Cả rổ nữ hoàng, đánh lận con đen

Tấm thiệp mời gây xôn xao mấy ngày qua về Nữ hoàng văn hóa tâm linh và Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam
Tấm thiệp mời gây xôn xao mấy ngày qua về Nữ hoàng văn hóa tâm linh và Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam
TP - Trưởng Ban tổ chức chương trình Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 gặp gỡ báo chí chiều 10/7, phân trần về các danh xưng nữ hoàng và chuyện lùm xùm mấy ngày qua.

CẢ “RỔ” NỮ HOÀNG

Dư luận mới đây mới biết tới cuộc thi gọi là Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam, nhờ danh xưng rất lạ Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh 2018 trao cho bà Phạm Nữ Hiền Ngân. BTC cuộc thi Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019 chuẩn bị tổ chức đêm trao danh hiệu 13/7 tới tại Cung Văn hóa Hữu nghị. Thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vào cuộc làm việc, bởi Sở chỉ tiếp nhận chương trình biểu diễn nghệ thuật do Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc cấp trước đó cho Cty CP XNK ô tô Ngọc Minh.

Danh xưng Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh theo giải thích của bà Nguyễn Thụy Oanh, Trưởng BTC Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam, được trao cho người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa tâm linh. Điều kiện được trao trước hết là hội viên Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, nộp hồ sơ tham gia chương trình, được hội đồng thẩm định xét giải. Bà Phạm Nữ Hiền Ngân là thanh đồng, theo giải thích là đủ điều kiện xét giải. Được hỏi có bao nhiêu người gửi hồ sơ xin xét lĩnh vực này năm 2018, bà Oanh trả lời không nhớ con số chính xác, chỉ biết cả thảy 700 hồ sơ xin xét các danh xưng Nữ hoàng, Á hoàng và Top 5, Top 10 ở các ngành nghề!

Trưởng BTC Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam cho rằng phụ nữ Việt Nam “rất đảm đang, làm được rất nhiều việc cho xã hội, tạo ra giá trị cho xã hội, xứng đáng được tôn vinh”, rằng mỗi năm sẽ tìm ra người xứng đáng ở ngành nghề đó để tôn vinh. Năm 2018 BTC trao 26 danh hiệu, trong đó 11 danh hiệu Nữ hoàng, 15 Á hoàng và Top 5, Top 10. Năm 2019 đơn vị này kỳ vọng tôn vinh được khoảng 10 ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề dự kiến có 1 Nữ hoàng, 2 Á hoàng!

Bị hỏi xoáy về việc chủ nhân các danh hiệu này đủ xứng đáng với ngôi nữ hoàng hay chưa, bà Oanh cắt nghĩa khá buồn cười rằng: nếu ở một số quốc gia, nữ hoàng là người quyền lực ở đất nước đó, thì ở châu Á hay Việt Nam “danh hiệu Nữ hoàng thường trao cho người nào đó xuất chúng trong một ngành”!

Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam cho rằng việc trao các danh hiệu Nữ hoàng là để bản thân họ, gia đình và bạn bè được tự hào. Nói là danh hiệu cho người xuất chúng, nhưng bà Oanh lại khẳng định chỉ cố gắng chọn ra danh hiệu đó trong những người nộp hồ sơ, chứ không thể mời một số người nổi tiếng thực sự ở một số ngành nghề như sản xuất sữa, hàng không chẳng hạn.

Cả rổ nữ hoàng, đánh lận con đen ảnh 1 Ban tổ chức Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam gặp gỡ báo chí phân trần về chương trình

ÐÁNH LẬN CON ÐEN?

Trưởng BTC một mực khẳng định Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam không phải cuộc thi, mà là cuộc tôn vinh. Bà Thụy Oanh cũng khẳng định thiệp mời lan truyền trên mạng về đêm chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam là sơ suất của khâu thiết kế. Vị này vẫn khẳng định có đầy đủ giấy tờ liên quan để tổ chức chương trình, đã trình bày với Sở VHTT Hà Nội 14 văn bản khác nhau. Bốn loại giấy phép mà bà Oanh nhắc tới là Giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác giả thuộc chủ sở hữu Hội Nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam, Giấy phép họp báo vào 6/4, Giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và trình diễn thời trang của Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc số 551, công văn số 2365 từ Sở VHTT Hà Nội tiếp nhận chương trình tại Cung Văn hóa Hữu nghị.

Nếu chỉ là chương trình tôn vinh vậy tại sao lại có việc trao vương miện trị giá 1,8 tỷ đồng? Bà Thụy Oanh cho rằng đây là điều khác biệt của chương trình. Rồi bà diễn giải quanh co và không mấy liên quan rằng sau khi bản thân nhận danh hiệu Á hoàng Nữ hoàng doanh nhân Việt Nam 2017 thấy danh hiệu quá có lợi thế, nhưng dường như chỉ doanh nhân được ưu ái, trong khi còn rất nhiều người làm sản xuất, tiểu thủ công nghiệp không được tôn vinh. Bà Oanh vì thế mới ấp ủ tổ chức ra cái gọi là Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam.

“Tôi muốn danh hiệu ngoài việc đem đến sự tự hào cho bản thân người được trao, còn có sức mạnh quảng bá ngành nghề của người ta”, bà Oanh nói. Ấy thế nhưng như danh hiệu Nữ hoàng Văn hóa Tâm linh trao cho bà Hiền Ngân chẳng hạn, nhiều người trong giới hầu đồng nói không biết đến. Về vương miện được quảng cáo trị giá 1,8 tỷ đồng, bà Oanh giải thích chỉ trao cho Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam chứ không phải cho tất cả các danh hiệu Nữ hoàng trong từng ngành nghề. “Phụ nữ Việt Nam âm thầm cống hiến, nhưng lại chưa chắc được tôn trọng. Việc trao vương miện là cách làm tôn trọng. Nhận vương miện này người ta sống có trách nhiệm hơn nhiều, nên tôi mong muốn trao càng nhiều càng tốt”- Trưởng BTC nói.

Đại diện BTC khẳng định đây không phải cuộc thi. Nhưng quy trình tổ chức tôn vinh và các ban bệ phải chăng đang là hình thức lập lờ đánh lận con đen và lách luật? Lần đầu tổ chức năm 2018, BTC này khẳng định nhận khoảng hơn 700 đơn xin tham gia tôn vinh Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam. Ngoài Ban tổ chức còn có Ban chỉ đạo, Hội đồng bình xét. Những người tham gia nộp hồ sơ, qua các bước thẩm định hồ sơ, đại diện BTC gặp gỡ và cuối cùng nhận được danh hiệu sau quá trình bình xét.

Được biết năm 2019, BTC Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam bắt đầu thu tiền của những người đủ điều kiện xét tôn vinh, mỗi người 10 triệu đồng. Khoảng 40 người đủ điều kiện xét hồ sơ trong khoảng mấy trăm hồ sơ gửi về. Trước nghi vấn về việc mua bán giải, bà Oanh vẫn khăng khăng cho rằng không có chuyện mua bán ở đây, kinh phí tổ chức do huy động xã hội hóa. Sau một hồi giải thích, bà Oanh rất hài hước khi nhắc tới nguyên do chương trình dính lùm xùm: “Tôi tìm ra nguyên nhân của lùm xùm từ chương trình này là vì tôi làm tốt quá hay sao ấy”.

Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vẫn đang trong quá trình thẩm định, kiểm tra chương trình này, sẽ sớm có ý kiến về việc có cho phép hay rút giấy phép tổ chức chương trình ở Cung Văn hóa Hữu nghị hay không.

“Nguyên nhân lùm xùm vừa qua của chương trình này (Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam) là vì tôi làm tốt quá hay sao ấy”.Bà Thụy Oanh

BTC phải xin lỗi và giải trình
Bà Nguyễn Thụy Oanh, TGĐ Cty CP XNK ô tô Ngọc Minh phải gửi thư tới một số cơ quan thông tấn như VTV, VTC, HTV cùng một số tờ báo điện tử để xin lỗi vì không kiểm soát khâu thiết kế, dẫn tới việc tự ý đưa logo của các đơn vị này vào mục đơn vị bảo trợ truyền thông khi chưa được phép, chưa có hợp đồng. BTC nói rằng tấm thiệp mời nêu trên chỉ là bản điện tử, gây hiểu nhầm rằng đó là cuộc thi nhan sắc, nên đã rút lại toàn bộ giấy mời đó.

Trưởng BTC Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam cho rằng phụ nữ Việt Nam “rất đảm đang, làm được rất nhiều việc cho xã hội, tạo ra giá trị cho xã hội, xứng đáng được tôn vinh”, rằng mỗi năm sẽ tìm ra người xứng đáng ở ngành nghề đó để tôn vinh. Năm 2018 BTC trao 26 danh hiệu, trong đó 11 danh hiệu Nữ hoàng, 15 Á hoàng và Top 5, Top 10. Năm 2019 đơn vị này kỳ vọng tôn vinh được khoảng 10 ngành nghề khác nhau, mỗi ngành nghề dự kiến có 1 Nữ hoàng, 2 Á hoàng! 

MỚI - NÓNG