Ai gieo hy vọng ảo cho giáo viên Sóc Sơn?

TPO - 256 giáo viên Sóc Sơn bức xúc khi công hiến suốt nhiều năm nhưng có nguy cơ thất nghiệp. Đáng nói, họ bị gieo hy vọng hão khi được cho rằng sẽ xem xét đặc cách.  

Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn nhận được đơn kiến nghị của tập thể 256 giáo viên hợp đồng và đã có công văn trả lời những nội dung kiến nghị của giáo viên. Nội dung của công văn này trả lời 3 kiến nghị của 256 giáo viên hợp đồng bậc tiểu học và trung học cơ sở. 3 kiến nghị đó gồm:

Xin xét tuyển đặc biệt cho 256 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện Sóc Sơn năm 2019 không qua thi tuyển theo Quyết định số 3455/QĐ-UBND ngày 28/6/2019;

Đối với những người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 7, Điều 2 của Nghị định 161/2018 của Chính phủ quy định thì đề nghị Ủy ban Nhân dân xét tuyển đặc cách theo khoản a, mục 1, Điều 14 Nghị định 29/2012/NĐ-CP;

Trong trường hợp cần thiết đề nghị Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn có văn bản kiến nghị Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đối thoại trực tiếp với 256 giáo viên hợp đồng.

Ai gieo hy vọng ảo cho giáo viên Sóc Sơn? ảnh 1 Những danh hiệu phấn đấu hàng chục năm liệu có giúp cho giáo viên hợp đồng Sóc Sơn có một vị trí trong viên chức ngành giáo dục?.
Trả lời những nội dung kiến nghị này, Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn cho biết: Đối với việc xét tuyển đặc cách, Ủy ban Nhân dân huyện đã ban hành văn bản 1490/UBND – NV trong đó yêu cầu hiệu trưởng các nhà trường triển khai nội dung đến tất cả các giáo viên hợp đồng có 5 năm công tác; hướng dẫn kê khai, chuẩn bị tài liệu chứng minh, đối chiếu với toàn bộ hồ sơ cán bộ đối chiếu với điều kiện được xét đặc cách theo khoản 7 điều 2 nghị định 161/NĐ-CP. Cũng theo báo cáo của các nhà trường 256/256 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách. Đối với nội dung thứ hai: Nghị định 161/NĐ-CP của Chính phủ đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập đã có hiệu lực kể từ ngày thi hành 15/1/2019. Điều 14 của Nghị định 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 đã được sửa đổi thành khoản 7 điều 2 của Nghị định 161/NĐ-CP. Nội dung thứ ba: Ủy ban Nhân dân huyện cho biết đã nhiều lần tổ chức họp triển khai quán triệt văn bản đến các giáo viên hợp đồng, đồng thời đã lắng nghe tâm tư nguyện vọng để thực hiện công tác tuyển dụng theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra công văn cũng có nêu: Ông Đầu Xuân Đàm đã nhiều lần gửi đơn lên các Báo, Đài, lên Thành phố. Vậy việc ông Đàm tự ý nhân danh 256 giáo viên hợp đồng để đưa đơn kiến nghị là không đúng quy định. Đề nghị hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Trung Giã tuyên truyền giáo dục để ông Đầu Xuân Đàm hiểu và chấp hành theo đúng quy định pháp luật. Khi nhận được văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, nhiều giáo viên bức xúc . Vì theo công văn khẳng định 256/256 giáo viên hợp đồng không đủ điều kiện. Tại sao ngay từ đầu thành phố và huyện đều biết sẽ không ai đủ điều kiện để xét đặc cách lại vẫn ra văn bản nói đặc cách? Điều này chẳng khác nào gieo cho giáo viên hy vọng. Giáo viên cũng đặt câu hỏi phải chăng vì biết giáo không tìm hiểu nhiều về các văn bản Luật nên đã đưa họ vào tình thế như hiện nay hay không? Quyết định trên có phải đưa ra để làm đẹp dư luận hay không?

Trước đó, như Tiền Phong đã phản ánh, ngày 11/7/2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Sóc Sơn đã có thông báo về công tác tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 là tổ chức thi tuyển đối với tất cả các đối tượng tham gia tuyển dụng.

Sau khi thông báo được đưa ra, Uỷ ban nhân dân huyện Sóc Sơn nhận được đơn tập thể của 256 giáo viên và tâm thư của nhiều giáo viên hợp đồng đề nghị xem xét lại hình thức tuyển dụng với nội dung: hầu hết số giáo viên hợp đồng không đủ khả năng đáp ứng với hình thức thi tuyển với nội dung thi trắc nghiệm trên máy tính ngoại ngữ và kiến thức chung; một số giáo viên đo lường trước khả năng đã có ý kiến không tham gia thi tuyển dù đã đăng ký.

Trước tình hình trên, căn cứ kiến nghị của giáo viên, sau khi tham khảo ý kiến của Sở Nội vụ và các huyện có nhiều giáo viên hợp đồng, UBND huyện đề nghị Ban Thường vụ xem xét cho ý kiến: chuyển đăng ký hình thức thi tuyển sang xét tuyển trong tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.

Tuy nhiên, việc tổ chức xét tuyển trong tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019 được dư luận và các giáo viên cho rằng đó là điều đương nhiên vì Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội đã có văn bản nói rõ việc này. Tại sao huyện lại phải ra thông báo là vì căn cứ vào đề nghị của giáo viên nên mới chuyển hình thức tuyển dụng từ thi tuyển sang xét tuyển?

MỚI - NÓNG