Thêm 2 tỷ USD cho Đồng bằng Sông Cửu Long

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. ẢNH: HÒA HỘI
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. ẢNH: HÒA HỘI
TP - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ dành khoảng 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2020 cho ĐBSCL để đầu tư các dự án trong vùng.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, năm 2018 thiên tai liên tiếp xảy ra, nhiều cơn bão lớn, nhiệt độ tăng kỷ lục, có nơi tăng đến 41,6 độ C; ĐBSCL lũ lớn, triều cường đã gây thiệt hại rất lớn. Việt Nam là một trong số 6 nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng nhiều người dân vẫn chưa nhận thức rõ vấn đề này, doanh nghiệp (DN) còn đứng ngoài cuộc.

ĐBSCL và tính luôn cả TPHCM chiếm khoảng 60% GDP cả nước. Vai trò của ĐBSCL và TP HCM không chỉ thể hiện sự đóng góp cho quốc gia, mà còn có sự tương hỗ lẫn nhau trong phát triển. Do vậy, đầu tư cho ĐBSCL cũng là đầu tư cho cả nước và TPHCM.

Theo Thủ tướng, bao đời nay người dân đồng bằng sống gắn với sông nước, sự trù phú này mang đến cuộc sống ấm no cho người dân nhưng đồng bằng đang đối mặt với thách thức của BĐKH, nước biển dâng, xâm nhập mặn. ĐBSCL chiếm khoảng 20% sản lượng gạo xuất khẩu toàn cầu nếu không có sự đầu tư tương xứng và giải pháp ứng phó với BĐKH thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu. Thách thức nữa là trong 10 năm gần đây, số dân di cư rời vùng là 1,7 triệu người trong khi số dân đến vùng chỉ khoảng 700 ngàn người.

“Chúng ta triển khai Nghị quyết 120 là thúc đẩy triết lý phát triển thuận thiên, phát triển dựa vào tự nhiên, không phá vỡ tự nhiên. Nhưng thuận thiên không phải là xuôi tay mà phải thuận theo đó để phát triển. Cách mạng 4.0 hiện nay giúp chúng ta tạo ra nhiều công cụ ứng phó với biến động của thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng BĐKH. Chúng ta hãy tận dụng cơ hội cuộc cách mạng này để phát triển. Huy động cả trí tuệ của cộng đồng, doanh nghiệp, các nhà khoa học để phát triển ĐBSCL”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ba phương châm phát triển

Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ xác định hành động theo 3 phương châm. Đó là Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động và người dân hưởng ứng. Từ ba phương châm này, sẽ bố trí lại nguồn lực, bổ sung nguồn nhân lực; xây dựng hợp tác xã, doanh nghiệp, trong đó DN phải xây dựng được thương hiệu gạo nổi tiếng ở đồng bằng. Các địa phương cần tạo lập môi trường kinh doanh tốt cho DN; chú trọng đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất, phát triển và nhu cầu thị trường.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành nghiên cứu sửa đổi Luật Đất đai, tạo cơ sở khoa học để bố trí lại đất đai, thúc đẩy chuyển đổi nhu cầu sản xuất nông nghiệp; xây dựng hệ sinh thái cho các ngành sản xuất; chú trọng phát triển công nghệ, địa phương hỗ trợ kinh phí cho nghiên cứu khoa học tại vùng, thúc đẩy ứng dụng thực tế; phát triển thị trường vốn cho vùng, cơ chế huy động vốn đầu tư cho các dự án thích ứng BĐKH. Cần hợp lực và quyết tâm xây dựng chương trình tầm nhìn quốc gia cho ĐBSCL; có chính sách đầu tư chuyển đổi cơ cấu cho đồng bằng và ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng.

Thủ tướng đề nghị Quốc hội đưa chi ngân sách cho BĐKH thành mục chi chính trong ngân sách chi thường xuyên cho địa phương.

 Về nguồn vốn đầu tư cho ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng, cần cơ chế tài chính riêng cho vùng thông qua huy động nguồn lực ngoài nước và hoàn thiện thể chế về đầu tư kinh doanh. Quyết tâm xây dựng chương trình trọng điểm quốc gia cho ĐBSCL theo hướng nghiên cứu luân phiên phân bổ nguồn lực cho vùng. Từ đó, nghiên cứu ra các nguồn lực trung ương, địa phương, ODA... với cam kết khoản vốn khoảng 2 tỷ USD tăng thêm so với giai đoạn 2016 - 2020 dành riêng vùng ĐBSCL để đầu tư các dự án liên vùng, điểm nghẽn phát triển giao thông vận tải.

MỚI - NÓNG