Bộ Tài chính luân chuyển, điều động cấp phó 'dư thừa' một số đơn vị

Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bộ Tài chính
Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ làm việc tại Bộ Tài chính
TPO - Trước tình trạng số lượng cấp phó vượt quy định tại một số đơn vị, Bộ Tài chính sẽ thực hiện luân chuyển, điều động cấp phó từ nơi thừa sang nơi thiếu để đáp ứng yêu cầu công việc và đảm bảo số lượng cấp phó đúng quy định.

Đánh giá về mô hình Tổng cục

Tổ công tác về kiểm tra công vụ của Thủ tướng Chính phủ vừa có buổi làm việc và kiểm tra hoạt động công vụ tại Bộ Tài chính. Theo báo cáo của Bộ Tài chính về tinh giản biên chế, từ tháng 6/2015 đến tháng 5/2019, Bộ Tài chính đã thực hiện tinh giản được 697 trường hợp, trong đó 5 tháng đầu năm 2019 đã tinh giản được 96 trường hợp. Kết quả đổi mới, kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và bộ máy các đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm được 732 đầu mối.

Về công tác bổ nhiệm, hàng năm, toàn ngành tài chính đã thực hiện bổ nhiệm trung bình từ 2.000 đến 2.200 công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý các cấp từ Trung ương đến địa phương, trong đó, kết quả công tác bổ nhiệm các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng tính từ tháng 6/2012 đến nay là 601 trường hợp.

Về số lượng cấp phó, một số Vụ/Cục thuộc Bộ có khối lượng công việc được giao rất lớn, nhiều mảng công việc độc lập hoặc quản lý hoặc thực hiện các nhiệm vụ đặc thù nên có số lượng cấp phó nhiều hơn quy định.

Theo các thành viên tổ công tác, mặc dù Bộ Tài chính có số lượng biên chế lớn nhưng đã thực hiện đầy đủ các hình thức tuyển dụng theo quy định, cũng là Bộ đi đầu trong việc đẩy mạnh phân cấp và ứng dụng phương thức tuyển dụng mới.

Trong việc bổ nhiệm, đề nghị Bộ Tài chính báo cáo kết quả rà soát theo Kết luận số 43 của Bộ Chính trị về công tác cán bộ và đưa ra giải pháp khắc phục nếu phát hiện có sai phạm. Về số lượng cấp phó vẫn còn một số đơn vị vượt quy định, đề nghị Bộ Tài chính chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.

Bên cạnh đó, Tổ công tác cũng đề nghị Bộ Tài chính có báo cáo đánh giá về mô hình Tổng cục, phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất các nội dung phân cấp quản lý nhà nước theo ngành, lĩnh vực, bám sát yếu tố đặc thù của ngành để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội tốt hơn trong thời gian tới.

Không bổ nhiệm thêm cấp phó

Làm rõ thêm các vấn đề tổ công tác nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, để có được những kết quả như vừa qua, Bộ đã đổi mới phương thức quản lý gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Cùng với đó là đẩy mạnh thực hiện văn hóa công sở, văn hóa công vụ, luân chuyển vị trí công tác để phòng ngừa tiêu cực và tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Về số lượng cấp phó vượt quy định tại một số đơn vị, Bộ Tài chính đã đặt ra giải pháp để số lượng cấp phó trong thời gian tới đúng quy định như: Không bổ nhiệm, điều động, luân chuyển thêm cấp phó tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đã có đủ số lượng cấp phó theo quy định; thực hiện luân chuyển, điều động cấp phó từ nơi thừa sang nơi thiếu để đáp ứng yêu công việc và đảm bảo số lượng cấp phó đúng quy định...

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đánh giá cao kết quả đạt được của Bộ Tài chính trong thời gian qua, đặc biệt là công tác cải cách hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, ứng dụng công nghệ thông tin và luân chuyển vị trí công tác...

Tổ trưởng tổ công tác cũng đề nghị Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo toàn ngành thực hiện nghiêm các Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 và 7, Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế; Quyết định số 1847 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ và Chỉ thị 26 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan hành chính các cấp.

Cùng với đó, tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy bên trong các đơn vị; nghiên cứu, đề xuất về mô hình Tổng cục; đẩy mạnh tinh giản biên chế, đảm bảo đến năm 2021 đạt tối thiểu 10%; đẩy mạnh cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

MỚI - NÓNG