Biểu tình ở Hong Kong: Trung Quốc cáo buộc 'thế lực nước ngoài' can thiệp

Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay giải tán người biểu tình hôm 12/6. Ảnh: Straitstimes
Cảnh sát Hong Kong bắn hơi cay giải tán người biểu tình hôm 12/6. Ảnh: Straitstimes
TP - Những đợt biểu tình bạo lực khiến Hong Kong tê liệt mấy ngày qua.

Hàng chục ngàn người, chủ yếu là người trẻ, đã chiếm các con phố trung tâm Hong Kong trong ngày 12/6, bao vây trụ sở Hội đồng lập pháp, chiếm các tuyến phố xung quanh, khiến chính quyền đặc khu phải dừng xúc tiến dự luật dẫn độ.

Ít nhất 72 người bị thương trong ngày 12/6, khi khoảng 5.000 cảnh sát chống bạo động bắn đạn cao su và ném lựu đạn hơi cay để giải tán đám đông. Tình hình Hong Kong trong ngày 13/6 tạm lắng, nhưng những người tổ chức tuyên bố sẽ tiếp tục biểu tình lớn vào cuối tuần này và đình công trên toàn thành phố vào thứ 2 tới, SCMP đưa tin.

Phản ứng trước các đợt biểu tình ở Hong Kong, chính phủ và báo chí chính thống của đại lục chỉ trích quyết liệt. “Chính tình trạng vô pháp sẽ gây tổn hại cho Hong Kong chứ không phải sửa đổi luật”, China Daily viết.

Ông Willy Lam, một phụ tá giáo sư công tác tại ĐH Hong Kong và là chuyên gia nghiên cứu lâu năm về chính trị Trung Quốc, nói rằng Bắc Kinh sẽ không có một giải pháp rõ rệt hay dễ dàng nào cho cuộc khủng hoảng lần này ở Hong Kong.

“Một cuộc đối đầu dữ dội đang định hình giữa ý chí của người dân Hong Kong với chính quyền Trung Quốc, khi Bắc Kinh đang quyết trở thành trọng tài của mọi thứ ở Hong Kong”, CNN dẫn lời ông Lam.

Chính phủ Trung Quốc khẳng định ủng hộ Trưởng đặc khu, bà Carrie Lam, trong nỗ lực thúc đẩy để dự luật được thông qua.

“Chính quyền trung ương ủng hộ mạnh mẽ chính quyền Hong Kong thúc đẩy sửa đổi 2 pháp lệnh”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói hôm 12/6.

Nhưng theo ông Willy Lam, dù Trung Quốc không muốn thể hiện rằng họ đang xuống nước, nhưng họ cũng đang cảnh giác với khả năng các đợt biểu tình tiếp diễn có thể phá hỏng kinh tế của Hong Kong, vào thời điểm nền kinh tế của Trung Quốc đang chịu sức ép.

Được hưởng quyền tự do kinh tế nhiều hơn phần còn lại của Trung Quốc, và cùng với hệ thống luật pháp thừa hưởng từ khi còn là thuộc địa của Anh, Hong Kong thu hút được nhiều tập đoàn lớn của phương Tây đến kinh doanh, làm ăn.

Đến nay, cuộc chiến thương mại quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thấy cơ hội kết thúc, sau khi vòng đàm phán gần đây nhất vào đầu tháng 5 thất bại và hai bên tiếp tục tăng thuế lên hàng của nhau.

Chính phủ Trung Quốc luôn tuyên bố không sợ chiến tranh thương mại, nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế của nước này tiếp tục chậm lại. Dự luật dẫn độ đã khiến các quan chức Mỹ cảnh báo sẽ xem xét lại các đặc quyền dành cho Hong Kong nếu quyền tự quyết về chính trị của thành phố này không còn.

Hôm 12/6, tất cả những đề cập và hình ảnh về biểu tình ở Hong Kong đều bị kiểm soát trên mạng xã hội Trung Quốc. Trong lúc quan hệ Mỹ - Trung xấu đi, Trung Quốc cáo buộc các “thế lực nước ngoài” can thiệp vào chính trị Hong Kong và tiếp sức cho biểu tình. “Chúng tôi cực lực phản đối những hành động và lời lẽ của bất kỳ thế lực nước ngoài nào nhằm can thiệp vào các vấn đề lập pháp của đặc khu Hong Kong”, ông Cảnh Sảng tuyên bố.

Trung Quốc hôm qua cũng chỉ trích Liên minh châu Âu đã đưa ra những nhận xét “vô trách nhiệm và sai lầm” về dự luật dẫn độ của Hong Kong.

Trước đó, EU nói rằng họ “chia sẻ nhiều quan ngại mà người dân Hong Kong nêu lên đối với những cải cách dẫn độ mà chính quyền đề xuất”. EU cho rằng luật đề xuất này “có thể gây nhiều hậu quả lâu dài cho Hong Kong và người dân thành phố, cho EU và các công dân nước ngoài, cũng như đối với niềm tin kinh doanh ở Hong Kong”.

MỚI - NÓNG