Gần 300 giáo viên kỳ cựu ở Sóc Sơn nguy cơ mất việc: Hà Nội vẫn 'nợ' câu trả lời

Gần 300 giáo viên kỳ cựu ở Sóc Sơn nguy cơ mất việc
Gần 300 giáo viên kỳ cựu ở Sóc Sơn nguy cơ mất việc
TPO - Ngày 15/5 là hạn trả lời đơn kiến nghị của tập thể 256 giáo viên Sóc Sơn về việc xin xét tuyển đặc cách viên chức giáo dục huyện nhưng sau gần 1 tháng, giáo viên vẫn chưa nhận được câu trả lời. Cực chẳng đã, họ đã lên UBND Thành phố, Thành ủy Hà Nội để tìm hy vọng. Tuy nhiên, tất cả giáo viên đã ra về cùng với những lời hứa.

Theo phản ánh của một giáo viên Sóc Sơn, vừa qua, vào ngày tiếp công dân của UBND Thành phố khoảng 100 giáo viên Sóc Sơn đã đến trụ sở của Ủy ban để hỏi xem đơn thư của mình bao giờ được giải quyết trong khi đã hết hạn từ gần 1 tháng. Thậm chí, có kiến nghị còn hết hạn từ 30/4.

Nhưng phía UBND TP chỉ tiếp nhận đơn, không cung cấp thông tin gì thêm và không có câu trả lời nào thỏa đáng. Theo giáo viên này thì đại diện UBNDTP nói là thành phố cũng rất sốt ruột và biết các thầy cô cũng sốt ruột nhưng thành phố cũng còn một loạt công văn hỏa tốc khác cần giải quyết.

“Trả lời chung chung thế thì chúng tôi biết làm thế nào. Trước khi đi, chúng tôi cũng biết là chỉ nhận được câu trả lời thế thôi nhưng vì sốt ruột nên cứ đi. Công văn của Thành ủy yêu cầu thành phố trả lời trước 15/5, rồi công văn của thành phố yêu cầu Sở Nội vụ phối hợp cùng sở ngành liên quan trả lời trước 30/4 nhưng tất cả đến giờ vẫn bặt vô âm tín. Chúng tôi đến hỏi thì cứ nói bên này giao bên kia, bên kia giao bên kia nữa nên không thấy đâu với đâu” – vị giáo viên này buồn bã nói.

Thầy B.V.C, một trong 256 giáo viên kêu cứu của Sóc Sơn cho biết vừa qua, lên làm việc với UBND TP, tập thể giáo viên Sóc Sơn một lần nữa gửi đơn kiến nghị xin xét tuyển đặc cách viên chức giáo dục huyện Sóc Sơn năm 2019 với 4 nội dung.

Thứ nhất, tiến hành thanh tra và đưa ra kết luận về chế độ pháp lý đối với 256 giáo viên được tuyển bổ, sử dụng không qua thi tuyển tại ngành giáo dục huyện Sóc Sơn đặc biệt là các giáo viên được tuyển bổ, sử dụng trước khi Pháp lệnh cán bộ, công chức có hiệu lực cũng như Luật viên chức có hiệu lực;

Thứ hai, công nhận những giáo viên được tuyển bổ, sử dụng không qua thi tuyển tại ngành giáo dục huyện Sóc Sơn trước khi Pháp lệnh cán bộ, công chức có hiệu lực có hiệu lực là công chức và được chuyển đổi thành viên chức Luật viên chức số 58/2010/QH.

Thứ ba, áp dụng chế độ chuyển tiếp theo quy định tại khoản 1 điều 59 đối với những người đã được tuyển dụng trước thời điểm 01/7/2003.

Và cuối cùng vận dụng chế độ xét tuyển đối với những GV đã công tác trong ngành, đủ điều kiện theo quy định tại khoản a, mục 1, điều 14 Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012.

“Tại khoản a, mục 1, điều 14 Nghị định Số: 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 có ghi: Người có kinh nghiệm công tác trong ngành, lĩnh vực cần tuyển dụng từ 03 năm trở lên, đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Nghị định này có hiệu lực từ năm 2012 đến ngày 28/11/2018. Theo nghị định này chúng tôi hoàn toàn được xét đặc cách vào viên chức không qua thi tuyển.

Tại sao trong 6 năm đó và 2 lần UBND huyện Sóc Sơn có văn bản gửi Thành phố xin xét tuyển đặc biệt trong tuyển dụng viên chức đối với 256 giáo viên hợp đồng chúng tôi mà thành phố lại không trả lời bằng văn bản. Theo tôi trách nhiệm này thuộc Sở nội vụ Hà Nội. Sở nội vụ là cơ quan chuyên môn cho UBND TP Hà Nội, nhưng lại không thực hiện tốt nhiệm vụ của mình khiến 256 giáo viên chúng tôi rơi vào tình cảnh này” – Một giáo viên phát biểu.

Tại buổi tiếp công dân vừa qua, không chỉ giáo viên của Sóc Sơn và các giáo viên của một số huyện khác trên địa bàn Hà Nội cũng có ý kiến đề xuất tương tự như Ba Vì, Mỹ Đức.

Cho đến giờ, các thầy cô vẫn chưa nhận được thông tin cụ thể sẽ thi tuyển như thế nào, có được miễn hay không được miễn thi vòng 1 không.

Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, 256 giáo viên hợp đồng của Sóc Sơn có nguy cơ phải nghỉ dạy khi không vượt qua kỳ thi viên chức sắp tới của thành phố. Không ít giáo viên cho rằng họ không sợ thi mà sợ kỳ thi thiếu công bằng minh bạch vì từng có giáo viên giỏi đi thi vẫn trượt ở vòng cuối mà không hiểu vì sao.

Trong số những giáo viên kêu cứu này, người giảng dạy hợp đồng lâu nhất là 28 năm, người ít nhất cũng trên 5 năm. Không những thế có cô giáo đã 53 tuổi.

Theo tập thể 256 giáo viên, việc thi tuyển viên chức cũng nhằm tìm ra người đủ điều kiện để vào ngành, để đứng lớp dạy dỗ học sinh. Trong khi họ, những người đã gắn bó, cống hiến lâu năm với ngành, được xã hội, được phụ huynh và bao thế hệ học trò ghi nhận thì lại bắt họ phải đi thi vào cái mà họ đã làm rất tốt suốt hàng chục năm qua. Như vậy, việc bắt họ thi đang đi ngược lại với mục đích ban đầu của cuộc thi.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.