Rò rỉ thông tin về vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu

Quân nhân Mỹ chuyển thiết bị quân sự và vũ khí đến căn cứ Aviano, Ý. Ảnh: Reuters
Quân nhân Mỹ chuyển thiết bị quân sự và vũ khí đến căn cứ Aviano, Ý. Ảnh: Reuters
TP - Một dự thảo báo cáo đã xuất hiện nhưng rồi phải chỉnh sửa, do một cơ quan thuộc tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) chuẩn bị, vô tình tiết lộ địa điểm triển khai và số lượng vũ khí hạt nhân của Mỹ tại châu Âu.

"Một kỷ nguyên mới trong việc ngăn chặn bằng hạt nhân? Hiện đại hóa, kiểm soát vũ khí và các lực lượng hạt nhân của đồng minh”, là tài liệu do thượng nghị sỹ Canada Joseph Day chuẩn bị nhưng đã bị chỉnh sửa. Ông Day là thành viên của Ủy ban An ninh và Quốc phòng thuộc Hội đồng nghị viện NATO, một cơ quan tư vấn liên nghị viện của khối NATO. Bản dự thảo ban đầu đã được mang ra thảo luận tại một phiên họp của hội đồng diễn ra tại Bratislava, Slovakia, ngày 1/6, rồi được chỉnh sửa tiếp.

Nghị sỹ đảng Xanh của Bỉ là Wouter De Vriendt, người tham gia phiên họp, đã cung cấp một bản copy dự thảo cho nhật báo De Morgen.

Theo bản dự thảo này, NATO cất trữ 150 quả bom hạt nhân B61 tại 6 căn cứ quân sự: Kleine Brogel ở Bỉ, Buchel ở Đức, Aviano và Ghedi-Torre ở Ý, Volken ở Hà Lan và Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù bản dự thảo không nói mỗi căn cứ cất trữ bao nhiêu quả bom, thông tin này cũng đang tồn tại trên mạng internet, cho dù mức độ chính xác còn là câu hỏi.

Có thông tin nói rằng căn cứ không quân Volkel có 20 quả bom, trong khi căn cứ không quân Kleine Brogel được cho là đang cất trữ 10-20 đầu đạn hạt nhân.

Rò rỉ thông tin về vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu ảnh 1

Vũ khí hạt nhân của Mỹ ở châu Âu là  một “bí mật mà ai cũng biết”. Đồ họa: Phong trào quốc tế xóa bỏ vũ khí hạt nhân ICAN/RT

Ý, nước duy nhất trong danh sách có tới hai căn cứ chứa bom hạt nhân của Mỹ, được cho là đang lưu giữ số bom hạt nhân của Mỹ nhiều nhất, từ 60-70 quả.

Đài RT của Nga dẫn một số nguồn thông tin ước tính, căn cứ  không quân Incirlik ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ có thể đang lưu trữ 50 quả bom B61, mặc dù đã có nhiều quan ngại về an toàn được nêu lên, sau vụ đảo chính bất thành vào ngày 15/7/2016. Căn cứ không quân Buchel của Đức được nói là lưu trữ khoảng 20 quả bom B61.

Mặc dù có thể đây là bí mật “ai cũng biết”, nhưng Hội đồng nghị viện NATO vẫn quyết định chỉnh sửa thông tin trong báo cáo. Hiện báo cáo, đã được chỉnh sửa và đưa lên mạng ngày 11/7, không nói cụ thể vị trí của số vũ khí hạt nhân và khi nói về số lượng thì “trích nguồn tin không chính thức”. “Theo các nguồn tin không chính thức, Mỹ đã triển khai khoảng 150 vũ khí hạt nhân, cụ thể là bom B61, tới châu Âu, có thể trang bị cho cả máy bay của Mỹ và đồng minh”, văn bản sửa đổi viết.

Về vụ việc, một quan chức NATO nói với Washington Post rằng tài liệu nói trên không phải của tổ chức này ấn hành và nói thêm: “Chúng tôi không bình luận về chi tiết việc bố phòng vũ khí hạt nhân của NATO”.

Sự hiện diện vũ khí hạt nhân Mỹ ở châu Âu được xem là hàng rào ngăn cản Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và cũng đồng nghĩa rằng các nước châu Âu không cần phải phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ, tờ Telegraph của Anh viết.

Tuy nhiên trong nhiều năm qua vị trí chính xác số vũ khí hạt nhân nói trên vẫn là điều bí mật, mặc dù các chuyên gia nói sự hiện diện của chúng được cả cộng đồng quốc tế biết đến. Sự hớ hênh lần này đã ngay lập tức thu hút báo chí châu Âu. Đài RTL News của Hà Lan giật hàng tít: NATO tiết lộ bí mật đã bị “bật mí” của Hà Lan”.

Tờ De Morgen của Bỉ giật tít: “Cuối cùng rõ như ban ngày: có vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Bỉ”.

B61 là loại vũ khí nhiệt hạch trong kho dự trữ dài hạn của Mỹ sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Hiện nay loại vũ khí này vẫn đang trong trang bị chiến đấu của Mỹ và là loại vũ khí hạt nhân chiến lược, gọn nhẹ nhưng có sức công phá rất lớn, có thể tương đương hàng nghìn tấn thuốc nổ.

Trước năm 1968, phiên bản đầu tiên của B61 được biết đến với tên gọi là TX-61. Ðã có 3.155 quả B61 được sản xuất.

Biến thể mới nhất là B61 Mod 11, được triển khai vào năm 1997, là loại bom có khả năng xuyên rất cao, có thể phá các boongke. (Wikipedia)

MỚI - NÓNG