớp 4/1 trường Tiểu học Lam Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai) đã trả lại chiếc ví có hơn 7 triệu đồng và giấy tờ quan trọng cho người đánh rơi. Đặc biệt, có những em có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn không tham của rơi, như Võ Văn Tâm (lớp 8A8, trường THCS Phan Chu Trinh, phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Em Tâm đã giao nộp cơ quan chức năng gần 50 triệu đồng để tìm và trả lại người đánh mất. Gia đình Tâm có hoàn cảnh khó khăn và đang thuê nhà trọ để ở. Chi tiêu hàng ngày trông cậy vào tiền làm thợ hồ của bố mẹ và anh trai.

Trên nhiều fanpage mạng xã hội Facebook gắn dòng tag: Mỗi ngày 1 tin tốt mỗi tuần một câu chuyện đẹp” đăng tải những câu chuyện không tham của rơi như chị Hậu bán vé số, anh Thành hay những học sinh... đã nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng mạng. Nhiều bạn có những bình luận thể hiện sự cảm kích: “Hành động này như những đóa hoa của cuộc đời tỏa ngát hương thơm”; “Mình rất thích đọc những tin thế này để thấy cuộc đời vẫn còn nhiều người tốt, đáng noi theo”... 

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
Chủ tịch Cần Thơ yêu cầu kịp thời thay thế cán bộ 'đùn đẩy, sợ trách nhiệm'
TPO - Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ vừa có chỉ đạo tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn thành phố. Trong đó, yêu cầu kịp thời thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm...