Giữa căng thẳng với Iran, Ngoại trưởng Mỹ bất ngờ thăm Iraq

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoe (phải) hoãn chuyến đến Đức để thăm Baghdad. (Ảnh: BBC)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompoe (phải) hoãn chuyến đến Đức để thăm Baghdad. (Ảnh: BBC)
TPO - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa có chuyến thăm bất thường đến Iraq, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran gia tăng.

Ông Pompeo hoãn chuyến đi đến Berlin, Đức, để gặp các nhà lãnh đạo Iraq trong chặng dừng chân kéo dài 4 giờ đồng hồ ở thủ đô Baghdad.

Chuyến thăm diễn ra vài ngày sau khi Mỹ thông báo điều 1 tàu sân bay đến khu vực để đáp trả thứ mà Washington nói là mối đe dọa từ Iran nhằm vào các lực lượng Mỹ và đồng minh.

Hôm 7/5, có thêm thông tin rằng Mỹ đang cử các máy bay ném bom B-53 đến khu vực.

Mỹ không nói cụ thể về bản chất thực sự của mối đe dọa từ Iran,  còn Iran nói rằng cáo buộc đó vô nghĩa.

Mỹ cung cấp rất ít thông tin về chuyến thăm chóng vánh của ông Pompeo đến Baghdad. Nhưng có tin Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi.

Phát biểu trước các phóng viên sau cuộc gặp, ông Pompeo gắn chuyến thăm này với những tình hình căng thẳng gia tăng với Iran gần đây. Iraq và Iran là 2 quốc gia láng giềng.

Ông Pompeo nói rằng ông muốn “nói chuyện với các lãnh đạo ở đó (Iraq) để bảo đảm với họ rằng chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp tục bảo đảm Iraq là một quốc gia độc lập và có chủ quyền”.
Ông cũng nói muốn giúp Iraq bớt phụ thuộc vào các thỏa thuận năng lượng với Iran.

Trước đó, Phát ngôn viên tạm quyền của Lầu Năm góc Charles Summers nói trong một tuyên bố rằng Mỹ không muốn chiến tranh với Iran, “nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ người Mỹ, các đồng minh và lợi ích của chúng tôi ở khu vực”.

“Việc triển khai nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và máy bay ném bom được coi như một bước đi khôn ngoan nhằm đáp trả các dấu hiệu Iran đang gia tăng chuẩn bị những chiến dịch chống lại lực lượng Mỹ và các lợi ích của chúng tôi”, ông Summers nói.

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran xuất phát từ Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 nhằm lật đổ chính quyền Shah thân phương Tây và lập ra một chính quyền chống Mỹ triệt để. Nhưng quan hệ đó càng căng thẳng hơn sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu lên nắm quyền năm 2017.
Leo thang gần đây nhất là việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử mà chính quyền tiền nhiệm của ông Trump cùng châu Âu đạt được với Iran vào năm 2015.

Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý hạn chế các hoạt động hạt nhân nhạy cảm và cho phép các thanh sát viên quốc tế vào giám sát để đổi lấy việc được nới lỏng trừng phạt. Nhưng các biện pháp trừng phạt hiện đang bị thắt chặt hơn.

Tháng trước, Nhà Trắng thông báo sẽ chấm dứt miễn trừ cấm vận mua dầu Iran đối với 5 quốc gia, gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỹ cũng đưa Lực lượng vệ binh cách mạng Iran vào danh sách khủng bố.

Chính quyền Trump hy vọng sẽ có thể buộc Iran đàm phán một thỏa thuận mới, trong đó không chỉ giới hạn hoạt động hạt nhân mà còn bao trùm chương trình tên lửa đạn đạo mà Washington gọi là “hành vi độc hại” ở Trung Đông.

Các biện pháp cấm vận của Mỹ đã tác động xấu đến kinh tế Iran, đẩy giá trị đồng tiền của nước này xuống mức thấp kỷ lục, các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn và châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình.

Iran nhiều lần dọa sẽ trả đũa Mỹ bằng cách chặn eo biển Hormuz, nơi khoảng 1/5 lượng dầu tiêu thụ trên toàn cầu được vận chuyển qua.



Theo theo BBC
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.