Phim 'rác', clip nhảm lũng đoạn YouTube

Kênh “Ghiền Mỳ Gõ” tập trung câu view bằng chuyện tình dục, cảnh khoe thân, hở bạo
Kênh “Ghiền Mỳ Gõ” tập trung câu view bằng chuyện tình dục, cảnh khoe thân, hở bạo
TP - Trong 1-2 năm trở lại đây, cộng đồng YouTuber Việt Nam phát triển mạnh. Nhưng bên cạnh những hình ảnh, thông tin hữu ích vẫn tồn tại nhiều kênh có nội dung nhảm nhí, thậm chí lạm dụng yếu tố giang hồ, bạo lực, khiêu dâm… vẫn được chia sẻ rầm rộ trên mạng Internet.

Ẩn hoạ từ YouTube

Những ngày này, cộng đồng mạng Việt Nam xôn xao bàn tán về sự thành công chớp nhoáng và đầy bất ngờ của kênh YouTube có tên Bà Tân Vlog. Dù mới chỉ chính thức đăng tải nội dung lên YouTube từ đầu tháng 5/2019 nhưng chỉ với 27 video, kênh YouTube này đã có được hơn hơn 1,6 triệu lượt theo dõi và tổng số lượt xem các video là hơn 74 triệu lượt xem. Trung bình mỗi video trên kênh nhận được hơn 3 triệu lượt xem.

Nhân vật chính của kênh YouTube này là một người phụ nữ gần 60 tuổi. Các nội dung được dàn dựng đơn giản, chủ yếu xoay quanh việc chế biến các món ăn với số lượng lớn như nướng 200 cái xúc xích, nướng 100 cái đùi gà, cốc trà sữa 60 lít … Dù nhận về không ít “gạch đá” như: kịch bản vô giá trị, ăn nói không có duyên, video không đầu tư, lãng phí khi làm những món ăn khổng lồ, con cái đưa mẹ già ra làm trò câu view… nhưng các video vẫn nhanh chóng đạt được hàng triệu lượt xem chỉ trong vài ngày.

Kênh “Ghiền Mì Gõ” hiện nay có gần 4,5 triệu người đăng ký theo dõi, con số mà nhiều ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp phải mơ ước. Những phim do kênh này phát hành được đánh giá là thảm họa về nội dung khi loanh quanh chuyện giới tính, tình dục, ăn mặc sexy, khoe thân. Series phim “Lan Quế Phường” của kênh này với đề tài gái làng chơi và giới giang hồ hiện đang gây ồn ào cũng thuần túy câu khách bằng các cảnh khiêu dâm, gợi dục...

Còn các series phim giang hồ đang “ăn khách” trên YouTube hiện nay như “Thập tam muội”, “Thập tứ cô nương”, “Chết thì chịu”, “Giang hồ Chợ Mới”… thì đầy rẫy cảnh chém giết, đấm đá, trả thù đẫm máu… đập thẳng vào mắt người xem.

Theo các chuyên gia xã hội học, tình trạng bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng, những hành vi giang hồ ngày càng xuất hiện nhan nhản ở quán ăn, quán cà phê, trên đường phố. Chỉ cần một lời nói, một ánh mắt “nhìn đểu” hay một va chạm giao thông nhỏ cũng có thể dẫn đến đổ máu, chết người. Bên cạnh đó, nạn dâm ô, xâm hại tình dục… cũng đang diễn biến phức tạp. Và những kênh YouTube “rác” không thể vô can trong câu chuyện này.

 “Tôi đã từng tham vấn, điều trị cho nhiều bạn trẻ trong độ tuổi vị thành niên bị ảnh hưởng bởi phim ảnh. Khi những hình ảnh bạo lực, khiêu dâm đi sâu vào tiềm thức, đến lúc ở đời thực có tình huống tương tự thì đứa trẻ sẽ bộc phát ra những hành xử giống như trong phim”, chuyên gia tâm lý, Ts. Lê Minh Thuận phân tích.

Quyền năng của Nút Vàng?

Theo chia sẻ của một YouTuber, khi trở thành đối tác sản xuất video chính thức của YouTube, các video sẽ được YouTube tự động đặt các quảng cáo và chi trả. Cách tính đơn giản được những người trong giới truyền tai nhau là lấy số lượt người xem nhân 6 lên sẽ ra số tiền được hưởng. Nghĩa là với clip đạt 1 triệu view, chủ tài khoản sẽ được YouTube trả về tài khoản 6 triệu đồng. Chưa kể, kênh còn nhận được những hợp đồng quảng cáo từ các nhãn hàng, thương hiệu bên ngoài. Chủ kênh YouTube cứ thế hàng tháng thu nhập vài chục đến cả trăm triệu là điều hết sức bình thường.

Nút Vàng là một giải thưởng YouTube dành cho chủ sở hữu của kênh có 1 triệu subscribe (đăng ký theo dõi kênh). Trong giới showbiz, Nút Vàng YouTube vốn được xem là một trong những kênh truyền thông và công chúng đánh giá thành tích của nghệ sĩ, so sánh giữa các nghệ sĩ với nhau.

Tuy nhiên, thực chất Nút Vàng được trao rất dễ dãi khi YouTube gần như chỉ quan tâm đến lượt xem và đăng ký, bỏ qua chất lượng nội dung của sản phẩm. Trong danh sách người Việt đã nhận Nút Vàng YouTube, chiếm tỷ lệ lớn là phim chiếu mạng về giang hồ, bạo lực, khiêu dâm. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đầu tư tiền tỷ làm MV, làm phim đăng trên YouTube nhưng lượt xem lại khiêm tốn hơn hẳn.

Công chúng trong nước từng ngã ngửa khi phim ca nhạc “Người trong giang hồ phần 6” của ca sĩ hội chợ Lâm Chấn Khang lọt danh sách 10 video nổi bật nhất thế giới, được YouTube Rewind công bố ngày 6/12/2018. Dù nội dung của phim bị nhiều người đánh giá là nhảm, rẻ tiền, “nhạc chợ” nhưng lượt xem “khủng” từ phim này vẫn là niềm mơ ước của các ngôi sao ca nhạc hàng đầu Việt Nam.

Sức hút từ phim chiếu mạng đã khiến nhiều diễn viên chuyên nghiệp cũng lao vào xả thân. Phần lớn các phim giang hồ trên YouTube đều do các diễn viên hài sản xuất như Thu Trang, Nam Thư, Việt Hương... Trước đó, họ từng làm phim “chân chính” nhưng chỉ đến khi làm phim giang hồ, kênh YouTube của các nghệ sĩ này mới tăng chóng mặt lượt xem, lượng tài khoản đăng ký theo dõi.

“Cửa” nào cho phim khiêu dâm, bạo lực?

Liệu sự xuất hiện tràn lan của các web drama “triệu view” có ảnh hưởng đến tính nghệ thuật, chuẩn mực nghệ thuật của phim ảnh truyền thống? Trước câu hỏi này, đạo diễn Vũ Hồng Sơn bày tỏ: “Tôi nghĩ nó sẽ không đủ sức để ảnh hưởng. Bởi phim có tính nghệ thuật hay không là phải đi vào cuộc sống, có thông điệp. Sức nóng của bộ phim đề tài gia đình “Về nhà đi con” đang phát sóng là một ví dụ. Nó cho thấy phim chân chính, phim nghệ thuật vẫn luôn có sức sống riêng mà không cần đến khiêu dâm hay bạo lực”.

“Cái nguy hiểm nhất của các phim chiếu mạng triệu view kém chất lượng là gây tác hại đến nhãn quan của người xem, nhất là giới trẻ. Bên cạnh đó, nó khiến cho nhiều bạn trẻ sau khi tham gia một vài tập phim, đóng một vài cảnh nóng, ăn mặc hở hang cũng tự nhận mình là diễn viên trẻ, nghệ sĩ trẻ, làm cho định nghĩa về diễn viên không còn đúng chuẩn trong mắt công chúng”, đạo diễn phim “Chạy án” phân tích.

Cùng chung bức xúc về vấn đề này, cách đây không lâu, nữ diễn viên Thanh Hương, một trong những gương mặt phim truyền hình ăn khách nhất hiện nay cũng thẳng thắn chia sẻ trên một tờ báo là “sẽ không bao giờ thừa nhận hoặc gọi các hot girl lạm dụng chuyện khoe thân trên phim chiếu mạng Ghiền Mì Gõ hay Lan Quế Phường là đồng nghiệp”.

Một chuyên gia truyền thông cũng dự báo: YouTube là mảnh đất màu mỡ, lại ít bị kiểm duyệt nên người ta có thể bất chấp để câu view. Nhưng nếu chỉ mãi xoay quanh nội dung nhàm chán, lặp lại, không đổi mới sáng tạo thì cũng sẽ bị người dùng khai tử, bởi cái họ muốn là sự mới lạ. Các phim hài giang hồ đều na ná nhau với mô típ xăm trổ, bạo lực và hài nhảm, tập đầu thu hút triệu view nhưng càng về sau càng đuối, có phim chỉ sản xuất 4-5 tập là phải dừng vì view tụt dốc thảm hại. Ngay cả những kênh như Bà Tân Vlog ban đầu hút người xem vì tò mò nhưng nếu chỉ loanh quanh làm món ăn khổng lồ thì sớm muộn cũng bị người xem quay lưng.

Phim 'rác', clip nhảm lũng đoạn YouTube ảnh 1 Đạo diễn Vũ Hồng Sơn: “Cái nguy hiểm nhất của các phim chiếu mạng triệu view kém chất lượng là gây tác hại đến nhãn quan của người xem, nhất là giới trẻ”

Siết chặt quản lý

Lâu nay, vấn đề quản lý nội dung trên YouTube vẫn khiến các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn. Đa phần các phim đăng YouTube chỉ chịu sự kiểm duyệt từ trang này. “Căn hộ 69” (2014) và 2 kênh YouTube Khá Bảnh và Dương Minh Tuyền là 3 trường hợp hiếm hoi bị cơ quan chức năng trong nước xử lý vì có nội dung khiêu dâm và bạo lực.

 Tin vui cho những người mong muốn một môi trường mạng “sạch sẽ” là mới đây, Google (cơ quan chủ quản của dịch vụ YouTube) và Facebook đã đồng ý cơ chế nhận các yêu cầu bằng tiếng Việt, để giải quyết các vấn đề tồn tại. Một thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp viễn thông Việt Nam với Facebook, Google đang từng bước được tiến hành. Theo lãnh đạo Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, từ nửa cuối năm 2018, Cục đã góp phần thúc đẩy việc Facebook, Google thiết lập một cơ chế dành riêng cho Chính phủ Việt Nam, sẵn sàng ngăn chặn, gỡ bỏ các thông tin vi phạm quy định pháp luật Việt Nam theo yêu cầu. Điều mà rất ít quốc gia làm được.

“Với trường hợp xác định được nhân thân, danh tính thì chúng tôi sẽ xử lý, thậm chí với trường hợp nghiêm trọng, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng khác như công an để xử lý từ mức độ hành chính cho đến xử lý hình sự. Còn với những tài khoản trên mạng không xác định được ai là chủ, đơn vị sẽ yêu cầu YouTube ngăn chặn, gỡ bỏ. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để ngăn chặn những kênh thanh toán, chuyển tiền quảng cáo mà những clip đó thu được đến những tài khoản đó. Chúng tôi cũng thống nhất được với Google là sẽ không chia sẻ tiền quảng cáo cho những nội dung mà phía Bộ TT&TT yêu cầu”, ông Lê Quang Tự Do – (Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử) cho biết phương án xử lý trong thời gian tới với những phim ảnh, clip mang nội dung phản động, đồi truỵ, kích động bạo lực… trên môi trường mạng.

MỚI - NÓNG