Những cán bộ đảng viên vi phạm: Trách nhiệm nêu gương ở đâu?

Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hôi, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hôi, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
TP - Ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội - Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, trong khi chờ đợi kết luận của cơ quan công an thì những cán bộ, đảng viên có con em nằm trong danh sách được nâng điểm cần thực hiện trách nhiệm nêu gương của đảng viên và chủ động báo cáo, kiểm điểm, tự phê bình với các cấp ủy, cơ quan quản lý. 

Trong báo cáo kiến nghị của cử tri mà Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng hợp và gửi tới kỳ họp thứ 7 (khai mạc vào đầu tuần sau) có đề nghị gắn trách nhiệm nêu gương để xử lý nghiêm các cán bộ, lãnh đạo quản lý có liên quan gian lận thi cử. Vì sao lại đặt vấn đề này, thưa ông ?

Vụ việc gian lận thi cử vừa qua gây rất nhiều bức xúc và là vấn đề “nóng” được nêu ra tại các Hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7. Qua tổng hợp ý kiến cũng như đánh giá vụ việc được coi là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay xảy ra ở Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, chúng tôi thấy cần phải làm rõ trách nhiệm liên quan của các phụ huynh có con em nằm trong diện được nâng điểm. Bởi nếu bố mẹ các thí sinh đó không phải là quan chức, lãnh đạo quản lý các cấp thì liệu có xảy ra việc nâng điểm không? Tôi chắc là không.

Vì thế, khi xem xét trách nhiệm của phụ huynh, ngoài quy định của pháp luật còn căn cứ vào các quy định của Đảng và quy định về trách nhiệm nêu gương. Hiện các văn bản, nghị quyết của Đảng đều nêu rõ, cán bộ, đảng viên chức vụ càng cao thì càng phải nêu gương, nếu vi phạm thì hình thức xử lý càng phải nặng. Đối với những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý có liên quan đến vi phạm thì việc xử lý phải gắn với trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Vậy trong trường hợp chưa có kết luận điều tra nhưng căn cứ vào các quy định của Đảng thì có thể xử lý được những bậc phụ huynh này chưa, thưa ông?

Hoàn toàn có thể xử lý được. Thực tế, trong vụ việc này, không ai lại tự dưng vi phạm pháp luật để thực hiện hành vi nâng điểm nếu không nhận được “lợi ích”. Có người nâng điểm thì chắc chắn phải có người “chạy”, hoặc có sự can thiệp, đánh đổi, thậm chí đó có thể là cách “nịnh” để được lọt vào mắt xanh lãnh đạo nhằm mưu cầu chức tước sau này… Cái không trong sáng trong việc nâng điểm này là đã khá rõ, cần phải được xử lý.

Tuy nhiên, trong khi chờ đợi kết luận của cơ quan công an thì trước mắt các cấp ủy, chi bộ có thể yêu cầu các cán bộ, đảng viên báo cáo, giải trình về vấn đề này. Trường hợp cấp ủy không yêu cầu nhưng nếu thực sự trong sáng và có trách nhiệm nêu gương thì các cán bộ đó có thể chủ động kiểm điểm, báo cáo về việc này. Đây là cách tự kiểm điểm, tự minh oan cho mình. Có thể một người nào đó “nịnh bợ” cấp trên qua hình thức nâng điểm hoặc vì một động cơ không trong sáng nào đó. Thì qua giải trình, kiểm điểm sẽ giúp làm rõ ra để tổ chức đảng có cách thức xử lý phù hợp.

Vụ việc xảy ra qua 10 tháng, nhưng đến nay chưa thấy các cấp ủy yêu cầu các phụ huynh là đảng viên báo cáo, kiểm điểm và cũng chưa thấy phụ huynh nào công khai thực hiện việc tự kiểm điểm, tự phê bình. Vậy phải chăng ý thức trách nhiệm trong việc nêu gương và phê bình của những một số cơ quan và đảng viên là có vấn đề?

Tôi nhớ, khi vụ việc mới xảy ra, có lãnh đạo đã trả lời trên báo rằng “không biết con mình được nâng điểm”? Vậy việc này có đúng không? Nếu không nhận được cái gật đầu của anh thì những người khác có dám thực hiện việc nâng điểm không? Nếu anh thực sự là cán bộ trong sáng, công tâm, khách quan thì liệu có ai dám “nịnh bợ” bằng cách thức đó? Và nếu anh có trách nhiệm nêu gương thì tại sao không chủ động báo cáo, giải trình với cấp ủy và công khai cho dư luận được biết?

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG