30 trường cao đẳng sư phạm địa phương hoạt động 'quặt quẹo': Giữ hay bỏ?

Lớp học chỉ có 2 sinh viên của trường CĐSP Nam Định
Lớp học chỉ có 2 sinh viên của trường CĐSP Nam Định
TPO - Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 30 trường cao đẳng sư phạm địa phương. Thực tế hoạt động của các trường đang vô cùng khó khăn. Nếu thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm thì số phận các trường này sẽ như thế nào?

Đói nguồn tuyển, hoạt động quặt quẹo

Câu hỏi này không phải lần đầu tiên được đặt ra nhưng một lần nữa lại được nhắc đến tại hội thảo các giải pháp ổn định phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng giáo viên hiện nay và trong thời gian tới do Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam tổ chức sáng nay, 27/8 tại trường ĐH sư phạm Hà Nội 2. 

Trong dự thảo Đề án sắp xếp tổ chức lại các trường Sư phạm, Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu giai đoạn 2020-2025:

Hình thành được 2 trường sư phạm trọng điểm quốc gia ở Hà Nội và TP.HCM trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM và một số trường ĐH sư phạm khác. 

Xây dựng được mạng lưới vệ tinh là các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên ở các địa phương trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại các trường CĐSP, TCSP, các khoa/trường sư phạm trực thuộc các cơ sở giáo dục đại học đa ngành.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước có 30 trường CĐSP địa phương. Thực tế hoạt động của các trường CĐSP này đang rất khó khăn.

Bà Lê Thị Ngoãn, trường CĐSP Nam Định cho biết các trường CĐSP ngày càng khó tuyển sinh. Tại Trường CĐSP Nam Định, Khoa Tự nhiên năm học 2018 – 2019 hiện nay có 16 giáo viên, nhưng chỉ có 30 sinh viên.

Ví dụ: Lớp Toán – Tin K39 có 7 SV, lớp Toán – Tin K40 có 3 SV, lớp Giáo dục thể chất K40 chỉ có 2 SV. Hay ở khoa Xã hội: Lớp Văn – Giáo dục công dân K39 có 5 SV, Lớp Văn – Giáo dục công dân K40 có 2 SV, Lớp Âm nhạc chỉ có 1SV.

Theo bà Ngoãn, nguyên nhân chung của tình trạng này là do hiện nay trên địa bàn cả nước có quá nhiều trường ĐH công lập và dân lập, số lượng tuyển sinh hàng năm quá lớn nên đã thu hút gần hết học sinh của tỉnh.

Sinh viên học trường CĐSP ở tỉnh rất khó tìm kiếm việc làm, lý do là họ không được tuyển vào công chức nhà nước (Ví dụ: Ở Tỉnh Nam Định vài năm gần đây không tuyển giáo viên THCS nên số lượng học sinh vào học ngành THCS ở trường CĐSP Nam Định là rất ít, có rất nhiều ngành trong nhiều năm không tuyển được sinh viên).

Do cơ chế tuyển sinh bất lợi cho các trường CĐSP vì nhiều trường ĐH xét tuyển theo kiểu “lưới quét”, các trường ĐH đào tạo cả trình độ CĐ nên trường CĐSP thiếu nguồn tuyển.

Nói về tuyển dụng, bà Ngoãn nêu thực tế nhiều địa phương có trường CĐSP và vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh đều đặn hàng năm nhưng trong thông báo tuyển giáo viên các bậc phổ thông thì chỉ tuyển những đối tượng có bằng tốt nghiệp ĐH. Rõ ràng, đã đến lúc địa phương không có nhu cầu sản phẩm từ các trường cao đẳng nhưng vẫn duy trì hệ đào tạo này.

Giữ hay bỏ?
Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tráng, trường CĐSP Bà Rịa Vũng Tàu đề xuất, đối với trường CĐSP địa phương đang hoạt động có hiệu quả, tuyển sinh được, đáp ứng nhu cầu thực tế, cần tiếp tục phối hợp với lãnh đạo Tỉnh ủy - UBND tỉnh, Sở GD&ĐT tại địa phương, có cơ chế đặc thù cho học sinh đăng kí học CĐSP, cam kết chặt chẽ cả đầu vào và đầu ra. Đối với các trường CĐSP địa phương vẫn tồn tại nhiều năm nay, nhưng hoạt động kém hiệu quả, nhất là không tuyển sinh được, nên sáp nhập vào khoa Sư phạm ở những nơi có trường ĐH để làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương và khu vực. Ở những địa phương không có trường ĐH thì giải thể trường sư phạm và liên kết đào tạo, bồi dưỡng giáo viên với các trường ĐH sư phạm hoặc có khoa sư phạm. Về lâu dài, theo ông Tráng cần tiếp tục hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên. Trong đó, chú trọng chọn các trường ĐH có chất lượng cao, có uy tín ở khu vực của 3 miền Bắc, Trung, Nam làm trường sư phạm trọng điểm; các trường CĐSP địa phương sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm này.
MỚI - NÓNG