Nội soi trường gắn mác quốc tế: Tỉnh ra đã mất tiền tỷ

Người dân còn phải là những phụ huynh thông minh trong việc lựa chọn trường cho con Ảnh: Nghiêm Huê
Người dân còn phải là những phụ huynh thông minh trong việc lựa chọn trường cho con Ảnh: Nghiêm Huê
TP - Mất tiền tỷ cho con học trường mang danh quốc tế, nhiều phụ huynh đã nhận một kết quả “đắng”. Theo các chuyên gia, hệ quả này còn bộc lộ rõ một khoảng trống rất lớn trong quản lý giáo dục.

Hổng kiến thức

Dù các cơ quan quản lý khẳng định Luật của Việt Nam không có khái niệm trường quốc tế nhưng tại các thành phố lớn trường quốc tế vẫn mọc lên nhan nhản. Là phụ huynh có “thâm niên” trong một trường ngoài công lập mang danh quốc tế trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, chị Trịnh Thị Mai chia sẻ câu chuyện của mình. Con trai lớn của chị học từ lớp 1 đến lớp 8 tại trường này. Con gái thứ hai cũng đang theo học đến lớp 3 chuẩn bị vào lớp 4. Hè vừa rồi, chị quyết định chuyển trường cho con trai  với lý do chất lượng đào tạo của trường không như kỳ vọng.

Ban đầu, khi lựa chọn mô hình trường học này, chị Mai cho biết, do chị sợ áp lực sĩ số của trường công, trong khi  trường quốc tế này lại gần nhà, quảng cáo chương trình tiếng Anh đào tạo theo chương trình của Mỹ, nên phù hợp với nguyện vọng của gia đình muốn con sẽ đi du học từ cấp 3. Nhưng sau 8 năm học, chị mới tá hỏa nhận ra con chị chỉ có năng lực mỗi môn tiếng Anh còn các môn học khác đều lơ mơ. Chính vì vậy, dù là năm học cuối cấp nhưng chị quyết định chuyển con sang trường công lập, cùng với đó cấp tốc mời gia sư về nhà bổ túc kiến thức các môn cơ bản cho con. “Tôi cũng không hiểu sao kiến thức của con như thế nhưng con vẫn được lên lớp đều, không thấy cô giáo chủ nhiệm nhắc nhở gì” - chị Mai thông tin.

Nhà trường đưa lên website chương trình đào tạo tiếng Anh theo chuẩn Mỹ nhưng khi vào học, con phản ánh với gia đình và ban giám hiệu về việc giáo viên nước ngoài dạy tiếng Anh như người Việt nói tiếng Anh. Lúc này đại diện nhà trường thừa nhận giáo viên chưa được chuẩn như nhà trường yêu cầu. Học phí gia đình chị đóng cho con trai  cấp THCS là 18 triệu/tháng, con gái học tiểu học thì thấp hơn. Chị tính nhẩm, mỗi năm tổng chi phí cho hai con là hơn 300 triệu đồng.

Với 8 năm học của con trai, 3 năm học của con gái, vợ chồng chị Mai đã đóng một khoản tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng và kết quả nhận được khiến chị thất vọng. Vì con gái còn nhỏ nên chị Mai quyết định để con học hết tiểu học mới chuyển trường. Nhưng để tránh “vết xe đổ” như cậu con trai nên chị mời gia sư về kèm tại nhà cho con hàng ngày theo chương trình SGK của Bộ GD&ĐT song song với chương trình con học ở trường. Theo như chị Mai thông tin, hiện nay con gái của chị phải học một lượng kiến thức gấp đôi so với chúng bạn để bù lượng kiến thức thiếu hụt.

Một phụ huynh có con học trường “quốc tế”  khác ở quận Ba Đình chia sẻ, gia đình có dự định sẽ cho con đi du học nên đầu tư cho con học trường có yếu tố nước ngoài. Trước khi học, vợ chồng đã tìm hiểu về nhà trường, điều ông bố này thích nhất là cơ sở vật chất hiện đại, sĩ số lớp học chỉ 20 học sinh/ lớp; học tiếng Anh một buổi/ ngày. Tuy nhiên, khi học được gần 2 năm gia đình anh mới thấm vì trường có những quy định “lạnh lùng”.

Phụ huynh này cho biết: “Chỉ cần gia đình quên đóng học cho con vài ngày trường thẳng tay cho con nghỉ học. Trường dạy quá ít về kiến thức; học sinh đến lớp 3 mà các bài toán cơ bản không giải quyết được”. Gia đình muốn cho con chuyển về trường công nhưng nhiều người khuyên con sẽ không hoà nhập được môi trường này nữa. Cuối cùng anh “đâm lao phải theo lao” cho con học tiếp và đăng ký học thêm ở ngoài.

“Lập lờ” lừa dối phụ huynh?

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng gần đây, nhiều trường ngoài công lập đang lạm dụng mác “quốc tế” là hành vi có thể coi là lừa đảo, sai pháp luật. Ông Thắng nhìn nhận, rõ ràng có sự lập lờ đánh lận con đen của các cơ sở đào tạo này, cố ý đánh vào tâm lý sính ngoại của một bộ phận xã hội, của phụ huynh để thu học phí cao hơn. Theo ông Thắng, điều này cũng thể hiện sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn.

“Cơ quan quản lý không phải chỉ cấp phép xong là xong, để đến khi có sự việc gì đó xảy ra mới vào cuộc. Cần phải giám sát xem tổ chức đó khi đi vào hoạt động có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không. Nếu không thực hiện đúng phải có xử lý. Chỉ riêng tên gọi, thấy rất phổ biến, rất nhiều trường gắn chữ “quốc tế”, cơ quan quản lý thì khẳng định chưa cấp phép, nhưng lại gần như không  xử lý gì cả. Rõ ràng cần phải siết chặt  vấn nạn này” - ông Phạm Tất Thắng nói.

“Cơ quan quản lý không phải chỉ cấp phép xong là xong, để đến khi có sự việc gì đó xảy ra mới vào cuộc. Cần phải giám sát xem tổ chức đó khi đi vào hoạt động có thực hiện đúng quy định của pháp luật hay không. Nếu không thực hiện đúng phải có xử lý. Chỉ riêng tên gọi, thấy rất phổ biến, rất nhiều trường gắn chữ “quốc tế”, cơ quan quản lý thì khẳng định chưa cấp phép, nhưng lại gần như không  xử lý gì cả. Rõ ràng cần phải siết chặt vấn nạn này”. ông Phạm Tất Thắng

“Mang tiếng học trường quốc tế nhưng con học hết lớp 8, khi kiểm tra bảng cửu chương con vẫn chưa thuộc, các hằng đẳng thức đáng nhớ hoàn toàn mù tịt.  Với các môn Lý, Hóa, Sinh, con  gần như không có kiến thức cơ bản. Con chỉ được mỗi môn tiếng Anh”. 
chị Mai, phụ huynh học sinh có con học một trường mang danh “quốc tế” ở Hà Nội nói

MỚI - NÓNG