Nga cáo buộc Mỹ đẩy Iran tới bờ vực chiến tranh

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ảnh: Reuters
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ảnh: Reuters
TP - Hôm qua, Nga cáo buộc Mỹ cố tình tạo ra các tình huống đầy nguy hiểm và căng thẳng, đẩy Iran tới bờ vực chiến tranh, hãng tin RIA tường thuật.

Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov kêu gọi Washington cân nhắc kỹ hậu quả có thể có khi xảy ra xung đột với Iran. Trong khi đó, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov thúc giục các bên kiềm chế và nói Moscow quan ngại về căng thẳng ngày càng tăng giữa Washington và Tehran.

Theo tin của Reuters, Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua nói bà và các lãnh đạo EU rất quan ngại về tình hình Iran sau khi có tin Mỹ chuẩn bị thực hiện tấn công quân sự nhằm vào 
nước này.

“Chúng tôi bày tỏ sự lo ngại về tình hình và sẵn sàng hỗ trợ các cuộc thương lượng ngoại giao, một giải pháp chính trị cho một tình huống rất căng thẳng”, bà Merkel nói với các phóng viên sau hội nghị thượng đỉnh của EU vừa kết thúc ở Bỉ.

Phản ứng trước thông tin căng thẳng ở vùng Vịnh leo thang, hải quân Ấn Độ hôm qua nói họ đang triển khai tàu Chennai và Sunayna để “đảm bảo các tàu mang cờ Ấn Độ đi ngang qua vịnh Ba Tư và vịnh Oman sau các sự cố hàng hải trong khu vực”, theo CNN. Các máy bay Ấn Độ đã ngay lập tức thực hiện các chuyến bay giám sát tại khu vực vùng Vịnh.

Trong một diễn biến khác, Mỹ nói “rất hài lòng” trước việc Ả rập Xê út đảm bảo rằng thị trường dầu mỏ thế giới sẽ được cung cấp đầy đủ, một quan chức Mỹ nói, giữa lúc đang có những lo ngại về sự xáo trộn trên thị trường năng lượng do căng thẳng quân sự ở Trung Đông.

Eo biển Hormuz đã trở thành một điểm nóng trong vài tuần trở lại đây. Vùng biển này, chỉ rộng 21 dặm ở đoạn hẹp nhất, nối vịnh Oman với vịnh Ba Tư. Nếu eo biển này bị phong tỏa do xung đột, đó sẽ là cú đánh mạnh vào nền kinh tế thế giới.

Lối đi ngang qua eo biển này là tuyến đường duy nhất để chở dầu từ vịnh Ba Tư, nơi tập trung nhiều quốc gia dầu mỏ, tới các vùng biển khác. Căng thẳng ở vùng Vịnh có thể tác động ngay lập tức tới giá dầu thế giới.

Mặc dù rộng 21 dặm nhưng trong thực tế, các tàu chở dầu siêu trường siêu trọng chỉ có thể đi lại trong một luồng lạch rộng hơn 3km để ra và vào vịnh Ba Tư. Thực tế này buộc các tàu phải đi ngang qua vùng lãnh hải của Iran và Oman.

Tính trung bình, có khoảng 22,5 triệu thùng dầu đi qua eo biển Hormuz mỗi ngày kể từ đầu năm 2018, theo Vortexa, một công ty dữ liệu năng lượng. Con số 22,5 triệu thùng tương đương sản lượng dầu mỏ toàn cầu mỗi ngày.

MỚI - NÓNG