Phạt học sinh đẽo gạch giữa trời nắng nóng: Các chuyên gia nói gì?

Phạt học sinh đẽo gạch giữa trời nắng nóng: Các chuyên gia nói gì?
TPO - Một số nhà tâm lý, quản lý giáo dục cho rằng, dạy học sinh cá biệt mà “hành, dọa” thì kết quả đôi khi còn ngược lại.

Mới đây, mạng xã hội xuất hiện hình ảnh nhóm học sinh bị phạt đẽo gạch trên mái nhà giữa trời nắng nóng.  Những hình ảnh đó đã được chụp tại trường THPT Nguyễn Trãi (thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Ngay trong chiều 12/6, nhà trường đã họp hội đồng kỉ luật và ra hình thức kỉ luật với giáo viên đã phạt học sinh ở mức độ khiển trách.

Thầy Bùi Hoàng, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Hà Đông, Hà Nội: Dạy học sinh các biệt mà “hành, dọa” thì kết quả đôi khi còn ngược lại

Hình thức thì không nên rồi, bất cứ ở đâu, vì nguyên nhân gì cũng không thể “hành” như thế được. Học sinh cá biệt là “nhức đầu” của các nhà trường ở thời nào cũng có. Giáo dục học sinh cá biệt thì chúng ta đều biết các học sinh này đều có cá tính rất mạnh, ương bướng. Nên nếu muốn xử lý được thì phải kiên trì, để ý đến tâm lý học sinh, cảm xúc học sinh thì mới mong chuyển biến được. Dạy học sinh các biệt mà “hành, dọa” thì kết quả đôi khi còn ngược lại.

Bắt học sinh sinh lao động bù thì cũng được nhưng không thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe của học sinh quá lớn, vì trời nắng chang chang thì học sinh yếu sẽ dễ ốm. Điều này sẽ không nhận được sự ủng hộ tích cực từ cha mẹ học sinh còn từ phía học sinh chắc chắn áp dụng sẽ thất bại.

Với học sinh cá biệt, cần dùng hình thức kỉ luật nghiêm khắc, nhưng sai cái gì thì sửa cái đó. Ngoài ra, cũng cần phải từ từ trong giáo đục, thuyết phục bằng tình cảm, không thể dùng bạo hành, bạo lực được. Kể cả dùng bạo lực tâm lý cũng không được vì các học sinh cá biệt sẽ không nghe đâu.

TS Tâm lý Trần Thành Nam, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội: Hình phạt chưa thể hiện tính nhân ái của thầy cô

Tôi quan niệm việc kỷ luật học sinh như thế nào cũng là một trong những nét văn hóa ứng xử của cán bộ trong cơ sở giáo dục. Nguyên tắc của kỷ luật tích cực cũng thường yêu cầu phải đạt được các giá trị là có liên quan, tôn trọng và phù hợp. Lỗi hành vi và hình thức kỷ luật phải có liên quan đến nhau để đảm bảo tính giáo dục.

Ví dụ: học sinh không làm bài tập thì sẽ mất quyền ra chơi để dành thời gian làm bù bài tập. Phạt không liên quan, không mang tính giáo dục sẽ là vì quên không làm bài tập nên phải dọn nhà vệ sinh 1 tuần. Tôn trọng có nghĩa là hình phạt khi đưa ra không được làm bẽ mặt, làm xấu hổ hay xúc phạm lòng tự trọng của học sinh bằng bất cứ cách nào. Nếu phạt dọn nhà vệ sinh trong bối cảnh bạn học nhìn thấy và làm học sinh cảm thấy xấu hổ thì đó là không tôn trọng.

Phạt học sinh bằng cách đẩy học sinh vào những bối cảnh nguy hiểm cũng là không tôn trọng học sinh.

Tính hợp lý của hình phạt ở đây là hình phạt đưa ra phải phù hợp với thể trạng, tính cách, độ tuổi và lỗi mắc phải.

Áp dụng những nguyên tắc, giá trị nêu trên để đối chiếu vào hình phạt học sinh đẽo gạch giữa trời nắng nóng, không được trang bị đồ bảo hộ cho thấy hình phạt đưa ra chưa thể hiện tính nhân ái của thầy cô. Hình phạt cũng chưa thể hiện được tính giáo dục, hình phạt không liên quan đến lỗi khi tất cả học sinh mắc lỗi đều chịu chung hình phạt.

Việc phạt học sinh bằng cách đặt các em vào những bối cảnh nguy hiểm vì vị trí làm việc trên cao, nhiệt độ rất nóng, không có đồ bảo hộ thể hiện chưa tôn trọng học sinh, chưa thực hiện hết trách nhiệm của người thầy. Hình phạt đưa ra cho tất cả học sinh mắc lỗi có cả học sinh nữ với thể trạng yếu hơn là không phù hợp.

Trong nhiều trường hợp, khi những hình phạt của giáo viên đưa ra không đảm bảo được những nguyên tắc tối thiểu là có liên quan, hợp lý và tôn trọng, học sinh sẽ xuất hiện nhiều dạng phản ứng tiêu cực.

Thứ nhất là oán giận (cô không công bằng, không thể tin cô được); Thứ hai là trả đũa (cô phạt tôi vì cô có quyền, nhưng lần sau tôi sẽ…). Cuối cùng là đối phó hoặc nói dối (lần sau mình sẽ cẩn thận để không bị tóm).  

Đó là những vết rạn trong mối quan hệ thầy trò và là khởi đầu cho bầu không khí tiêu cực, không an toàn trong nhà trường.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội  cho rằng, về nguyên tắc, việc giúp đỡ những học sinh yếu kém, cá biệt đòi hỏi phải có một quá trình thông qua các biện pháp giáo dục, chứ không thể chỉ dùng hình phạt như vậy, nhất là dùng việc này việc kia, thực sự không thể khiến các học sinh đó thay đổi được ngay.

Thầy cô và nhà trường có thể dùng những hình thức kỷ luật để buộc học sinh phải chịu trách nhiệm về cách làm của bản thân, chứ cũng không thể chỉ nói miệng không được. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, phải làm sao cho hình thức kỷ luật phải có ý nghĩa giáo dục, chứ không phải chỉ là một sự “đày ải” hay thể hiện sự thù ghét học sinh. 

MỚI - NÓNG