Bão Podul áp sát Hoàng Sa, 2.360 ngư dân vẫn trong vùng nguy hiểm

TPO - Bão Podul đang di chuyển nhanh và dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực Nghệ An-Quang Bình sáng, trưa 30/8, với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11. Đến nay, vẫn còn 358 tàu, với 2.360 ngư dân đang trong vùng nguy hiểm của bão.

Sáng 29/8, Bộ trưởng NN&PTNT, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp ứng phó khẩn cấp với bão 4 (bão Podul). 

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 4 đang di chuyển chủ yếu theo hướng Tây với tốc độ 25km/h. 

 Khoảng trưa mai 30/8, bão sẽ đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, gió cấp 8-9, giật cấp 10-11. Lúc bão đổ bộ sóng 2-4m, gần tâm bão 3-5m. Khu vực mưa lớn tập ở Thanh Hóa đến Thừa Thiên- Huế với tổng lượng mưa từ 200-400mm. 

 Lũ cao nhất có khả năng lên BĐ2-3 ở thượng lưu sông Mã, sông Cả. Nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất ở khu vực Trung Trung bộ, Bắc Trung bộ và Bắc bộ. Đặc biệt là Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. 

 Đến sáng 29/8, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.361 phương tiện/315.815 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4.

 Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 358 tàu/2.360 lao động trong vùng nguy hiểm của bão. Đáng lưu ý, còn 7 tàu cá của Quảng Trị vẫn chưa liên lạc được. 

 Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý, càng về gần bờ bão số 4 di chuyển với tốc độ nhanh hơn so với dự báo trước đó. Khu vực ảnh hưởng khu trú từ Nghệ An đến Quảng Bình, hẹp hơn so với dự báo ngày 28/8, tuy nhiên không được chủ quan, đặc biệt công tác dự báo cảnh báo.

Bão Podul áp sát Hoàng Sa, 2.360 ngư dân vẫn trong vùng nguy hiểm ảnh 1 Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương khẩn cấp ứng phó với bão số 4

 Bên cạnh đó, tại khu vực đê biển Tây, do ảnh hưởng của bão số 4 kết hợp với hoạt động của gió mùa Tây Nam sẽ tác động đáng kể đến khu vực bờ biển Tây (các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau), rút kinh nghiệm ở cơn bão số 3, cần chú ý ứng phó với khu vực này.

 Theo ông Cường, do tác động của sóng, tại các khu vực neo đậu, các địa phương cần tập trung kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn để đảm bảo an toàn tàu thuyền, tuyệt đối không để người dân ở lại trên các phương tiện, tàu thuyền, lồng bè.

 “Đối với dân cư vùng thấp trũng, vùng xung yếu, khu vực nguy hiểm cần tổ chức sơ tán, di dời đảm bảo an toàn. Đặc biệt lưu ý tại đoạn sông Gianh, Quảng Bình. Theo dõi, cập nhật tình hình mưa để chuẩn bị công tác chỉ đạo ứng phó”, ông lưu ý.

Ông Cường đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng phối hợp với các lực lượng và địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình tàu thuyền tiếp cận bờ an toàn. 

Đối với 7 tàu chưa liên lạc được, ông Cường yêu cầu địa phương phối hợp với Bộ đội biên phòng và đặc biệt là gia đình để tiếp cận, nắm thông tin để có phương án hỗ trợ kịp thời. 

 “Kiên quyết nhắc nhở, đảm bảo an toàn cho ngư dân và khách du lịch đặc biệt trong dịp nghỉ lễ”, ông Cường lưu ý. 

 Ngay sau cuộc họp, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra chỉ đạo ứng phó với bão số 4 tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị.

MỚI - NÓNG