Khoa Luật trường ĐH Quốc gia Hà Nội công bố chương trình mới

Khoa Luật trường ĐH Quốc gia Hà Nội công bố chương trình mới
Ngày 19/7, Khoa Luật, ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) chính thức công bố Chương trình đào tạo trình độ đại học Ngành Luật thương mại Quốc tế và ký kết các thỏa thuận hợp tác nhằm thực hiện chương trình này.

Phát biểu tại buổi lễ ký Thỏa thuận hợp tác với một số đối tác để tham gia phối hợp thực hiện Chương trình như: Công ty Luật TNHH Vietthink, Câu Lạc bộ Luật sư Thương mại quốc tế Việt Nam và Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương..., , PGS. Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm khoa Luật cho biết sau hơn 2 năm chuẩn bị, trải qua nhiều thủ tục, quy trình đảm bảo chất lượng, ngày 26 tháng 2 vừa rồi Đề án mở ngành đào tạo trình độ đại học Luật thương mại quốc tế đã được Giám đốc ĐHQGHN ký ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo cho Khoa Luật, bắt đầu từ năm học 2019-2020.

PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, khẳng định việc mở và triển khai thực hiện Chương trình đào tạo ngành Luật thương mại quốc tế nằm trong chiến lược phát triển quy mô và năng lực đào tạo của Khoa, theo định hướng nâng cấp Khoa thành Trường đại học Luật thành viên của ĐHQGHN.

Chỉ tiêu tuyến sinh năm 2019-2020 dự kiến là 60 sinh viên. Đối tượng tuyển sinh trong phạm vi cả nước, thuộc các tổ hợp xét tuyển A00; A01; D01; D78 và D82, ngưỡng điểm để xét tuyển là 17 điểm. Khoa dự kiến tuyển sinh thành 2 đợt, trong đó đợt 1 là vào tháng 8 tới và đến tháng 9/2019 (đợt bổ sung) theo quy định của Bộ GD&ĐT. Tổng số thời lượng đào tạo của chương trình là 135 tín chỉ.

Sau khi tốt nghiệp chương trình, ngoài cơ hội lớn tiếp tục học ở bậc học cao hơn, người học có một sự lựa chọn lớn, đa dạng cho các vị trí nghề nghiệp: Làm việc cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực pháp luật thương mại, kinh doanh, đầu tư, tài chính quốc tế;

Hành nghề luật sư độc lập hoặc làm việc cho các công ty, hãng luật, các trung tâm tư vấn pháp lí trong lĩnh vực đầu tư, kinh doanh quốc tế; Làm việc trong các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp thuộc bộ máy nhà nước từ trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị, chính trị xã hội, nghề nghiệp trong lĩnh vực kinh tế, thương mại quốc tế;

Làm việc cho các tổ chức phi chính phủ, liên chính phủ và các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại quốc tế và các vấn đề có liên quan; Nghiên cứu và giảng dạy về pháp luật kinh doanh tại các viện, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong và ngoài nước.

MỚI - NÓNG