Xử phúc thẩm kỳ án gỗ trắc, vì sao Cty Ngọc Hưng rút kháng cáo?

Các bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu tại tòa. Ảnh: Giang Thanh
Các bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu tại tòa. Ảnh: Giang Thanh
TP - Ngày 5/7, TAND cấp cao tại Ðà Nẵng tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH Ngọc Hưng (Công ty Ngọc Hưng, Quảng Trị). Tại tòa, bị cáo Trần Thị Dung, đại diện Công ty Ngọc Hưng đã rút kháng cáo về xử lý lô gỗ trắc tang vật do bị bán quá rẻ.

Ðối chiếu với chữ ký, con dấu của năm 2016

Tại tòa, trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa về quá trình thu thập mẫu con dấu và chữ ký đại diện Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào của cơ quan điều tra, bị cáo Trương Huy Liệu cho biết không đồng tình với kết quả này. “Mẫu chữ ký và con dấu được thu thập trên một tài liệu được ký và đóng dấu vào năm 2016. Cách thời điểm xảy ra vụ án những 5 năm”, bị cáo Liệu nói.

Ngoài ra, theo bị cáo, con dấu và chữ ký của đại diện Nhà máy chế biến gỗ nội thất Lào trên hồ sơ mua bán với Công ty 407 và Tâm Tâm vào cùng thời điểm theo kết luận điều tra bổ sung số 88/ĐTBS/CSĐT(C44-P4) ngày 26/10/2016 với trên hồ sơ của Công ty Ngọc Hưng là cùng 1 người ký và cùng 1 con dấu đóng ra. “Vậy chẳng nhẽ hai công ty này cũng làm giả hồ sơ nhập khẩu gỗ từ Lào?”, bị cáo Liệu bày tỏ.

Bị cáo Liệu cho rằng, việc đoàn công tác liên ngành không thu thập hồ sơ kinh doanh của nhà máy, nếu có những tài liệu này, trong đó chắc chắn có hồ sơ thể hiện việc mua bán của nhà máy với Công ty Ngọc Hưng.

Về giám định của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Liệu cho biết, cách đo của cơ quan giám định là không chính xác. “Thời điểm Công ty Ngọc Hưng mua bán lô gỗ, theo quy định của pháp luật, đối với gỗ tròn tận dụng gốc cành ngọn thì đo và tính đơn vị bằng khối lượng là ste rồi quy đổi cứ 1ste là 0,7m3. Tuy nhiên, cơ quan giám định lại áp dụng Thông tư 01 ngày 4/1/2012 của Bộ NN&PTNT và cân gỗ lên để quy đổi, nhưng thế là chưa phù hợp”, bị cáo Liệu trả lời.

Xử phúc thẩm kỳ án gỗ trắc, vì sao Cty Ngọc Hưng rút kháng cáo? ảnh 1 Luật sư Nguyễn Trường Thành nộp cho tòa bản ảnh 2 sản phẩm gỗ được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật giám định. Theo bị cáo Liệu, Công ty Ngọc Hưng không nhận được mẫu gỗ nào theo quy định. Ảnh: Giang Thanh

Theo bị cáo Lê Xuân Thành, cứ cho là việc giám định là đúng pháp luật thì việc 2 kết quả giám định chênh lệch nhau hoàn toàn cũng là mâu thuẫn. “Tại sao cùng 1 trình tự, theo đúng quy định của pháp luật mà kết quả lại chênh lệch lớn đến thế?”, bị cáo Thành nói.

Luật sư bào chữa Nguyễn Trường Thành cũng cho biết, trong công văn 923 ngày 11/11/2017 của Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật nêu rằng Viện chỉ có chức năng phân loại gỗ, không chịu trách nhiệm và cũng không có chức năng về giám định số lượng gỗ.

Không nhận được các mẫu gỗ giám định

Trong phần xét hỏi của mình, luật sư Nguyễn Trường Thành công bố bản ảnh 2 sản phẩm gỗ được Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật lấy để giám định chủng loại gỗ. Theo bị cáo Đỗ Lý Nhi, Viện đã lấy 85 mẫu vật, được chia làm 2 phần. Một phần đem đi trưng cầu giám định, bàn giao cho các bên liên quan (giao cho Cảng Đà Nẵng 12 mẫu, doanh nghiệp 12 mẫu, đem đi giám định 16 mẫu nữa...). “Số mẫu gỗ còn lại thì nằm ở container nào thì bỏ lại vào container đó và có lẽ đã được đem bán đấu giá”, bị cáo Nhi cho biết.

“HÐXX đang tiếp tục triệu tập thêm một số người tham gia tố tụng khác chưa có mặt trong 3 ngày xét xử vừa qua. Ngày 8/7, HÐXX sẽ tiếp tục phần xét hỏi đối với những người này để làm rõ tình tiết vụ án”.

                 Chủ tọa phiên tòa

Tuy nhiên, bị cáo Liệu khẳng định tại tòa là Công ty Ngọc Hưng không nhận được mẫu gỗ nào. Đại diện Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng cho biết có được giao giữ nhưng giờ số mẫu đó ở đâu thì... phải tìm lại. Bị cáo Liệu đề nghị cơ quan điều tra, VKS và HĐXX thu hồi toàn bộ mẫu vật đã giám định và được coi là gỗ giáng hương đã giao cho các bên để giám định lại xem liệu đó có thật sự là gỗ giáng hương hay không.

Tại tòa, bị cáo Trần Thị Dung và Trương Huy Liệu cũng xin rút kháng cáo của Công ty Ngọc Hưng về xử lý tang vật. Theo bị cáo Liệu, thời điểm Công ty Ngọc Hưng làm kháng cáo phần dân sự của bản án để đòi quyền lợi cho công ty thì vụ án bán lô gỗ trắc tang vật chưa được khởi tố, nhưng nay “Cơ quan điều tra Viện KSNDTC đã khởi tố vụ án nên bị cáo tin rằng quyền lợi của công ty sẽ được đảm bảo sau khi vụ án đó được xử xong nên xin rút kháng cáo về phần này”, bị cáo Liệu nói.

Trả lời câu hỏi của luật sư, đại diện Cục hải quan Quảng Trị thừa nhận có công văn của Tổng cục Hải quan ngày 20/2/2014 trả lời rằng số thuế của Công ty Ngọc Hưng đã khai báo và nộp tại Cửa khẩu Lao Bảo là đúng quy định của pháp luật và không đồng ý với việc thu hồi vật chứng đối với số thuế này của cơ quan điều tra. Luật sư Nguyễn Trường Thành đặt câu hỏi: “Tại sao khởi tố hành vi buôn lậu mà Tổng cục Hải quan lại cho rằng việc nộp thuế cho hàng buôn lậu lại hợp pháp?”.

Theo giám định viên thuế có mặt tại tòa, thời điểm giám định thuế là ngày 16/3/2018 dựa trên tờ khai hải quan nhập khẩu và xuất khẩu. “Kết luận giám định chỉ thể hiện số thuế, còn việc Công ty Ngọc Hưng được miễn thuế hay không thì theo quy định của pháp luật, kết luận giám định không khẳng định điều này, cũng không khẳng định Công ty Ngọc Hưng có trốn thuế hay không”, vị này cho biết.

MỚI - NÓNG