Trẻ gãy chân, hiệu trưởng nói trật khớp: Ứng xử không sai?

Trẻ gãy chân, hiệu trưởng nói trật khớp: Ứng xử không sai?
TPO - Sáng 30/8, trao đổi với PV, bà Đỗ Thị Chăm, Hiệu trưởng Trường mầm non Tam Đồng (Hà Nội) khẳng định, do hiểu lầm với phụ huynh nên đã có cách ứng xử không phải trong chuyện trẻ mầm non ngã gãy chân trong trường học .

PV: Thưa bà, lùm xùm từ việc cháu M.A 3 tuổi bị gãy chân trong trường học diễn ra như thế nào?

Sự việc cháu bé bị ngã trong trường dẫn đến gãy chân xảy ra ngày 28/8. Khi đó, tôi đang đi tập huấn phòng cháy chữa cháy, không nắm bắt được. Đến tối, tôi nhận được  cuộc gọi đến, không biết là ai, điện thoại tôi có vấn đề nên nghe được câu được câu chăng. Do không rõ nội dung nên khi phụ huynh hỏi: “Tôi hỏi chị tôi báo chị đúng hay sai?

Thì tôi đã nói: “Không đúng, không sai nhưng hơi thừa”. Tôi nói như vậy là vì lúc đó tôi nghĩ phụ huynh hỏi để làm bảo hiểm cho con. Tôi có nghe từ gãy chân nhưng tôi nghĩ, nếu có sự việc gì thì trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên sẽ báo cáo với ban giám hiệu trường giải quyết. 

Sau khi biết hiểu lầm, tôi đã cử giáo viên, Ban giám hiệu nhà trường đến thăm cháu. Ngày hôm qua, tôi cũng đã lên trực tiếp bệnh viện thăm hỏi cháu và xin lỗi gia đình.

Phụ huynh cho rằng, sau đó bà đã gửi tin nhắn với nội dung không phù hợp với người đứng đầu trường học, có đúng không thưa bà? 

Sau cuộc điện thoại đó tôi cũng rất bức xúc vì không hiểu nguyên nhân gì, tôi chưa biết chuyện gì xảy ra mà phụ huynh đã có lời đe doạ tôi nên đã nhắn tin như báo đã biết. Còn chuyện tôi chưa biết cháu gãy chân nên có lời lẽ như vậy tôi không sai. Vì lúc đó tôi chưa biết chuyện. (“Tôi mời anh chiều mai 2 giờ 30 ra nhà trường để gặp tôi. Để tôi sẽ đóng cổng trường không cho những kẻ phát ngôn bừa bãi vào trường cho nền giáo dục văn minh hơn” – PV trích tin nhắn). 

Bà nói hiểu lầm do nghe không rõ, sao bà không hỏi lại phụ huynh cho rõ cháu có bị như thế nào?

Khi đó, tôi nghe không rõ nên trả lời như vậy là do hiểu lầm. Sáng hôm sau tôi bận họp nên đã cử hiệu phó và giáo viên đến viện thăm cháu. Khi về, các cô báo cáo cháu chỉ bị trật khớp thôi nên tôi nghĩ may quá. Đến chiều trong cuộc họp với phòng GD&ĐT và phụ huynh có hỏi tôi: “bà có biết con tôi bị như thế nào không?”, Do tôi chưa trực tiếp đến  thăm cháu nên tôi nói, cháu chỉ bị trật khớp. 

Sự việc xảy ra ngày 28/8 nhưng một ngày sau, kết quả chụp X.quang cho thấy bé bị gãy chân, phải phẫu thuật bà vẫn trả lời báo chí rằng, gia đình dựng chuyện để vu vạ cho nhà trường. Tại sao bà lại nghĩ như vậy? 

Tôi không biết đã trả lời báo chí lúc nào.Tôi khẳng định, không trả lời báo chí như vậy. Tôi đã cử hiệu phó lên và được báo cáo lại nên trong cuộc họp với gia đình tôi chỉ nói cháu bị trật khớp. Thật ra, nếu tôi đã lên thăm cháu mà nói như vậy là sai còn tôi bận họp được nghe qua báo cáo nên tôi nói vậy. Tôi cũng nói, trật khớp xương cũng quan trọng nhưng việc xảy ra rồi thì nên cùng nhau giải quyết.

PV: Chúng tôi có bằng chứng khẳng định là sau khi cháu bé vào viện, bà đã trả lời là gia đình dựng chuyện, vu vạ cho nhà trường.

Trong nhà trường đã xảy ra sự việc như thế. Đây là chuyện không thể tránh được. Đến chiều qua, tôi đã đến thăm và xin lỗi gia đình rồi nhưng hôm đó, lúc thì họ đẩy cho tôi thông tin cháu đang bị hôn mê lúc thì tin này, tin khác. Sau đó, nhiều nhà báo hỏi liên tục về sự việc nên tôi đã trả lời như vậy. 

Đặt vai trò là người mẹ, người bà có cháu bị gãy chân trong trường học và hiệu trưởng trả lời như thế bà sẽ thấy thế nào? 

Thật ra, nếu như đặt địa vị tôi người nhà cháu bé, khi chưa xác minh được việc bố mẹ cháu bé xử sự như vậy không đúng với tôi. Còn tôi chưa hiểu, chưa nắm được chuyện thì ứng xử như thế là bình thường. Còn nếu tôi biết chuyện rồi mà vẫn xử sự như thế là không chấp nhận được. Khi biết cháu bé gãy chân, tôi cũng rất là xót chứ không. Việc này nếu xử lý với nhau sẽ rất đơn giản. Tôi cũng lấy làm tiếc.

Xin cảm ơn bà!

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.