Ngăn 'chuyến tàu vét' trước thềm Đại hội Đảng: Cảnh giác với những cuộc đổi chác

Người dân Thủ Thiêm kiến nghị, kêu cứu tới Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Huy Thịnh
Người dân Thủ Thiêm kiến nghị, kêu cứu tới Thanh tra Chính phủ. Ảnh: Huy Thịnh
TP - “Vào thời điểm cuối nhiệm kỳ, nhiều cá nhân co mình lại, không dám làm “thẳng” vì sợ ảnh hưởng đến thành tích của địa phương trước thềm đại hội. Chưa kể còn có tâm lý, “im lặng là vàng”, tôi không đụng đến anh thì chắc anh sẽ ưu ái, vun vén cho tôi. Vì lợi ích của chiếc ghế nên nhiều người bất chấp tất cả để hưởng lợi cùng nhau”, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói.

Ðổi chác, đoạt ghế

Là người đầu tiên phản ánh tình trạng quan chức tăng tốc thực hiện những “chuyến tàu vét” vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”, nay sau 4 năm nhìn lại, ông đánh giá thế nào về vấn đề trên?

Qua quan sát và tìm hiểu tôi thấy rằng chuyện “hoàng hôn nhiệm kỳ” dường như đã thành quy luật,  cứ năm cuối nhiệm kỳ, trước khi kết thúc nhiệm kỳ là lại xuất hiện các biểu hiện tiêu cực. Năm 2015, tôi phản ánh điều này trên nghị trường không chỉ để cảnh báo mà còn mong muốn các cơ quan của Đảng và Nhà nước có giải pháp chấn chỉnh, ngăn chặn.

Thực tế cho thấy, sau Đại hội 12 của Đảng, qua kiểm tra, giám sát, các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện ra nhiều vụ việc có dấu hiệu trong thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Điều đó cho thấy, các “chuyến tàu vét” là có thật, nhiều quan chức, tranh thủ thời điểm “bận rộn” cuối nhiệm kỳ để làm bừa, làm ẩu nhằm mục đích vụ lợi. Biểu hiện qua các vụ việc như đề bạt, bổ nhiệm một cách vội vàng, thần tốc; ký những dự án mua sắm hàng trăm tỷ…

Quyết định tổ chức các chuyến đi nước ngoài ở thời điểm “hoàng hôn” nhưng dưới danh nghĩa “tham quan, học tập, nghiên cứu”. Tuy nhiên, cái tham quan, học tập chỉ là trá hình còn thực chất là dùng tiền nhà nước để đi chơi. Lẽ ra phải có quy định hết sức chặt chẽ như không bố trí những người chuẩn bị về hưu đi tham quan, học tập, nghiên cứu ở nước ngoài… Phải có những quy định cụ thể chứ không thì khó mà ngăn chặn được triệt để.

Nhiệm kỳ trước nữa, tôi cũng đã chất vấn Thủ tướng Chính phủ và Thanh ra Chính phủ về hiện tượng bổ nhiệm ồ ạt trước khi về hưu. Từ cấp phòng, vụ, viện, giám đốc các trung tâm. Đây có phải là chạy chức, chạy quyền không?

Thế còn tình trạng “lót ổ” cho con cái trong thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ thì sao?

Đây cũng là vấn đề mà tôi đã từng nêu ra. Nhiều lãnh đạo, trong thời điểm lúc giao thời nhiệm kỳ, chuẩn bị về hưu là tìm cách lo lót cho người nhà, người thân vào những vị trí nhất định. Nếu cứ tiền tệ, hậu duệ, quan hệ, đồ đệ rồi mới đến trí tuệ thì nhất định sẽ dẫn đến hậu quả “đố điều đi đâu được”. Cài cắm con em là khá nhiều.

Liệu đó có phải là việc đánh đổi giữa người chuẩn bị “hạ cánh” với những người kế nhiệm không?

Đây hoàn toàn có thể là một sự trao đi, đổi lại giữa người về hưu và những người kế cận theo kiểu, tôi sẽ giới thiệu anh vào vị trí mới với điều kiện anh phải đồng ý “sắp ghế” cho con tôi. Đây là một sự đổi chác, thỏa thuận ngầm. Trong thời gian vừa qua, cứ vào thời điểm cuối nhiệm kỳ là dư luận lại xôn xao khi thấy trong bộ máy, trong phương án nhân sự xuất hiện nhiều con ông, cháu cha. Thậm chí tôi từng nghe phản ánh có trường hợp còn thỏa thuận, tôi đưa con anh vào thì anh cũng phải đưa cháu tôi vào... Điều này dẫn đến những hệ quả hết sức nguy hại.

Tuýt còi, ngăn “chuyến tàu vét” qua ga

Dẫn đến tình trạng trên, phải chăng trong thời điểm “hoàng hôn”, các cơ quan, đơn vị cứ mải mê lo nhân sự, lo vị trí nên buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát?

Đó cũng là một nguyên nhân. Bởi thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ, nhiều người chỉ mải mê lo việc giữ ghế, tiến thân nên lơ là công tác kiểm tra, giám sát. Thậm chí do là thời điểm “nhạy cảm” nên nhiều người cũng “ngại”, co mình lại, sợ làm “thẳng” thì gây ảnh hưởng đến thành tích của địa phương trước ngày vui đại hội. Chưa kể còn có tâm lý, tôi không đụng đến anh thì chắc anh sẽ ưu ái, vun vén cho tôi. Tôi không “đụng” đến người nhà, người thân của anh thì anh sẽ giới thiệu ủng hộ tôi. Lúc này im lặng là vàng, tất cả cùng có lợi. Vì lợi ích của chiếc ghế nên người ta bất chấp tất cả.

Để nhiệm kỳ sau không “đau đầu” trong việc giải quyết hậu quả do “hoàng hôn” nhiệm kỳ trước để lại, theo ông cần phải có những giải pháp gì?

Tôi đánh giá rất cao công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng trong thời gian vừa qua. Việc xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không còn có chuyện hạ cánh là an toàn đã phanh phui ra nhiều vụ việc vi phạm, góp phần cảnh tỉnh, răn đe những người đang có tư tưởng hoàng hôn nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, việc xử lý đó dù gì cũng chỉ mới là phần ngọn, giải quyết hậu quả. Do đó, để nhiệm kỳ sau vững chắc thì ngay từ bây giờ các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nếu để những “chuyến tàu vét” trót lọt qua ga thì nhiệm kỳ sau việc xử lý sẽ rất khó khăn, vừa mất mát tài sản, lại mất mát cán bộ và gây mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống. Như thế sẽ mất nhiều công sức, thời gian của bộ máy, ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong việc phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương…

Ví dụ năm 2015, tôi được biết, Thanh tra Chính phủ đã lập đoàn thanh tra vào Thủ Thiêm (thành phố Hồ Chí Minh) rồi, nhưng sau đó lại dừng lại. Mãi đến năm 2018- 2019 mới thanh tra trở lại và có kết luận chính thức, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, giá như từ năm 2015, Đoàn Thanh tra Chính phủ làm nghiêm minh, khách quan thì vấn đề Thủ Thiêm có khi đã được giải quyết từ lâu rồi. Tôi nhớ thời điểm đó cũng là lúc chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM, chuẩn bị chuyển giao nhiệm kỳ.

Do đó, Đảng và Nhà nước cần phải có quy định cụ thể và rõ ràng hơn. Ví dụ phải quy định, trong thời gian bao lâu trước khi nghỉ thì không được đề bạt, bổ nhiệm, hoặc ký các hợp đồng liên quan đến các dự án lớn; không bố trí cán bộ chuẩn bị nghỉ hưu đi tham quan học tập, kinh nghiệm ở nước ngoài… Bên cạnh đó, càng vào thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì càng cần phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để tuýt còi ngăn ngừa vi phạm từ lúc manh nha, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như thời gian
vừa qua.

Để nhiệm kỳ sau vững chắc thì ngay từ bây giờ các cơ quan của Đảng, Nhà nước phải tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ, hoàng hôn nhiệm kỳ”. Nếu để những “chuyến tàu vét” trót lọt qua ga thì nhiệm kỳ sau việc xử lý sẽ rất khó khăn, vừa mất mát tài sản, lại mất mát cán bộ và gây mất niềm tin của nhân dân vào hệ thống - Ông Lê Như Tiến

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.