Sơn La, Hòa Bình: Căng mình chuẩn bị thi THPT quốc gia 2019

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại trường THPT Thảo Nguyên, Mộc Châu. ảnh: Nghiêm Huê
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại trường THPT Thảo Nguyên, Mộc Châu. ảnh: Nghiêm Huê
TP - Lãnh đạo hai địa phương Sơn La, Hòa Bình khẳng định sẽ cố gắng tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 thật nghiêm túc, an toàn để lấy lại niềm tin trong nhân dân và dư luận xã hội.

Lấy số điện thoại đến từng nhà trọ của thí sinh

Trong hai ngày vừa qua, 12 và 13/6, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã làm việc với Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia của hai địa phương Sơn La và Hòa Bình.

Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại một số điểm trường, nơi in sao đề thi, nơi tiến hành chấm thi (trắc nghiệm, tự luận). Tại điểm thi trường THPT Thảo Nguyên, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Huyện có 4 điểm thi, tất cả đều được chuẩn bị rất kỹ về cơ sở vật chất, đội ngũ tham gia làm thi.

Bà Hoa cho hay, mọi năm, huyện có một điểm thi luôn nằm trong tình trạng sẵn sàng ứng cứu khi có mưa do phải đi qua một điểm bị ngập nước. Nhưng năm nay, trung tâm giáo dục thường xuyên này đã sáp nhập với một trường THPT nên không còn tổ chức thi tại đây nữa. Chính vì vậy 4 điểm thi đều nằm ở những vị trí thuận lợi đi lại, không bị ảnh hưởng khi có mưa lũ bất thường xảy ra. 

Tuy nhiên do đặc điểm là một huyện miền núi, nên các xã của huyện nằm xa trung tâm. Rút kinh nghiệm những năm trước, có trường hợp phụ huynh đưa con đi thi, buổi trưa ngủ quên, thí sinh không tham dự được kỳ thi rất đáng tiếc. Năm nay, tại các điểm thi, hiệu trưởng các trường đều chịu trách nhiệm lấy số điện thoại của từng thí sinh phải ở trọ khi dự thi. Đồng thời, lấy số điện thoại của chính những nhà trọ mà phụ huynh sẽ đến ở. Mục đích là nếu đến giờ vẫn chưa thấy thí sinh đến, lực lượng hỗ trợ bên ngoài điểm thi sẽ có nhiệm vụ gọi điện hoặc đến các phòng trọ để đón thí sinh.

Không những thế, lực lượng cảnh sát giao thông tại các nút giao thông cũng được giao nhiệm vụ sẽ hỗ trợ thí sinh nếu cần thiết khi các em gặp sự cố trên đường di chuyển. 

Báo cáo với đoàn công tác, hiệu trưởng trường THPT Sốp Cộp, huyện Sốp Cộp, Sơn La cũng cho biết các cán bộ giảng viên khi đến làm thi được bố trí ăn nghỉ tại trường.

Còn với thí sinh,  trường phối hợp với đoàn trường hàng năm có chương trình tiếp sức mùa thi để xem thí sinh nghỉ trọ ở những điểm nào để có giải pháp kịp thời hỗ trợ khi cần thiết.  Trường cũng vận động học sinh ở xa vào trong nhà bán trú của trường, trường có nấu ăn phục vụ học sinh. 

Tương tự, tại điểm thi trường THPT Mai Châu, Hòa Bình, thầy Phạm Công Tác, hiệu trưởng nhà trường cho biết, thí sinh ở cách xa trường nhất là 65km. Vì thế nên ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi, trường cũng đặc biệt quan tâm tới thí sinh dự thi. Phối hợp với ban đại diện cho mẹ học sinh để có thể đưa đón con em đi thi một cách tốt nhất.

Đảm bảo tuyệt đối đúng quy chế, không “sáng tạo”

Có thể thấy, sau cơn bão tiêu cực, nhân lực chủ chốt ngành giáo dục của hai địa phương hiện nay đều là những người mới. Tại Sơn La, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT là Phó trưởng ban chỉ đạo thi của tỉnh, nhưng cũng mới được bổ nhiệm hơn 20 ngày. Đặc biệt, Trong ban chỉ đạo thi của tỉnh Sơn La, chỉ có duy nhất vị phó giám đốc Sở này.

Còn một phó giám đốc nữa của Sở GD&ĐT Sơn La có con được nâng điểm thi trong năm 2018 nên không tham gia ban chỉ đạo, giám đốc sở thì ngày 1/7 về hưu cũng không tham gia ban chỉ đạo. Vì vậy, lực lượng “nòng cốt” trong ban chỉ đạo thi của Sơn La, những người trực tiếp làm việc đều dựa vào nhân lực đến từ các trường ĐH, học viện, CĐ.

Trưởng ban chỉ đạo thi của Sơn La là một phó chủ tịch UBND tỉnh cũng lần đầu tham gia làm thi. Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng cũng là những người được điều động từ phòng trung học sang nhận nhiệm vụ. Phòng Thanh tra cũng là những người mới.  Tương tự,  Hòa Bình cũng khuyết hai phó giám đốc sở do đang trong quá trình xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực thi cử năm 2018, phòng Khảo thí nhân lực cũng được điều động từ phòng trung học sang. 

Chính vì vậy, một lãnh đạo Sở GD&ĐT Hòa Bình cho biết, Sở đã  mời Cục Quản lý chất lượng của Bộ GD&ĐT lên tập huấn trực tiếp về thi cho toàn bộ cán bộ nhân viên của Sở được giao nhiệm vụ làm công tác thi năm nay. Chia sẻ thật lòng về khó khăn của riêng Hòa Bình khi tổ chức thi, vị lãnh đạo này cho biết đó chính là tâm lý của cán bộ giáo viên trong ngành vẫn còn nặng nề.

 Theo ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, riêng tỉnh Hòa Bình có số lượng thí sinh tự do và thí sinh đến từ trung tâm giáo dục thường xuyên rất lớn. Do đó, cần phải có sự quan tâm đặc biệt đến khu vực này, nhất là thí sinh tự do. Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Huy Bằng cùng đại diện của A06, A03 Bộ Công an đều nhắc nhở các địa phương về vai trò của lực lượng công an, lực lượng thanh tra, lực lượng giám sát trong quá trình tổ chức kỳ thi. 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ lưu ý, quan trọng nhất trong làm thi là không được “sáng tạo”. Phải làm đúng theo quy chế. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu các địa phương đều phải ký cam kết với các  giáo viên, cán bộ làm thi về nhân thân. Đây là một giải pháp để tránh những tiêu cực có thể lặp lại như năm 2018. Không những thế, Thứ trưởng Độ cũng yêu cầu các địa phương tuyệt đối không được để lộ, lọt đề thi, trong đó khâu coi thi phải làm thật nghiêm túc. 

Trước những trao đổi, lưu ý của đoàn công tác, trưởng ban chỉ đạo thi hai tỉnh Sơn La, Hòa Bình khẳng định sẽ hoàn thiện thật tốt những phần việc còn lại, đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.