Nhân tài ở khu vực công: Không phải thu hút để... sai vặt

Nhân tài ở khu vực công: Không phải thu hút để... sai vặt
TPO - Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ không phải thu hút để... sai vặt.

Ngày 17/7, Bộ Nội vụ tổ chức Lễ công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” và Hội thảo khoa học “Chiến lược thu hút, trọng dụng nhân tài trong khu vực công”.

TS. Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học Tổ chức nhà nước – Bộ Nội vụ cho rằng, nhân tài là người có năng lực vượt trội, có ý chí cao, biết cống hiến và được ghi nhận. Nhân tài phải được gắn với một lĩnh vực hoạt động cụ thể với chuyên môn, nghiệp vụ nhất định. Bên cạnh đó, cần phân biệt nhân tài với người học giỏi. Người học giỏi có bằng cấp cao chưa phải là người tài nếu thiếu một ý chí cao trong công việc và thiếu thành tích, cống hiến cụ thể.

Nhân tài trong khu vực công (cán bộ, công chức, viên chức) được hiểu là người có năng lực vượt trội, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, có nhiều thành tích, cống hiến và tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của người dân. Vậy nhân tài cần có mặt ở những vị trí công việc nào trong khu vực công?

TS. Dương Quang Tung cho rằng các vị trí cần nhân tài là: lãnh đạo, quản lý; các vị trí tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển, cả về chiến lược và chiến thuật; các vị trí công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ cao.

Theo PGS.TS. Lê Minh Thông, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, Nhà nước cần phải thể hiện rõ và cụ thể hóa được quan điểm “Nhân tài là nguyên khí quốc gia” và phải xây dựng được cơ chế, chính sách trọng dụng, giữ chân nhân tài trong khu vực công.

Bên cạnh đó, không nên trừu tượng hóa nhân tài để trở thành một khái niệm khó xác định mà quan niệm nhân tài ở nhiều cấp bậc khác nhau, mức độ khác nhau. Đồng thời, cần trân trọng phát hiện, bồi dưỡng ở những cấp bậc đó và cần phải trọng dụng nhân tài để “Sĩ phu không ngoảnh mặt”.

Nhân tài ở khu vực công: Không phải thu hút để... sai vặt ảnh 1 PGS.TS. Lê Minh Thông

PGS.TS. Lê Minh Thông nhấn mạnh, đầu tư cho nhân tài là “đầu tư rủi ro”, nhân tài có thể rơi rụng, có thể chưa phát huy được năng lực, sở trường ở từng thời điểm nhất định; đầu tư cho nhân tài cũng tốn kém. Thế nhưng nếu nhân tài phát huy được năng lực sẽ mang lại hiệu quả cao ngoài mong đợi. Do đó, nhân tài phải được cống hiến và mong muốn được cống hiến trong khu vực công chứ “không phải thu hút để sai vặt”.

Cùng với đó, nhân tài rất cần môi trường để thể hiện năng lực, do đó, cần phải “dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng cho đúng cái tài năng của họ vào đúng việc, đúng sở trường; không ai tài năng toàn diện, trừ các “anh hùng tái thế”.

PGS.TS. Lê Minh Thông cũng lưu ý, thông thường những người có tài thường có “tật”, do đó, cần phải có sự tôn trọng nhất định, phải tạo cho họ có được môi trường để cống hiến, để sáng tạo. Nhân tài không thể đem lại kết quả ngay tức thì như mong đợi, các cơ quan, đơn vị cần phải biết kiên nhẫn để chờ nhân tài “đơm hoa kết trái”, cho kết quả xứng đáng với “giá trị đầu tư”.

PGS.TS. Lê Minh Thông cho rằng, cần phải cải cách mạnh mẽ đội ngũ công chức, viên chức trong khu vực công, phải có giải pháp sàng lọc, loại bỏ những người không có năng lực, ý thức kém, phải làm cho bộ máy tinh gọn, như vậy mới có chỗ để thu hút người có tài năng. "Công chức, viên chức thì cơ bản phải là tinh hoa", PGS.TS. Lê Minh Thông nói.

Nhân tài ở khu vực công: Không phải thu hút để... sai vặt ảnh 2  Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân phát biểu tại Hội thảo

Người tài không đặt nặng vấn đề vật chất

Đồng quan điểm với PGS.TS Lê Minh Thông, GS.TS. Phạm Hồng Thái, nguyên Trưởng khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, những người tài năng họ không đặt nặng vấn đề vật chất mà cần phải tạo cho họ môi trường làm việc lành mạnh để họ cống hiến, sáng tạo, điều đó còn có giá trị nhiều hơn vấn đề vật chất của cơ quan, đơn vị đưa ra để thu hút.

Kết luận Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận tại Hội thảo, đóng góp nhiều ý kiến mang tính lý luận và thực tiễn để Tổ biên tập tham khảo xây dựng Đề án. Theo ông, khái niệm nhân tài cũng cần được làm rõ và thống nhất sử dụng; cần làm rõ hơn tại sao các chính sách của bộ, ngành, địa phương hiện nay không thu hút được nhiều nhân tài vào làm việc, trong khi đó khu vực tư lại thu hút được.

Đặc biệt, Đề án phải xác định rõ lĩnh vực nào, cấp nào ưu tiên thu hút nhân tài; ngoài các chính sách thu hút phải tạo được môi trường làm việc tốt cho nhân tài cống hiến, phát huy. Xây dựng cơ chế mở rộng quyền cho người đứng đầu trong việc tuyển dụng, sử dụng nhân tài và không giới hạn phạm vi về nhân tài, không phân biệt nhân tài khu vực công, khu vực tư, trong nước, ngoài nước.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.