Câu chuyện thể thao:

V-League, khi nào các trận đấu trở nên hấp dẫn?

CĐV Nam Định phủ kín sân Thiên Trường trong ngày đội nhà tiếp CLB HAGL Ảnh: VSI
CĐV Nam Định phủ kín sân Thiên Trường trong ngày đội nhà tiếp CLB HAGL Ảnh: VSI
TP - Trận đấu giữa Nam Định và CLB HAGL thuộc vòng 19 V-League 2019 trên sân Thiên Trường mới đây đã thu hút số CĐV lên tới khoảng 25.000 người. 


Đây là con số vào loại kỷ lục của một trận đấu ở giải VĐQG. Sức hút trận đấu lớn tới mức, cho tới sát giờ thi đấu, vẫn còn rất đông CĐV Nam Định muốn vào sân nhưng không mua được vé. Ngoài thị trường, giá vé chợ đen thậm chí bị đẩy lên tới trên dưới 800.000 đồng cho 1 tấm vé mệnh giá gốc chỉ vài chục nghìn. 

Điều gì khiến trận đấu giữa Nam Định và HAGL lại trở nên hấp dẫn và lôi cuốn người xem như vậy? Tôi cho rằng có những yếu tố chính sau đây. 

Đầu tiên là tính địa phương và truyền thống bóng đá. Nam Định cũng như một số địa phương khác gồm Thanh Hoá, Nghệ An, Hải Phòng, người hâm mộ bóng đá luôn rất cuồng nhiệt, yêu đội bóng của mình. Các sân Vinh, Thanh Hoá hay Lạch Tray được ví như những “chảo lửa” ở V-League, và thường luôn đông khán giả trong những thời điểm đội bóng có thành tích tốt. Sức nóng của các sân bóng trên chỉ giảm đi những lúc đội bóng thi đấu quá tệ, hoặc khiến người hâm mộ thất vọng vì các kết quả gây nghi ngờ. Sân Vinh cho thấy giá trị của bóng đá sạch: CĐV xứ Nghệ dù yêu đội nhà nhưng có lúc nhiều người đã quay lưng vì tình yêu bị thử thách quá nhiều lần. 

Với Nam Định, tình yêu bóng đá của người hâm mộ còn được đẩy lên cao bởi nhiều năm phải chơi ở các hạng thấp, chỉ mới trở lại V-League 2 mùa giải gần đây. Theo thống kê của BTC VPF, sau 19 vòng đấu thì trung bình, các trận đấu ở V-League có khoảng hơn 7.600 CĐV. Sân Thiên Trường là một trong những địa chỉ đỏ, với số trung bình trên dưới 15.000 người/trận, tức là gấp đôi so với mức trung bình của cả giải đấu. 

Yếu tố thứ 2 tác động tới số lượng khán giả trên sân là chất lượng đối thủ, trong đó có thể tính tới yếu tố ngôi sao. Ở trận đấu giữa Nam Định và CLB Hà Nội tại lượt đi, số lượng khán giả trên sân Thiên Trường khoảng 19.000 người, và lên tới mức kỷ lục 25.000 người trong trận đấu với HAGL. Hai trận đấu này, đối thủ của Nam Định đều là những đội bóng mạnh, hoặc rất hấp dẫn ở V-League khi sở hữu nhiều ngôi sao lớn.

CLB Hà Nội thường xuyên trong tốp đầu V-League, có Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu…trong đội hình. HAGL 5 năm qua luôn được chú ý với các gương mặt như Lương Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh. Người Nam Định có thể cho rằng họ đến sân vì ủng hộ đội nhà, nhưng chắc chắn không thể loại trừ yếu tố sự hấp dẫn từ những đối thủ của đội bóng thành nam. 

Thiếu một trong 2 yếu tố trên, sức hút của bóng đá đối với CĐV sẽ giảm đi. Đặc biệt với bóng đá Việt Nam thì yếu tố truyền thống, địa phương thậm chí tác động rất mạnh. CLB Hà Nội là một ví dụ. Đội bóng của bầu Hiển có tất cả những yếu tố để những CLB khác phải thèm muốn: đội hình mạnh, thành tích tốt, nhiều ngôi sao cùng sự hậu thuẫn rất mạnh của truyền thông. Nhưng sân vận động Hàng Đẫy chỉ thu hút được khán giả nhờ hiệu ứng từ thành công của các ĐTQG, biến những Quang Hải, Duy Mạnh… thành các “idol” trong lòng giới trẻ.

Trước đó dù đạt thành tích rất tốt, đội hình mạnh, nhưng bầu Hiển vẫn phải… thuê CĐV. Đây có lẽ cũng là sự khác biệt giữa Nam Định và Hà Nội: CĐV Nam Định yêu đội bóng, CĐV Hà Nội đến sân vì ngôi sao. Hãy tưởng tượng nếu một ngày Hàng Đẫy vắng bóng các ngôi sao trẻ, sức hút của CLB Hà Nội sẽ giảm đi rất nhiều. 

Tuy nhiên, có một điểm chung giữa các đội bóng ở V-League - yếu tố quan trọng nhất nhưng ít có sự cải thiện: dù thu hút CĐV hay không, chưa đội bóng nào tận dụng được nguồn lực từ người hâm mộ để tự nuôi sống mình. Nam Định từng có lúc CLB phải chạy tài trợ vì thiếu tiền. Hà Nội và nhiều đội bóng khác cũng trong tình cảnh tương tự, đều dựa vào tiền túi các ông bầu. 

MỚI - NÓNG