Thủ tướng kỳ vọng vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: Như Ý
TPO - “Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng và đánh giá cao vai trò của báo chí.”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói.

Sắc bén, trung thực

Tối 15/8, Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức trao giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai, năm 2018 - 2019.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết: Tính đến hết ngày 21/06/2019, Ban Tổ chức nhận được hơn 1 nghìn tác phẩm hợp lệ của 4 loại hình: báo in, báo điện tử, phát thanh, truyền hình của trên 100 cơ quan báo chí T.Ư và địa phương. Hội đồng chung khảo đã chọn được 35 tác phẩm xuất sắc để trao 4 giải A, 9 giải B, 10 giải C và 12 giải khuyến khích.

Ông Mẫn đánh giá, các tác phẩm tham gia dự giải lần này sát với chủ đề, có chất lượng nghiệp vụ tốt, thông tin sắc bén, trung thực, được đầu tư công phu, thể hiện rõ trách nhiệm, tinh thần dấn thân của nhà báo và theo đúng tiêu chí của Thể lệ Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Mỗi tác giả đều quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm để có được các tác phẩm báo chí hay, có tính chiến đấu cao và tính nhân văn sâu sắc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ hơn và đạt những kết quả toàn diện, để lại dấu ấn đậm nét.

“Tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, có chiều hướng suy giảm và đặc biệt đã xử lý quyết liệt, nghiêm minh nhiều tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên sai phạm, kể cả cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang, kể cả cán bộ đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền, xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, bất kể người vi phạm là ai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, những kết quả này đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, nhận được sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng chống tham nhũng qua đó góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ, với Đảng và nhà nước ta.

“Có được kết quả nêu trên phải kể đến vai trò quan trọng của MTTQ Việt Nam, của các tổ chức đoàn thể, các cơ quan báo chí, đặc biệt là những người làm báo. Các cơ quan truyền thông báo chí đã có nhiều tin, bài, phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm được nhân dân quan tâm, đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao vị thế và hình ảnh của đất nước trong cộng đồng quốc tế”, Thủ tướng nói.

Chống nhũng nhiễu, cửa quyền

Thủ tướng cho rằng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn tin tưởng, kỳ vọng, đánh giá cao vai trò của báo chí. Báo chí có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước; phát hiện và đấu tranh với hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tham nhũng, lãng phí tiêu cực; tham gia giám sát, phản biện và theo dõi quá trình xử lý các vụ việc, phát hiện các hạn chế, bất cập của thể chế pháp luật, chính sách dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực; nêu gương và nhân rộng những tấm gương tốt, việc làm tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ tốt đẹp.

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục quán triệt và tham gia tích cực triển khai thực hiện các quan điểm tư tưởng chỉ đạo và nhiệm vụ giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí của Đảng, Nhà nước, các kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng; phát huy vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội, báo chí và công luận trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong cán bộ, đảng viên, trong đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí.

Thủ tướng yêu cầu tăng cường phối hợp hơn nữa giữa MTTQ Việt Nam, Hội nhà báo, các cơ quan báo chí trong tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí; các hoạt động giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ Việt Nam các cấp; có cơ chế phối hợp giữa MTTQ Việt Nam các cấp, cơ quan báo chí, các cơ quan kiểm tra, thanh tra các cơ quan bảo vệ pháp luật, các bộ, ngành liên quan để giải quyết các vụ việc do nhân dân, báo chí phát hiện, phản ảnh.

“Phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của báo chí, coi trọng tính khách quan, chân thực, tính chuyên nghiệp trong khai thác và xử lý thông tin về tham nhũng, lãng phí, chú trọng phát hiện các sơ hở về thể chế pháp luật, cơ chế chính sách có thể tạo môi trường cho tham nhũng tiêu cực và lạm dụng chức quyền”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng lưu ý, bên cạnh việc đưa tin các vụ án, vụ việc lớn, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, báo chí cũng cần phản ánh những biểu hiện nhũng nhiễu tiêu cực, cửa quyền, tham nhũng vặt xảy ra gây không ít phiền hà, bức xúc đối với đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“Chú trọng triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 10 của Thủ tướng về tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu phiền hà người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Đặc biệt đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí trong việc đưa tin. Chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn của người làm báo, nhất là bồi dưỡng kiến thức pháp luật về đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, bảo vệ nhà báo và người tố cáo tham nhũng theo quy định của pháp luật...”, Thủ tướng nói.

Loạt bài 5 kỳ "CSGT Hà Nội “làm luật” như ảo thuật" đăng trên Tiền Phong online của nhóm tác giả: Đình Thắng, Tuấn Nguyễn, Dương Hưng xuất sắc giành giải C, loại hình báo điện tử, Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ hai năm 2018 – 2019. Sau khi loạt bài đăng tải, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội đã yêu cầu xác minh, làm rõ, công bố quyết định kỷ luật giáng cấp bậc hàm, cảnh cáo, khiển trách, cắt thi đua, cho nghỉ hưu sớm... với nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT trực tiếp sai phạm và liên đới.

MỚI - NÓNG