Bất cập đào tạo giáo viên

Tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu cục bộ đang gây khó khăn cho quản lý.
Tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu cục bộ đang gây khó khăn cho quản lý.
TPO - Tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu cục bộ dẫn đến việc điều hành quản lý bất cập, dự báo nhu cầu chưa chính xác, chưa có chính sách kịp thời tháo gỡ nên nhiều đơn thư, ý kiến xảy ra ở nhiều nơi...là ý kiến của các đại biểu trong Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 của Bộ GD&ĐT sáng 6/8.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cho biết, đơn vị đã xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án sắp xếp lại các trường sư phạm và thành lập một số trường sư phạm trọng điểm nhằm hình thành mạng lưới đào tạo giáo viên bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu quả, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu về số lượng, cơ cấu và tăng cường năng lực giáo viên của các địa phương.

Tuy nhiên, đơn vị cũng thẳng thẳn chỉ ra, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức việc quy hoạch lại mạng lưới và xây dựng đề án rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dẫn đến việc triển khai còn lúng túng, không đồng nhất.

Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên. Bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 05 tỉnh Tây Nguyên. Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GDĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Thứ trưởng Bộ Nội Vụ - ông Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, những năm qua ngành Nội vụ luôn đồng hành với ngành giáo dục để giải quyết vấn đề đội ngũ tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đó là tình trạng đội ngũ giáo viên nơi thừa, nơi thiếu dẫn đến việc điều hành quản lý bất cập. Các địa phương dự báo về số lượng giáo viên, học sinh trong độ tuổi đến trường chưa được chính xác; chưa có chính sách kịp thời tháo gỡ nên nhiều đơn thư, ý kiến xảy ra ở nhiều nơi. 

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, thực hiện Nghị quyết T.Ư về việc tinh giản biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trên thực tế, có một bộ phận phụ huynh sẵn sàng trả học phí cao hơn để con được học ở những trường ngoài công lập thì ở khu vực đô thị phải có tỉ lệ chuyển đổi cơ chế để giải quyết việc này. Các nước trên thế giới cũng thực hiện theo nguyên tắc là phân khúc cao sẽ xã hội hóa.  Phải chăng, chúng ta giao cho cho các trường cơ chế tự chủ, Hội đồng nhân dân xem xét mức học phí, để từ học phí đó lo cho giáo viên sẽ giảm bớt gánh nặng quỹ lương.

Phó thủ tướng cũng chỉ ra vấn đề bất cập hiện nay trong đào tạo giáo viên đó là, mỗi năm có khoảng gần 20 nghìn giáo viên về hưu nhưng chỉ tiêu đào tạo sư phạm vẫn giao ở mức trên 50.000/ năm.

Hiện nay đào tạo sư phạm đang được nhà nước bao cấp nhưng chất lượng không cao, nhiều ra trường sinh viên không kiếm được việc làm. Vì vậy, Phó thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT có đề án cụ thể, các địa phương phải tính toán, đề xuất nhu cầu giáo viên trong 5-10 năm tới để đặt hàng các trường sư phạm có chất lượng tốt đào tạo giáo viên. Ngoài ra, các địa phương cũng phải trích một phần ngân sách để  đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

MỚI - NÓNG