Người Hong Kong lại biểu tình lớn

Người biểu tình vây kín khu vực mua sắm ở trung tâm Hong Kong. Ảnh: SCMP
Người biểu tình vây kín khu vực mua sắm ở trung tâm Hong Kong. Ảnh: SCMP
TP - Cuối tuần qua, hàng chục ngàn người đổ về khu vực trung tâm Hong Kong để tiếp tục chiến dịch biểu tình trong tuần thứ 11 liên tiếp, bất chấp tín hiệu cảnh báo Trung Quốc sẽ can thiệp bằng vũ lực. Trong lúc đó, lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc triển khai tiếp một đợt diễn tập chống bạo động.

Cuộc tập hợp đông đúc cuối tuần qua cho thấy phong trào biểu tình vẫn huy động được rất đông người, bất kể những cảnh tượng xấu xí trong tuần trước, khi người biểu tình làm tê liệt sân bay của thành phố.

Trong lúc đó, cảnh sát vũ trang Trung Quốc vừa tổ chức một cuộc diễn tập nữa, với các bài tập chống bạo loạn, ở ngay nơi giáp ranh giữa Thâm Quyến và Hong Kong.

Một đoạn phim dài 1 phút về cuộc diễn tập đã được tờ Thời báo Hoàn cầu đăng trên mạng xã hội WeChat vào cuối tuần qua. Trong đó, vài trăm cảnh sát tập trung tại một khu vực ở Thâm Quyến.Mở đầu đoạn phim, một sĩ quan cảnh sát hô vang rằng người biểu tình hãy “chấm dứt bạo lực và ăn năn”.

Global Times không cho biết mục đích của cuộc diễn tập, nhưng đoạn phim có cảnh sử dụng hơi cay, xe bọc thép, vòi rồng để đối phó với người biểu tình giả định. Những cảnh sát mặc áo giáp, đội mũ sắt, mang khiên, giơ cờ, biểu ngữ và dùi cui đối đầu với các nhóm mặc áo phông đen và đội mũ công trường, trông giống người biểu tình Hong Kong. Đoạn phim này sau đó được đăng trên tài khoản Weibo chính thức của tờ Nhân dân Nhật báo và nhận được hơn 40.000 lượt thích, Reutersđưa tin.

Đây là cuộc diễn tập lần thứ 3 được tổ chức trong 3 tuần qua của lực lượng cảnh sát vũ trang và thường trực ở đại lục.

Báo SCMP dẫn lời ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự ở Bắc Kinh, nói rằng tình hình Hong Kong đang tiến gần tới điểm mà chính quyền và cảnh sát đặc khu mất kiểm soát, có thể khiến Bắc Kinh tuyên bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng luật của đại lục với Hong Kong và điều cảnh sát vũ trang đến dẹp biểu tình.

Ông Zhang Dinghuai, một nhà nghiên cứu về chính sách Hong Kong tại Đại học Thâm Quyến, nói rằng Điều 18 trong Luật Cơ bản (tiểu hiến pháp của Hong Kong) cho phép chính quyền trung ương tuyên bố tình trạng khẩn cấp.

Chưa đủ lý do

Bà Elsie Leung Oi-sie, một cố vấn của Bắc Kinh và là cựu quan chức tư pháp cấp cao nhất của Hong Kong, hôm qua nói rằng chưa đủ lý do để Bắc Kinh điều quân đến Hong Kong, vì chính quyền đặc khu chưa đề nghị đại lục làm điều đó.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên đài phát thanh địa phương, bà Leung nói rằng ngay cả nếu lực lượng đồn trú ở Hong Kong của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) được triển khai dựa trên Luật Cơ bản, bà không nghĩ rằng bước đi này sẽ làm tổn hại đến nguyên tắc quản trị “một đất nước, hai chế độ”.

  “Ðó sẽ là tình trạng chiến tranh. Nhưng điều đang xảy ra ở Hong Kong cho đến nay nghiêng về vấn đề trật tự công cộng hơn là an ninh quốc gia”.

                        Bà Elsie Leung Oi-sie, một cố vấn của Bắc Kinh

“Điều 18 của Luật Cơ bản chỉ có hiệu lực khi tình hình Hong Kong ‘gây đe dọa cho toàn vẹn lãnh thổ hoặc an ninh quốc gia, nghĩa là khi người dân không chỉ đòi độc lập cho Hong Kong và còn sử dụng vũ khí để chia tách thành phố khỏi đại lục”, bà Leung nói.

“Đó sẽ là tình trạng chiến tranh. Nhưng điều đang xảy ra ở Hong Kong cho đến nay nghiêng về vấn đề trật tự công cộng hơn là an ninh quốc gia”, bà Leung nói.

Một số người gọi các cuộc biểu tình ở Hong Kong là một cuộc “cách mạng màu”, nhưng bà Leung cho rằng tình hình chưa đến mức đó. “Một số hành động khá tiệm cận ngưỡng đe dọa chính quyền, nhưng vẫn chưa có nỗ lực nào nhằm lật độ chính quyền đại lục hay đặc khu”, bà nói.

Văn phòng các vấn đề Hong Kong và Macau của đại lục đã tổ chức 3 cuộc họp báo để lên án những hành động của người biểu tình như vấy bẩn quốc huy trước văn phòng liên lạc tại Sai Wan vào cuối tháng 7 là thách thức chủ quyền quốc gia và hệ thống một đất nước, hai chế độ. Nhưng bà Leung nói đó chỉ là những hành động nhỏ. “Sỉ nhục quốc huy và quốc kỳ thực sự là hành động thách thức chính quyền trung ương, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến an ninh của Hong Kong”, bà Leung nói.

Điều 14 của Luật Cơ bản quy định chính quyền Hong Kong có thể đề nghị Bắc Kinh điều lực lượng PLA đồn trú ở đặc khu hỗ trợ duy trì trật tự công cộng. Nếu điều đó xảy ra, bà Leung cho rằng, nó cũng không vi phạm nguyên tắc một đất nước, hai chế độ.

MỚI - NÓNG