Điều chỉnh quy hoạch ngẫu hứng?

Cư dân Ngoại giao đoàn phản đối quy hoạch
Cư dân Ngoại giao đoàn phản đối quy hoạch
TP - Nhiều dự án khu đô thị mới tại Hà Nội điều chỉnh quy hoạch cục bộ cả chục lần. Không ít dự án đô thị khi điều chỉnh quy hoạch lấy ý kiến người dân kiểu “phù phép” cho đủ thủ tục, đủ kiểu cắt xén hạ tầng nhằm tăng lợi nhuận của nhà đầu tư…

“Ðua nhau” điều chỉnh quy hoạch

Nhiều năm qua tại Hà Nội, liên tiếp diễn ra những vụ việc cư dân phản đối chủ đầu tư điều chỉnh, thay đổi quy hoạch dự án. Nhiều khu vực biến thành điểm nóng về an ninh trật tự khi người dân liên tục treo băng rôn, xuống đường vì cho rằng việc thay đổi quy hoạch nhằm phục vụ lợi ích nhóm của nhà đầu tư, không vì lợi ích của cư dân.

Mới đây nhất, Cty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long đã xây dựng đồ án quy hoạch điều chỉnh các ô đất trong Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra giai đoạn 2.

Đây cũng không phải lần đầu chủ đầu tư xin điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Nam Thăng Long Ciputra giai đoạn 2. Cụ thể, quy hoạch khu đô thị Ciputra giai đoạn 2 vào năm 2016 đã từng được điều chỉnh đối với nhiều ô đất như ô đất I.A.20 được điều chỉnh tăng 1.810 người; ô đất I.A.25 tăng 629 người…

Trước đó, người dân đã phản đối việc điều chỉnh quy hoạch công viên Cầu Giấy làm bãi xe ngầm. Tại buổi đối thoại giữa UBND quận Cầu Giấy với người dân phường Dịch Vọng, gần 100% ý kiến phản đối xây dựng bãi xe ngầm ở công viên Cầu Giấy. Trong khi trước đó, UBND phường Dịch Vọng thông tin: “Trong 1.954 phiếu hợp lệ, có khoảng 1.150 phiếu đồng thuận (chiếm khoảng 60% số phiếu) với việc bổ sung bãi đỗ xe ngầm trong công viên Cầu Giấy”. Quy hoạch khu đô thị Đông Nam Trần Duy Hưng cũng đã lập “kỷ lục” với cả chục lần điều chỉnh cục bộ nhồi thêm cao ốc, cắt giảm hạ tầng…

Ngoài ra, hàng loạt “điểm nóng” có thể liệt kê liên quan đến việc điều chỉnh quy hoạch gây dư luận xấu có: Khu đô thị Đoàn ngoại giao, Khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính…

Có vì người dân?

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng: “Thời gian qua có nhiều quy hoạch được điều chỉnh cục bộ sai quy trình vì không công bố cho người dân biết”. Ông Nghiêm nêu ví dụ về đề xuất xây nhà cao tầng ở bến xe Kim Mã trước đây, chủ đầu tư đề xuất, các sở ngành của thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng chấp thuận nhưng đến khi người dân phản ứng mới vỡ lẽ là chưa lấy ý kiến người dân. Sau này dự án phải hủy.

Ông Nghiêm thông tin: “Điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải dựa vào các yếu tố: Có đổi mới tác động đến kinh tế xã hội hay không; Có tạo đột phá trong phát triển hạ tầng đô thị hay không?”. Nếu đã có tiền đề như vậy rồi thì phải thực hiện đúng quy trình bước tiếp theo là lấy ý kiến cộng đồng dân cư tại khu vực điều chỉnh bị tác động bởi quy hoạch. Sau đó lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý.

Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) lưu ý tình trạng “lách quy hoạch”: Nhiều quy hoạch khi điều chỉnh cục bộ đều nêu đáp ứng các tiêu chuẩn về hạ tầng nhưng thực chất đó là tính cả các chỉ tiêu “tương lai”, tức là đường giao thông và hạ tầng mới chỉ có trong quy hoạch trong tương lai, chưa biết khi nào mới triển khai!

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Hà Nội làm rõ thông tin điều chỉnh quy hoạch tại một số khu đô thị kiểu mẫu ở Hà Nội. Trong đó nêu phản ánh các hộ dân Ciputra, khu Đoàn Ngoại giao kiến nghị về tình trạng tăng mật độ xây dựng, nâng tầng cao nhiều tòa nhà, cắt giảm hạ tầng…

MỚI - NÓNG