Thế đối đầu Australia - Trung Quốc trên biển Đông

Ảnh: Tàu chiến HMAS Anzac của hải quân Australia (wikipedia)
Ảnh: Tàu chiến HMAS Anzac của hải quân Australia (wikipedia)
TPO - Sự đối đầu của Australia trên biển Đông với Trung Quốc bắt nguồn từ lợi ích trực tiếp của họ và nằm trong chiến lược lớn hơn ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh ở khu vực, thậm chí ngay ở "sân sau" của Canberra.

Tờ Express của Anh vừa đưa tin tàu hải quân Australia đã bị hải quân Trung Quốc “bám đuôi” khi họ đang trên hành trình ở biển Đông.

Các tàu hải quân Australia đang tham gia một tour thăm viếng 7 nước châu Á với bốn tàu chiến mang theo máy bay, hơn 1.200 thủy thủ thì sự việc xảy ra, theo tiết lộ của ABC News hôm 27/5.

Thiếu tướng không quân Richard Owen nói nhóm tàu chiến Australia đã thực hiện hai lượt qua lại biển Đông, trong sự giám sát chặt chẽ của quân đội Trung Quốc. Ông nói: Khu vực này đang có tranh chấp, chúng tôi biết rất rõ điều đó. Chúng tôi đi về phía bắc và quay về theo hướng nam qua vùng nước quốc tế trên biển Đông và đoàn chúng tôi có sự tham gia, như thường lệ, của hải quân một số nước khác”.

Những cuộc đối đầu

“Chúng tôi rất nhạy cảm với các hoạt động hải quân, chúng tôi biết họ sẽ phản ứng thế nào và chúng tôi sẽ ứng xử ra sao, vì thế chúng tôi không có gì phải lo lắng, bởi tôi tin vào năng lực của Hải quân hoàng gia Australia cũng như quân đội Australia”.

Thiếu tướng Richard Owen nói thêm: “Họ sẽ muốn biết chúng tôi là ai, chúng tôi đang đi đâu và ý định của chúng tôi là gì”.

Năm ngoái hải quân Trung Quốc đã phát đi cảnh báo đối với các tàu hải quân Australia khi chúng đi ngang biển Đông.

Có vẻ như đã có lời cảnh báo phát đi trên hệ thống radio đòi các tàu Australia phải “tránh xa” vùng nước mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi.

Thế đối đầu Australia - Trung Quốc trên biển Đông ảnh 1 Một bức không ảnh không đề ngày tháng chụp đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng (Express)

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cũng xác nhận có sự việc, xảy ra hôm 15/4, và nói: “Tàu Trung Quốc đã sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp để giao tiếp với tàu Australia”. “Hoạt động của Trung Quốc là đúng pháp luật và tuân thủ các công ước. Chúng chuyên nghiệp và an toàn”.

Theo ABC News, ít nhất đã có 6 quốc gia không có tuyên bố chủ quyền ở biển Đông phái tàu chiến tới vùng nước này trong vòng ba năm qua, bao gồm Australia, Pháp, Ấn Độ, Singapore, Anh và Mỹ. Biển Đông là một trong những hải lộ thương mại nhộn nhịp nhất thế giới với số lượng hàng hóa ước tính trị giá hơn 5.000 tỷ USD.

Đây không phải là lần đầu các tàu chiến Australia phải đối đầu với tàu chiến Trung Quốc trên biển Đông.

Tháng 4/2018, ba tàu HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success được nói là đã bị các tàu chiến Trung Quốc “thách thức” khi đang trên đường tới Việt Nam trong một chuyến viếng thăm hữu nghị.

Các nguồn tin quốc phòng nói vụ đối đầu xảy ra khi Trung Quốc đang tiến hành tập trận bắn đạn thật dọc theo bờ biển đông nam nước này. Trước đó, Bắc Kinh đã nâng cấp cơ sở vật chất và triển khai nguồn lực tới các đảo của Việt Nam mà họ chiếm đóng trái pháp luật quốc tế.

Thủ tướng Australia lúc đó, Malcolm Turnbull, đã lên án hành vi ngăn cản quyền đi lại của tàu Australia trên biển Đông, “chiểu theo luật pháp quốc tế”.

Ông Malcolm Turnbull nói: “Chúng tôi duy trì và thực thi quyền tự do hàng hải, tự do hàng không khắp thế giới và trong ngữ cảnh này, chúng tôi đang nói về tàu chiến trên các đại dương, bao gồm biển Nam Trung Hoa (biển Đông), và đó là quyền của chúng tôi chiểu theo luật pháp quốc tế”.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói những gì phía Australia tuyên bố “không đúng với thực tế”. “Vào ngày 15/4 (hai năm liên tiếp các vụ đối đầu giữa hải quân Australia và Trung Quốc xảy ra vào ngày 15/4-NV), các tàu hải quân Trung Quốc chạm trán các tàu Australia ở Nam Hải (cách người Trung Quốc gọi biển Đông). Tàu Trung Quốc sử dụng ngôn ngữ chuyên nghiệp để liên lạc với tàu phía Australia. Hoạt động của Trung Quốc là đúng luật và chiểu theo các công ước quốc tế. Chúng chuyên nghiệp và an toàn” (ngôn từ của phía Trung Quốc không có gì khác so với lần đụng độ sau, tức tháng 4/2019).

Không rõ cuộc đối đầu giữa đôi bên diễn ra như thế nào nhưng Neil James, giám đốc điều hành Hiệp hội Quốc phòng Australia, một tổ chức nghiên cứu chính sách an ninh, nói thường thì đó là hành động phát cảnh báo trên radio rằng “tàu Australia đang trong vùng nước chủ quyền của Trung Quốc”. Và có thể là yêu cầu thông báo danh tính. Hải quân Australia sẽ đáp lại rằng họ đang ở vùng nước quốc tế. Bước thách thức tiếp theo là phái tàu và máy bay đi “điều tra”.

Vì sao Australia lo lắng trước hành động của Trung Quốc trên biển Đông?

Theo ABC, biển Đông cách thủ đô Canberra hơn 6.000km nhưng hoạt động của Bắc Kinh ở vùng biển này gây ra lo ngại sâu sắc trong giới quân sự và ngoại giao ở Australia.

Về bản chất, đối với Australia, việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ngang ngược và hành động hung hăng ở biển Đông là dấu hiệu trỗi dậy của Trung Quốc cũng như sự xoay chuyển trục quyền lực toàn cầu. Trung Quốc, dù không có những bằng chứng thuyết phục, vẫn đòi chủ quyền gần như toàn bộ biển Đông, chiếm đóng trái phép, cải tạo đất, xây đảo nhân tạo, quân sự hóa các đảo và thực thể họ chiếm đóng ở biển Đông.

Người Australia lo lắng bởi biển Đông là một hải lộ thương mại quan trọng và hơn một nửa lượng than đá, quặng sắt và khí hóa lỏng của họ đi qua vùng biển này tới các nước nhập khẩu. Họ có lợi ích và động lực để duy trì sự lưu thông tự do của hải lộ này.

Quan ngại thứ hai của người Australia là Trung Quốc đang thách thức “trật tự thế giới dựa trên luật pháp”, theo đó các nước về cơ bản chiểu theo luật pháp quốc tế để hành xử và giải quyết các tranh chấp  lãnh thổ một cách hòa bình.

Thế lưỡng nan

Australia đang lâm vào thế khó, khi Mỹ là đồng minh quân sự quan trọng nhất, trong khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Và cả hai mối quan hệ này đều quan trọng đối với họ.

Mặc dù nguy cơ chiến tranh giữa Trung Quốc và Mỹ được xem là thấp, quan hệ giữa hai nước này là “nguồn cung” căng thẳng rất đáng kể.  Kẹt giữa hai ông lớn này, bấy nay về mặt công khai, Australia vẫn cố gắng giữ thế trung dung, kêu gọi “giải pháp hòa bình”. Họ cũng sử dụng các kênh ngoại giao và diễn đàn để gây áp lực với Trung Quốc chấm dứt xây dựng cơ sở quân sự ở biển Đông.

Nhưng Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng ngay cả những nơi được xem là “sân sau”, ngay sát nách Australia.

Chuyện ở Nam Thái Bình Dương

Tờ The Conversation đưa tin, chuyến công du nước ngoài đầu tiên của thủ tướng Australia Scott Morrison trong năm 2019 là Vanuatu và Fiji, hai đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương. Chuyến thăm hiện thực hóa ưu tiên ngoại giao của Australi được vạch ra từ năm 2017: “đẩy mạnh sự can dự của chúng ta ở Thái Bình Dương”.

Thế đối đầu Australia - Trung Quốc trên biển Đông ảnh 2 Thủ tướng Australia Scott Morrison (giữa) thăm Vanuatu

Cần phải nhắc lại rằng chuyến thăm gần nhất của một thủ tướng Australia tới Vanuatu là vào năm 1990, khi ông Bob Hawke đang nắm quyền. Sự thiếu vắng của người Australia đã có ngay “ông bạn” từ Đông Bắc Á khỏa lấp. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện ở Nam Thái Bình Dương.

Chuyến thăm của thủ tướng Morrison diễn ra trong lúc đang có tin nói Trung Quốc bắt đầu xây căn cứ quân sự ở Vanuatu từ năm 2018, cho dù nước chủ nhà nhanh chóng bác bỏ tin này. Chủ đề chính của chuyến thăm, rất logic, tập trung nhiều vào chuyện quân sự. Ông Morrison nói việc Australia giúp Vanuatu xây dựng lực lượng cảnh sát và an ninh giúp “đảm bảo ổn định của khu vực”. Đôi bên được nói là cũng bàn thảo xây dựng thỏa thuận về an ninh.

Mặc dù Vanuatu đã bác bỏ tin Trung Quốc xây căn cứ quân sự, các cuộc tranh luận ở Australia vẫn bùng lên. Một số người nói thẳng họ lo ngại một cuộc tấn công có thể được phát động từ “một căn cứ nào đó của Trung Quốc” ở Vanuatu nhằm vào Australia.

Canberra đã có quan hệ quốc phòng với các quốc đảo khác trong khu vực Thái Bình Dương như Papua New Guinea và Fiji. Tại Fiji, tháng 8/2018, Australia đã vượt qua Trung Quốc trong việc tài trợ vốn cho quân đội Fiji xây dựng căn cứ quân sự Black Rock trên lãnh thổ đảo quốc này. Việc này diễn ra trong bối cảnh Fiji đang bị “giằng xé” giữa Bắc Kinh và Canberra. Các hoạt động của Trung Quốc tại khu vực, với chương trình phát triển hạ tầng “Vành đai và Con đường”, đã buộc Australia không thể ngồi yên. Các đảo quốc nếu tách ra chỉ là vài hòn đảo nhỏ, nhưng nếu xem xét chúng theo góc độ một vùng quần thể với tài nguyên thiên nhiên dồi dào, là nguồn lợi rất lớn mà các cường quốc khó có thể bỏ qua.

Thế đối đầu Australia - Trung Quốc trên biển Đông ảnh 3 Fiji và Vanuatu là hai đảo quốc “sát nách” Australia

Sự tái nhập cuộc của Australia rõ ràng là để thổi bạt làn sóng ảnh hưởng từ Trung Quốc và việc tài trợ cho căn cứ Black Rock nằm trong chiến lược này.

Trước đó, cả Australia lẫn Trung Quốc đều tài trợ cho lực lượng hải quân mong manh của Fiji. Canberra tặng tàu tuần tra cũ, nhưng đã được tân trang, còn Bắc Kinh tặng tàu “giám sát thủy văn”. Người ta nói chưa rõ Fiji giữ được vị trí “trung dung” giữa Australia và Trung Quốc được bao lâu.

MỚI - NÓNG