Việt Nam xả thải nhựa thứ 4 châu Á

Rác tràn ngập trên bãi tắm Bãi Cháy, TP Hạ Long hôm 30/4Ảnh: Hoàng Dương
Rác tràn ngập trên bãi tắm Bãi Cháy, TP Hạ Long hôm 30/4Ảnh: Hoàng Dương
TP - Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy, lượng rác thải nhựa mỗi năm đủ để bao quanh 4 vòng trái đất với hàng loạt hệ lụy về sức khỏe con người, quần thể sinh vật và môi trường sống. Việt Nam là quốc gia thải rác nhựa nhiều thứ 4 châu Á.

Chỉ số tiêu thụ nhựa ở Việt Nam tăng nhanh

Theo Liên Hiệp Quốc, mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế, dự báo đến năm 2050, rác thải nhựa sẽ nặng hơn khối lượng cá ở các đại dương. Theo thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo tồn thiên nhiên (WWF), khoảng 150 triệu tấn rác nhựa đang trôi nổi trên biển. Sản lượng nhựa được dự báo sẽ tăng thêm 40% vào năm 2030 nếu như chúng ta không có hành động gì để thay đổi.

GS Đặng Kim Chi, chuyên gia về chất thải rắn chia sẻ, Việt Nam đứng thứ 4 (sau Trung Quốc, Indonensia, Philippines) ở châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa. Báo cáo của Liên Hiệp Quốc xếp Việt Nam ở vị trí thứ 17 trong 109 quốc gia có mức độ ô nhiễm rác nhựa lớn trên thế giới. 
Theo Vụ Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường Bộ TN&MT, nếu chất thải nhựa và túi ni lông không được tái sử dụng, tái chế, lượng chất thải nhựa và túi ni lông thải bỏ ở Việt Nam xấp xỉ  2,5 triệu tấn/năm. Chỉ số nhựa tiêu thụ tính trên đầu người tại Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua. Nếu như năm 1990, mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 3,8 kg/năm thì đến năm 2015 con số này đã tăng lên 49 kg/người/năm, gấp gần 13 lần.

Điều đáng lo ngại là chất thải nhựa và túi ni lông phát sinh từ các hộ gia đình, chợ, khu vực công cộng ở Việt Nam chưa được tiến hành phân loại tại nguồn. Chúng được xử lý cùng với chất thải rắn sinh hoạt. Trong khi đó, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập. Hai phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp và đốt. Phương pháp chôn lấp gây tốn diện tích đất, chất thải không được xử lý triệt để, tiếp tục tồn tại lâu dài gây ô nhiễm đất, ô nhiễm nước. Trong khi đó, phương pháp đốt gây nhiều lo ngại về việc thải ra Dioxin/Furan.

Phát hiện nhựa trong hệ tiêu hóa của 240 loài

WWF nêu 4 lĩnh vực chịu tác động tiêu cực từ rác thải nhựa gồm: Sức khỏe con người, môi trường và sinh vật biển, biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí, cuối cùng là chất lượng cuộc sống và kinh tế. Theo WWF, 270 loài sinh vật bị ảnh hưởng trực tiếp từ rác thải nhựa đại dương, trong đó, hơn 240 loài có nhựa trong hệ tiêu hóa. Các nhà khoa học từng phát hiện một con cá voi có 30 túi nilong trong ruột. Hình ảnh sinh vật biển chấp chới trong biển rác nhựa, ngậm rác nhựa hay bị cuốn vào rác nhựa đã trở nên quen thuộc. 

Rác thải nhựa còn ảnh hưởng đến sức khỏe con người thông qua con đường ăn uống. Có rất nhiều nghiên cứu đã được thực hiện về độc chất của nhựa đối với sức khỏe con người. Trong các hạt nhựa có 4% là các phụ gia giúp dẻo hóa, tăng độ bền, độ trong suốt hoặc các tính chất khác của nhựa. Bản thân nhựa cũng có khả năng hấp phụ các chất ô nhiễm để trở thành chất ô nhiễm. Cả phụ gia của nhựa và chất ô nhiễm đều có thể kết hợp với các chất hữu cơ hoặc các chất vô cơ  để trở thành các chất hữu cơ/vô cơ khó phân hủy. 

Theo các nhà khoa học, sự lan truyền của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) thông qua chuỗi thức ăn đã được nghiên cứu rất sâu rộng trong những năm vừa qua. Nhiều chất gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người như phthalates, bisphenol A (BPA). Trong đó Biphenol A (BPA) gây suy giảm chức năng sinh sản ở nam giới, biến đổi gen ở các em bé và gây ung thư đối với những người tiếp xúc thường xuyên. Phthalates gây loạn hooc môn và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Đặc biệt, quá trình phân hủy rác thải nhựa có thể tạo ra các hạt vi nhựa. Hải sản ăn phải loại vi nhựa này rồi qua con đường ăn uống xâm nhập vào cơ thể con người, gây nhiều nguy cơ với sức khỏe. WWF dẫn con số thống kê, hạt vi nhựa có trong 93% số mẫu nước đóng chai từ 11 nhãn hàng tại 9 quốc gia. Mỗi người hấp thụ tối đa là 4620 hạt vi nhựa/năm qua ăn uống với những nước tiêu thụ nhiều hải sản. Ngoài ra, mỗi năm mỗi người hít vào 13.731 - 68.415 hạt vi nhựa từ các đồ đạc trong gia đình. WWF cũng chỉ ra, rác thải nhựa gây tác động tiêu cực đến biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế.

Theo các nhà môi trường, trong bối cảnh chưa thể tìm ra một vật liệu thay thế nhựa, thân thiện hơn với môi trường, việc hạn chế sử dụng nhựa một lần đang là biện pháp trước mắt. Bộ Tài nguyên và Môi trường mới đây phát động phong trào nói không với rác thải nhựa với việc ngừng sử dụng chai nhựa một lần trong các cuộc họp, thay vào đó là chai kim loại. Bộ Tài nguyên và Môi trường kêu gọi các bộ, ngành, địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp cùng tham gia chiến dịch này.

WWF dẫn con số thống kê, hạt vi nhựa có trong 93% số mẫu nước đóng chai từ 11 nhãn hàng tại 9 quốc gia. Mỗi người hấp thụ tối đa là 4620 hạt vi nhựa/năm qua ăn uống với những nước tiêu thụ nhiều hải sản. Ngoài ra, mỗi năm mỗi người hít vào 13.731 - 68.415 hạt vi nhựa từ các đồ đạc trong gia đình.

MỚI - NÓNG