Biển Đông 'dậy sóng' vì Trung Quốc không tuân thủ luật quốc tế

Haijing 3901, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, là một trong những tàu hộ tống tàu thăm dò Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Haijing 3901, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, là một trong những tàu hộ tống tàu thăm dò Hải Dương 8 vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
TPO - Sau 3 năm Tòa trọng tài thường trực quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống lại những đòi hỏi chủ quyền vô lý của Trung Quốc trên biển Đông, một sự thực càng trở nên rõ ràng là Bắc Kinh hoàn toàn không có ý định tuân thủ luật pháp quốc tế.

Thay vào đó, Trung Quốc tiếp tục xem nhẹ phán quyết, cũng như đối với Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà nước này là thành viên. Bắc Kinh quyết lập nên một hiện trạng mới trên biển Đông.

Theo cây viết Ankit Panda, biên tập viên cao cấp của tạp chí The Diplomat, việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò Hải Dương 8 và các tàu hộ tống, trong đó có một tàu hải cảnh lớn, vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy một thực tế mới đang định hình.

 Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc có hành động ngang ngược như vậy. Năm 2014, Trung Quốc từng đưa giàn khoan Hải Dương 981 (Hai Yang Shi You 981) vào trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

 Lần này, các tàu Trung Quốc không chỉ tiến hành hoạt động thăm dò năng lượng trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà còn chủ động cưỡng ép các nước liên quan khác trên biển Đông tiến hành các hoạt động khai thác tài nguyên trên biển.

Việc tàu Haijing 3901, một trong những tàu hải cảnh lớn nhất thế giới, hộ tống tàu khảo sát Hải Dương 8 tiến vào vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam cho thấy Bắc Kinh tiếp tục sử dụng lực lượng tàu thực thi pháp luật trên biển để thúc đẩy các đòi hỏi chủ quyền phi lý của họ.

Việt Nam tuyên bố sẽ kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán như đã được xác lập tại Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, bằng các biện pháp hoà bình, trên cơ sở của luật pháp quốc tế.

Với mục tiêu trên, Việt Nam đã có nhiều biện pháp giao thiệp ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Các lực lượng chức năng của Việt Nam triển khai các biện pháp phù hợp, đúng pháp luật.

Bất chấp phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế rằng đòi hỏi “quyền lịch sử” của Trung Quốc dựa trên “đường 9 đoạn” không có giá trị gì theo luật biển quốc tế, nhưng những hành động gần đây của Bắc Kinh cho thấy họ quyết tâm theo đuổi đòi hỏi vô lý của mình.

Việc Trung Quốc đầu tháng này bắn thử lần đầu tiên loại tên lửa đạn đạo chống hạm trên biển Đông và ngăn cản các nước liên quan khai thác tài nguyên trên thềm lục địa của mình cho thấy Bắc Kinh tiếp tục thách thức hiện trạng.

Luật quốc tế là công cụ tốt nhất để những nước yếu hơn có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Với việc tiếp tục xem nhẹ UNCLOS, Bắc Kinh đang thể hiện với các nước liên quan ở Đông Nam Á rằng nước này vẫn muốn hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc về kẻ mạnh”.

Chừng nào Trung Quốc còn dùng cơ bắp, hành xử kiểu bắt nạt, các nước yếu hơn sẽ phải tự tìm cách bảo vệ mình.

MỚI - NÓNG
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
Phát triển nghề đông y trên phố Lãn Ông gắn với du lịch Hà Nội
TPO - Ngày 20-4, tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội số 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm đã diễn ra buổi toạ đàm “Nghề Đông y Hoàn Kiếm gắn với sự phát triển phố nghề Lãn Ông”. Sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa “Giữ nghề xưa trên phố”, nhằm tôn vinh nghề đông y cổ truyền và Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.