Hóa giải cuộc chiến thương mại: Trung Quốc có thể đang tính sai

Một cột điện gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trong dịp treo cờ Trung Quốc và Mỹảnh: Damir Sagolj
Một cột điện gần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh trong dịp treo cờ Trung Quốc và Mỹảnh: Damir Sagolj
TP - Mỹ và Trung Quốc sắp tiến tới một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài thì đùng một cái, tất cả mọi thứ đổ bể. 

Hôm qua, Mỹ bắt đầu tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ chuẩn bị áp mức thuế 25% lên lượng hàng khác trị giá 325 tỷ USD từ Trung Quốc.

Nhưng ngay cả khi Bắc Kinh dọa trả đũa, các nhà đàm phán của hai nước đang ở Washington vẫn đồng ý sẽ ngồi với nhau thêm một ngày nữa. Một thỏa thuận có thể ra đời từ vòng đàm phán này, nhưng sẽ là cuộc chiến khó khăn hơn nhiều so với kỳ vọng của bất kỳ ai cách đây chỉ 1 tháng. Lần này, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Stephen Mnuchin thay vì gặp nhau để bắt tay và vỗ vai, họ lại lao vào mặc cả quyết liệt.

Phản ứng trước quyết định của ông Trump, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng họ “lo ngại sâu sắc” về quyết định của Mỹ và sẽ có biện pháp đáp trả, nhưng chưa nói cụ thể bằng cách nào.

Trước đó trên Twitter, ông Trump cáo buộc Bắc Kinh cố câu giờ khi nghĩ rằng sẽ chuyển sang làm việc với phe Dân chủ sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020. Phát biểu trước đám đông ở Florida vào thứ Tư vừa qua, ông Trump nói rằng các biện pháp thuế mới được áp dụng vì Trung Quốc “phá thỏa thuận”.

“Phó Thủ tướng (Trung Quốc) sẽ đến vào ngày mai, một người tốt, nhưng họ phá thỏa thuận. Họ không thể làm thế”, ông Trump nói. “Nếu chúng ta không có thỏa thuận thì không gì sai khi giữ lại 100 tỷ USD mỗi năm. Chúng ta chưa từng làm như thế trước đây”, ông tuyên bố.

Khi khơi mào cuộc chiến thương mại, ông Trump hy vọng có thể buộc Trung Quốc mở cửa thị trường hơn nữa với hàng Mỹ, dừng ép buộc chuyển giao sở hữu trí tuệ và viết lại các thỏa thuận thương mại mà ông cho là không công bằng và có lợi cho Bắc Kinh.

Để làm điều đó, ông tấn công toàn diện vào nền kinh tế Trung Quốc, tăng mạnh thuế lên nhiều mặt hàng Trung Quốc. Trung Quốc đáp trả, khiến các nông dân Mỹ tổn thất.

Ban đầu, chiến lược của ông Trump tỏ ra hiệu quả, dù ông hứng nhiều chỉ trích về tác hại đối với tăng trưởng kinh tế và khu vực nông nghiệp Mỹ. Ông đã buộc Bắc Kinh ngồi vào bàn đàm phán và vào tháng 12 năm ngoái hai bên đồng ý “đình chiến”.

Tháng 4 vừa qua, báo chí Trung Quốc đưa tin các nhà đàm phán hai nước đã đạt được đồng thuận mới trong những vấn đề quan trọng của thỏa thuận thương mại. Còn Nhà Trắng nói rằng vòng đàm phán tuần này sẽ “bao gồm các vấn đề thương mại, trong đó có sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ ép buộc, rào cản phi thuế quan, nông nghiệp, dịch vụ và thực thi”, cho thấy hai bên đang bước vào giai đoạn đàm phán cuối.

Ði lùi

Mọi thứ thay đổi sau thông điệp mới của ông Trump trên Twitter vào Chủ nhật tuần qua. CNN dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết tại vòng đàm phán gần đây nhất ở Bắc Kinh, phía Trung Quốc đã nỗ lực đàm phán lại nhiều khía cạnh quan trọng của thỏa thuận dự kiến mà phía Mỹ cho là đã khép lại.

Theo Reuters, một bức điện tín gửi từ Bắc Kinh đến Washington vào thứ 6 tuần trước chứa có những chỉnh sửa mang tính hệ thống, khiến các đòi hỏi cốt lõi của Mỹ bị suy yếu. Những sửa đổi đó bao gồm việc lùi lại cam kết thay đổi luật về sở hữu trí tuệ và bí mật thương mại, chính sách cạnh tranh và quy định về tiền tệ.

Phát biểu trước báo giới vào đầu tuần này, ông Mnuchin nói rằng có “một số dấu hiệu” tiến trình đàm phán “đang đi lùi đáng kể”, khiến ông phải cập nhật tình hình cho Tổng thống.

Vẫn chưa rõ điều gì khiến Bắc Kinh làm như vậy, nhưng các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân có thể do Trung Quốc hiểu nhầm rằng ông Trump đang lo ngại tình trạng của nền kinh tế Mỹ và sẵn sàng nhượng bộ.

Cách hiểu của Bắc Kinh rằng Mỹ đang yếu thế hơn có thể cũng xuất phát từ tình hình kinh tế hiện nay của chính Trung Quốc, với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quý 1 năm nay khá tốt, cùng với sự tái cam kết của nước này đối với sáng kiến Vành đai Con đường tại diễn đàn ở Bắc Kinh gần đây với sự tham dự của hàng chục lãnh đạo thế giới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng có thể Trung Quốc đang tính sai. Kinh tế Mỹ vẫn được đánh giá là vững hơn, và kiểu đòi đàm phán lại vào phút chót đã chọc giận ông Trump.              

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.