Khi nào vận động viên cần lãnh đạo?

Tiến Minh chịu trận sau thất bại đau đớn ở bán kết đơn nam cầu lông SEA Games 2013 mà không có lãnh đạo nào của ngành TDTT động viên, chia sẻ ảnh: VSI
Tiến Minh chịu trận sau thất bại đau đớn ở bán kết đơn nam cầu lông SEA Games 2013 mà không có lãnh đạo nào của ngành TDTT động viên, chia sẻ ảnh: VSI
TP - Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh tay vợt Nguyễn Tiến Minh cúi gục đầu, một mình trong phòng giữa vòng vây của báo chí sau thất bại tại bán kết SEA Games 2013 (Myanmar).

Ở giải đấu trên, cơ hội đoạt HCV của Tiến Minh được đánh giá rất cao khi một loạt đối thủ lớn trong khu vực vắng mặt. Anh tưởng như cũng may mắn dễ dàng vào bán kết khi Avihingsanon bỏ cuộc giữa chừng. Tuy nhiên, trong trận đấu với tay vợt không mấy tên tuổi Rumbaka (Indonesia), Tiến Minh bất ngờ thua 1-2 với các tỉ số 21-13; 12-21 và 20-22. 

Nỗi đau càng lớn không chỉ vì Rumbaka kém tên tuổi hơn nhiều mà ở sét cuối, Tiến Minh để thua ngược dù có lúc đã dẫn đối thủ với cách biệt 4 điểm (20-16). Các phóng viên Việt Nam theo dõi trận đấu này cũng sốc bởi gần như tất cả đều tin chắc vào chiến thắng của vận động viên (VĐV) nhà. Ngay khi kết thúc trận đấu, Tiến Minh 1 mình vào phòng, gục đầu khóc. Dù không khỏi cảm thấy bất nhẫn nhưng với yêu cầu công việc, nhiều phóng viên vẫn đứng đợi và sau đó giữa một rừng ghi âm, micro, Tiến Minh một mình trả lời các câu hỏi. Anh đã nghẹn ngào nói lời xin lỗi người hâm mộ…

Kể lại chuyện này bởi sau nhiều năm theo dõi thể thao, tôi nhận thấy một chuyện khá phổ biến. Đó là mỗi lúc VĐV đạt thành tích tốt, lãnh đạo ngành thể thao lập tức xuất hiện, chụp ảnh chung rồi trả lời báo chí rất hùng hồn. Nhiều vị có thể kể vanh vách việc đầu tư cho VĐV ra sao, định hướng phía trước thế nào, rồi ý nghĩa của chiến thắng…Với mỗi tấm huy chương của VĐV, các chuyên gia, HLV tham gia huấn luyện đều được tính công, chia phần thưởng và ai cũng biết nếu thành tích tại các kỳ đại hội như SEA Games đạt mục tiêu, ngành thể thao lại được dịp báo công, 
nhận thưởng. 

Tuy nhiên, rất ít trường hợp khi VĐV thất bại, lãnh đạo hoặc quan chức ngành thể thao chịu đứng ra động viên, an ủi đồng thời nhận trách nhiệm, chỉ ra nguyên nhân cũng như biện pháp thay đổi. Trong khi đây mới chính là lúc VĐV cần nhất sự hỗ trợ, chia sẻ. Nhiều trường hợp thậm chí lấp liếm, che giấu dư luận. Hậu quả ra sao ai cũng có thể biết, gốc rễ vấn đề không được giải quyết và khi thất bại VĐV là người duy nhất chịu sự phán xét của công chúng. Trong khi đó tất cả đều đã phải đổ mồ hôi, thậm chí máu trên sân tập và sàn đấu. 

Chẳng nói đâu xa, mới đây nhất kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên vừa thi đấu không thành công tại giải VĐTG ở Hàn Quốc. Ở cự li 200m hỗn hợp, Ánh Viên không thể vượt qua vòng loại khi đạt thành tích 2 phút 17 giây 35, xếp hạng 26. Thông số trên kém xa thành tích tốt nhất của Ánh Viên là 1 phút 12 giây 66. Cự li 400m tự do, thành tích của Ánh Viên cũng chỉ là 4 phút 13 giây 35, kém xa so với thành tích tốt nhất của chính cô là 4 phút 07 giây 96. Tuy nhiên sau khi có kết quả trên, nhiều người đã liên lạc những người có trách nhiệm của ngành thể thao, trong đó có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ II (Tổng cục TDTT) Nguyễn Trọng Hổ nhưng đều không được trả lời. 

Còn nhớ sau thất bại tại Asiad 2018 (Indonesia), báo chí đã chất vấn ông Trần Đức Phấn và ông Nguyễn Trọng Hổ khá nhiều nhưng phát biểu của cả hai đã “đá” nhau chan chát. Quá trình tập huấn tại Mỹ của Ánh Viên cũng không được minh bạch, nhiều vấn đề bị giấu giếm khiến nhiều người yêu mến Ánh Viên không khỏi hoang mang. Điển hình như trước thềm Asiad 2018, HLV Đặng Anh Tuấn từng nói Ánh Viên bị trầm cảm, phải điều trị nhưng sau đó Tổng cục TDTT đã không minh bạch được chuyện có hay không vấn đề này. 

Được xem là viên ngọc 50 năm mới có 1 người của thể thao Việt Nam, nhưng những gì đang xảy ra với Ánh Viên thực sự khiến những người yêu mến cô phải lo lắng. Nếu tới đây mục tiêu đặt ra với kình ngư Quân đội thất bại, liệu có lãnh đạo nào của ngành thể thao nhận trách nhiệm, hay tất cả lại đổ lên đầu VĐV? 

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.