Kinh doanh bóng đá nhìn từ King’s Cup 2019:

Người Thái lại đi trước Việt Nam

Giá bản quyền cho giải giao hữu King’s Cup 2019 có sự góp mặt của ĐTVN tại Thái Lan vào đầu tháng 6 này được hé lộ lên tới 7 tỷ đồng. Ảnh: VSI
Giá bản quyền cho giải giao hữu King’s Cup 2019 có sự góp mặt của ĐTVN tại Thái Lan vào đầu tháng 6 này được hé lộ lên tới 7 tỷ đồng. Ảnh: VSI
TP - Hôm qua, nhiều tờ báo Việt Nam đồng loạt đăng tải thông tin, Công ty Next Media đã mua bản quyền giải King’s Cup 2019 (Thái Lan) với mức giá lên tới 7 tỷ đồng. Đây quả là con số gây sốc với không ít người trong cuộc.

Sốc bởi dù kết quả thi đấu tại King’s Cup 2019 được tính điểm bởi giải nằm trong hệ thống FIFA, nhưng trên thực tế đây chỉ là giải giao hữu. Đội tuyển Việt Nam cũng chỉ thi đấu 2 trận, trong đó gồm trận ra quân ngày 5/6 với Thái Lan. Theo tìm hiểu, ngay cả LĐBĐVN (VFF) và HLV Park Hang Seo cũng không đặt nặng vấn đề thành tích tại giải đấu này. Ông Park chỉ xem đây là dịp để kiểm tra lực lượng, chuẩn bị cho Vòng loại World Cup 2022 tháng 9 tới.

Con số 7 tỷ đồng (khoảng 280.000 USD) như một số tờ báo đưa cũng tăng vọt tới trên dưới 7 lần so với giá bản quyền truyền hình các mùa trước (chỉ trên dưới 40.000 USD). Đây là lý do khá nhiều quan điểm trong giới bóng đá nghi ngờ, mức giá công bố bị đẩy cao chỉ để phục vụ cho mục đích kinh doanh của các bên liên quan. Cho tới lúc này, chưa ai có thể xác thực được con số thực sự là bao nhiêu. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn, dù thế nào thì giá bản quyền truyền hình King’s Cup 2019 đã tăng độ nóng cũng như giá trị, mà nguyên nhân chính là từ sự “lên giá” của đội tuyển Việt Nam.

Sự quan tâm của giới hâm mộ đối với các đội tuyển quốc gia đã tăng cao sau liên tiếp các thành công 2 năm vừa qua, cả ở đấu trường châu lục và khu vực. Mọi di biến động của thầy trò HLV Park Hang Seo đều thu hút sự chú ý công luận, truyền thông.

Tới đây lại phải thấy, người Thái có những tính toán và bước đi đáng nể, xét ở góc độ kinh doanh, kiếm tiền từ bóng đá. Tại Vòng loại U23 châu Á 2020 diễn ra hồi tháng 3 tại Hà Nội, Thái Lan đã thua đậm Việt Nam 0-4. Kết quả giúp Việt Nam giành vé tham dự VCK tổ chức tại Thái Lan vào tháng 1 năm sau. Thất bại nặng nề trên dĩ nhiên không trong mong muốn của người Thái, nhưng tôi từng có bài phân tích chỉ ra rằng, Thái Lan được rất nhiều từ sự góp mặt của Việt Nam. Đó là số lượng hàng nghìn CĐV Việt Nam có thể theo chân thầy trò ông Park Hang Seo sang Thái Lan, doanh thu tăng vọt cho các dịch vụ du lịch, giải trí ở xứ Chùa vàng, những khán đài rực đỏ khi vào giải…

Nếu nhìn vào cách Ban tổ chức King’s Cup 2019 bất ngờ thay đổi thể thức thi đấu, tiến hành bốc thăm qua đó giúp gặp Việt Nam ngay trận đầu tiên thay vì Ấn Độ, càng có lý do để tin, Thái Lan rất biết cách để làm hấp dẫn thêm giải đấu họ tổ chức, qua đó tối đa hoá những gì thu về.

Nhìn lại ta thì dù bóng đá đạt nhiều thành tích rất tốt 2 năm vừa qua, VFF dường như vẫn đang loay hoay với bài toán kiếm tiền. Số tiền tài trợ kiếm được từ đầu năm tới nay chưa đáng kể, và tình hình tài chính của VFF vẫn không sáng sủa hơn trước là bao. Đơn cử như đầu tư cho bóng đá nữ làm ví dụ. Số tiền VFF dành cho bóng đá nữ khó tăng bởi ngân sách hạn hẹp. Cả hai giải đấu của nữ vừa qua gồm Cúp Quốc gia 2019 và giải VĐQG-cúp Thái Sơn Bắc 2019 đều dựa vào nguồn tài trợ cũ, gắn với cái tên ông bầu Trần Anh Tú.

Với giới bóng đá thì đây không khác gì lấy tiền “người nhà”, bởi bầu Tú đang trong Thường trực VFF, chứ doanh nghiệp bên ngoài không mấy mặn mà. VFF trong khi đó không hỗ trợ từ “vốn tự có” cho bóng đá nữ được bao nhiêu.

Bóng đá chuyên nghiệp, đích cuối cùng vẫn là hiệu quả về tài chính, để từ đó có thể phát triển lâu dài. Ở góc độ này thì nguồn lực bóng đá Việt Nam đang rất lãng phí. Người Thái vẫn luôn đi trước một bước, cho dù thành tích của họ các năm qua không được như Việt Nam.

MỚI - NÓNG