Đầu tư lướt sóng sẽ 'dính đòn' nếu dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu

Các chuyên gia cho rằng, nếu đề nghị của tỉnh Kiên Giang về việc dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế được chấp thuận thì nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ dạng "lướt sóng", những người cuối cùng "ôm" đất tại đây sẽ bị tâm lý choáng váng, thậm chí dính đòn.

Nhà đầu tư "lướt sóng" sẽ dính đòn


Liên quan đến đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, đề nghị này của Kiên Giang ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới thị trường bất động sản.  "Chúng tôi cho rằng các ưu đãi của đặc khu không có gì nhiều lắm ngoài sự phê duyệt đặc biệt, thẩm quyền xử lí đặc biệt hơn", ông Đính nói.

Theo ông Đính, nếu trở thành đặc khu thì những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của Phú Quốc cũng không khác hiện nay nhiều lắm. Ví dụ ở đó vẫn giao đất đến 70 năm, những ưu đãi về thuế, chính sách, hỗ trợ...

Đầu tư lướt sóng sẽ 'dính đòn' nếu dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu ảnh 1 Một số ý kiến cho rằng, nếu đề nghị của tỉnh Kiên Giang về việc dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế được chấp thuận thì nhiều nhà đầu tư dạng "lướt sóng" sẽ dính đòn. 

"Thực ra, bản chất của Phú Quốc là đặc khu hay không là đặc khu thì vẫn là khu vực tiềm năng về phát triển du lịch và kinh tế. Tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua có sự bùng nổ quá mạnh về các hoạt động đầu tư vào những khu vực nằm ngoài quy hoạch. Đó là những đầu tư nhỏ lẻ, manh mún. Sau khi Phú Quốc đình chỉ những hoạt động đó lại, một lượng tiền khá lớn của những nhà đầu tư kiểu này đã bị đọng lại. Về tâm lí, tôi nhận định các nhà đầu tư nhỏ lẻ sẽ choáng váng", ông Đính đưa ra nhận định.

Về dài hạn, ông Đính cho rằng, trở thành đặc khu hay không thì Phú Quốc vẫn phát triển. Tuy nhiên để phát triển bền vững, tỉnh Kiên Giang cần có một quy hoạch tốt hơn, rõ hơn và đặc biệt là quản lý chặt chẽ hơn để các hoạt động đầu tư tốt hơn.

Thiết lập lại được mặt bằng giá bất động sản ở Phú Quốc?


Trong khi đó ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đánh giá đề xuất này của Kiên Giang rất mới nhưng nó nằm trong một sự cân nhắc về điều kiện và thời điểm để hình thành đặc khu ở Việt Nam.

Ông Châu cho rằng, đứng về mặt chủ quan, tỉnh Kiên Giang đề nghị tạm dừng quy hoạch đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế là một chính kiến và một sự dũng cảm.

"Nếu chỉ dựa vào mong muốn và ý chí chủ quan mà thiếu những nghiên cứu nghiêm túc, khách quan có thể đó là sự vội vàng và không đi đến đích. Cho nên đề nghị của tỉnh Kiên Giang chỉ là đề nghị làm chậm lại quá trình xem xét mục tiêu Phú Quốc trở thành đặc khu kinh tế chứ về lâu dài sẽ tiếp tục nghiên cứu", Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM đánh giá. 

Đầu tư lướt sóng sẽ 'dính đòn' nếu dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu ảnh 2 Trước đó, khi có thông tin Phú Quốc sẽ lên đặc khu giá đất tại đây tăng phi mã, nhiều nhà đầu tư lao theo cơn sốt đất đổ xô mua đón đầu. Hậu quả là những nhà đầu tư cuối cùng "ôm" như "ôm lửa" trên tay.

Ông Châu cũng nhìn nhận, đã có một làn sóng đầu cơ bất động sản tại Phú Quốc khi có thông tin huyện đảo này sẽ trở thành đặc khu kinh tế. Và nhiều nhà đầu tư, đội quân lướt sóng đã có mặt để tìm kiếm cơ hội. Với đề xuất tạm dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu của tỉnh Kiên Giang sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó sẽ thiết lập lại mặt bằng giá để chấn chỉnh tình hình đầu tư trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng đấu tranh với các hoạt động đầu cơ.

"Như vậy những nhà đầu tư lướt sóng, những nhà đầu cơ cuối cùng (những người mua đất và lưu lại với giá cao) trong thời gian vừa qua có thể sẽ bị thiệt hại. Đó cũng là cái giá phải trả bởi đầu tư nhằm mục đích lướt sóng, đầu cơ, hưởng chênh lệch giá thì không bền vững", ông Châu nói.

Không chỉ ở Phú Quốc, hệ quả của việc đầu tư bất động sản lướt sóng, HoREA đã có đánh giá về cơn sốt đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép tại một số quận ven, huyện ngoại thành TP HCM, khu vực xung quanh dự án sân bay Long Thành và tại 3 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế gồm Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn.

HoREA cũng chỉ rõ thủ phạm của hiện tượng sốt ảo giá đất nền, đất nông nghiệp ở những khu vực nói trên chính là giới đầu nậu và cò đất mà trong nhiều trường hợp đã móc nối với một số cán bộ cấp cơ sở để phân lô tách thửa tràn lan.

Họ cung cấp những thông tin giả (hoặc thông tin nửa đúng nửa sai) về quy hoạch phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, các dự án lớn trên mạng xã hội và các  trang thông tin điện tử để làm giá, thổi giá đất, kích động tâm lý đám đông, tạo sóng trên thị trường bất động sản để trục lợi.

Như thông tin, UBND tỉnh Kiên Giang đã đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho đến khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Tỉnh cũng đề xuất được phép sử dụng ngân sách địa phương lập mới qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc, theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc. Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang muốn được áp dụng hình thức lựa chọn và chỉ định thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập qui hoạch; được thực hiện cơ chế tự thoả thuận khi xem xét giá trị hợp đồng và thanh toán với tư vấn nước ngoài. 

Theo Theo Đời sống & Pháp lý
MỚI - NÓNG