Cùng đối đầu Mỹ, Nga - Trung tìm đến nhau

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sánh bước trong cuộc gặp tại Kremlin hôm 5/6. Ảnh: Reuters
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sánh bước trong cuộc gặp tại Kremlin hôm 5/6. Ảnh: Reuters
TP - Hôm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành khách mời danh dự tại một diễn đàn kinh tế lớn của Nga, trong bối cảnh hai quốc gia đang thể hiện tinh thần sát cánh khi đều gặp rắc rối trong quan hệ với Mỹ.

Ông Tập đến Mátxcơva hôm 5/6 để thực hiện chuyến thăm kéo dài 3 ngày. Ông Tập đã gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người bạn tốt nhất” của mình trong cuộc gặp tại điện Kremlin.

Trước khi kết thúc chuyến công du, ông Tập và lãnh đạo chủ nhà đã dự phiên toàn thể của Diễn đàn kinh tế Saint Petersburg, nơi Mátxcơva hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Chuyến thăm của ông Tập diễn ra khi Nga vẫn đang chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây sau chuyện sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine, còn Trung Quốc đang kẹt trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Diễn đàn năm nay “thể hiện rất rõ ràng rằng thế giới đã phân chia thành 2 cực như thế nào”, AP dẫn đánh giá của ông Chris Weafer, một đối tác cấp cao tại hãng tư vấn Macro Advisory. “Trong tuần Tổng thống Trump dự tiệc trà với Nữ hoàng Anh ở London, Tổng thống Putin đón Chủ tịch Tập tại Saint Petersburg”, ông Weafer lưu ý.

Quan hệ kinh tế Nga - Trung phát triển hơn trong những năm gần đây. Trong chuyến thăm này, ông Tập chứng kiến lễ ký kết hàng chục hợp đồng trong lĩnh vực thương mại điện tử, viễn thông, khí đốt và các lĩnh vực khác.

Trước chuyến thăm của ông Tập, cố vấn điện Kremlin Yury Ushakov gọi Trung Quốc là “đối tác kinh tế quan trọng nhất của Nga”. Thương mại hai chiều đang phát triển tốt, đạt tốc độ 25% năm 2018 để chạm kim ngạch kỷ lục 108 tỷ USD, ông Ushakov cho biết.

Tuy nhiên, EU vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, bỏ xa Trung Quốc và Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang tăng đầu tư vào Nga một cách từ từ vì muốn an toàn.

Trung Quốc được cho là sẽ đầu tư lớn trong 3-5 năm tới, khi Nga đang đóng một vai trò quan trọng trong các dự án của Trung Quốc ở dọc Con đường tơ lụa mới mà Bắc Kinh đang theo đuổi.

Trong số những hợp tác lớn của Nga - Trung có dự án đường ống dẫn khí Power of Siberia, một dự án chung giữa tập đoàn Nga Gazprom với tập đoàn CNPC của Trung Quốc nhằm đưa khí đốt từ Nga sang Trung Quốc từ cuối năm nay. CNPC và Quỹ con đường tơ lụa cũng có 29,9% cổ phần trong dự án khí hóa lỏng Yamal do tập đoàn Novatek của Nga triển khai ở Siberia.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quan hệ tồn tại nhiều hạn chế.

“Tình trạng không đối xứng xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng đặc biệt rõ trong lĩnh vực kinh tế”, Reuters dẫn báo cáo do Viện Nghiên cứu chính trị quốc tế tại Milan công bố tháng trước. GDP của Nga ngày nay chỉ tương đương tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, và chi tiêu quốc phòng của Nga chỉ bằng 1/3 nước láng giềng. “Không khó để nhìn ra ai ở "chiếu trên" trong quan hệ này”, báo cáo viết.

MỚI - NÓNG