Ông Trump lại vừa ném ‘lựu đạn’ vào G7

Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/8. (Ảnh: Jiji)
Ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 21/8. (Ảnh: Jiji)
TPO - Thống Mỹ Donald Trump hôm nay kêu gọi G7 kết nạp Nga trở lại. Đây được coi là quả lựu đạn ngoại giao đầu tiên mà nhà lãnh đạo Mỹ ném vào câu lạc bộ của các đồng minh giàu có phương Tây, trước khi hội nghị thượng đỉnh của nhóm sắp diễn ra tại Pháp. 

“Tôi chắc chắn” ủng hộ điều đó, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng. “Rất phù hợp để có thêm Nga. Nó sẽ là G8, vì có rất nhiều thứ chúng tôi bàn bạc liên quan đến Nga”, ông nói. 

Nga bị loại khỏi khuôn khổ G8 sau sự kiện nước này sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014. Mát-x-cơ-va cũng bị phương Tây cáo buộc liên quan đến việc dàn dựng sát hại những người đối lập ở Anh và những nơi khác ở châu Âu, hay chuyện can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Đưa ra ý kiến có thể gây “ngứa ngáy” cho các đối tác G7 khác trước cuộc gặp vào thứ 7 này trên bờ Đại Tây Dương, ông Trump nói rằng Nga bị loại ra vì người tiền nhiệm Barack Obama của ông bị ông Putin “đánh bại”. 

Hội nghị thượng đỉnh G7 thường niên, quy tụ lãnh đạo Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Mỹ, thường là những sự kiện không mâu thuẫn. Cho đến thời Trump.

Tại thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Quebec, ông Trump phá vỡ thông lệ và rời đi sau khi thể hiện sự giận dữ và công kích cá nhân trong vấn đề thương mại với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ông Trump cũng từ chối ký vào tuyên bố cuối cùng của hội nghị. 

Các lãnh đạo G7 tốt hơn nên thận trọng, ông Robert Guttman, giám đốc Trung tâm chính trị và quan hệ quốc tế tại ĐH Johns Hopkins, cảnh báo.

Chủ nhà Pháp hy vọng lần này có thể làm tốt hơn. Một nhà ngoại giao Pháp nói với các phóng viên rằng tầm quan trọng của bản thông cáo cuối cùng sẽ bị giảm bớt, nói rằng đó là “một cách để tránh tình thế mà chúng tôi gặp phải ở Canada năm ngoái”. 

Nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn G7 sắp tới bàn về đối phó với tình trạng bất bình đẳng toàn cầu. Chủ đề này không hấp dẫn với một người có quan điểm đề cao Mỹ lên trên hết như ông Trump. 

Rõ ràng hơn là vấn đề biến đổi khí hậu mà theo Pháp là một nhân tố chính gây ra bất bình đẳng xã hội và kinh tế. 

Ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu 2015, và ông không đếm xỉa đến việc bị các đồng minh coi đó là hành động từ bỏ sứ mệnh giải cứu thế giới. 

Ông Guttman cho rằng ông Trump sẽ không quan tâm đến những đối tác G7 khác nghĩ gì, mà chỉ quan tâm đến việc lực lượng cử tri ủng hộ mình. “Ông Trump sẽ không đến hội nghị như một nguyên thủ mà là một chính trị giá đang nỗ lực tái đắc cử”, ông Guttman nói. 

Ông Trump dự kiến sẽ đáp trả đề xuất đánh thuế kỹ thuật số của Pháp, biện pháp mà chính phủ của ông Macron đề xuất vì cho rằng đang có lỗ hổng lớn để các hãng của Mỹ như Google hoạt động ở nước ngoài mà không phải trả đồng thuế nào. Gọi điều này là “ngu ngốc”, ông Trump dọa sẽ đáp trả bằng thuế lên rượu nhập khẩu từ Pháp. 

Các lãnh đạo G7, đặc biệt là Thủ tướng Đức Angela Merkel, có thể bị Mỹ gây sức ép trong vấn đề đóng góp tài chính cho NATO, tổ chức mà ông Trump nói đang phụ thuộc quá nhiều vào đóng góp của Mỹ. 

6 thành viên còn lại sẽ phải cố gắng thuyết phục ông Trump linh hoạt trong các vấn đề gây tranh cãi: hành động quyết liệt của Mỹ với Iran và cuộc chiến thương mại với Trung Quốc –nguy cơ kéo kinh tế toàn cầu vào suy thoái. 

Ông Trump ít nhất sẽ có một người bạn trong cuộc gặp này. Thủ tướng Anh Boris Johnson hào hứng với sự ủng hộ của Mỹ khi ông đang đưa nước Anh qua chặng đường rời khỏi EU mà có thể không có thỏa thuận nào. 

Ông Trump để ngỏ khả năng sẽ tiến tới một thỏa thuận thương mại song phương lớn với Anh, còn Nhà Trắng sẽ tiếp tục sử dụng cơ hội này để ép Anh cấm cửa hãng viễn thông Trung Quốc Huawei gia nhập thị trường 5G. 

Ông Roberts cho rằng những thách thức chiến lược từ Trung Quốc và Nga khiến các đối tác trong G7 phải thích nghi với ông Trump dù muốn hay không. “Họ không thích phong cách của ông Trump nhưng không thể thay đổi thực tế chỉ vì họ không thích sứ giả”, ông nói. Chuyên gia này cho rằng EU “không phải một siêu cường, nên họ phẫn phải phụ thuộc vào Mỹ”. 

Năm sau sẽ tới lượt Mỹ tổ chức thượng đỉnh G7. 

Theo theo Japan Times
MỚI - NÓNG