Philippines hiện đại hóa hải quân khi biển Đông 'dậy sóng'

Tàu tuần tra xa bờ  BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines Ảnh: Philstar
Tàu tuần tra xa bờ  BRP Ramon Alcaraz của Hải quân Philippines Ảnh: Philstar
TP - Hải quân Philippines đang nỗ lực hiện đại hóa trang thiết bị, mua thêm tàu chiến, trong bối cảnh Trung Quốc gần đây liên tục xâm phạm vùng biển nước này, nhà báo Jaime Laude (Philippines) viết bài gửi Tiền Phong.

Do thiếu tàu thuyền và trang thiết bị hiện đại nên năng lực hoạt động trên biển của Hải quân Philippines còn yếu. Trong khi đó, kể từ tháng 2 năm nay, tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển Balabac ở tỉnh đảo Palawan và eo biển Sibutu ở tỉnh đảo Tawi-Tawi của Philippines mà không chịu thông báo, không chịu xác nhận danh tính khi tàu Philippines tiếp cận và yêu cầu tuân thủ quy định.

Các tàu chiến Trung Quốc cũng tắt hệ thống định vị tự động, gây khó khăn cho các lực lượng của Philippines trong việc theo dõi, giám sát. Ngoài tàu chiến, Trung Quốc cũng cử tàu nghiên cứu vào vùng đặc quyền kinh tế của Philippines mà không xin phép trước. 

Để xử lý tình trạng trên, Hải quân Philippines đang tăng cường các hoạt động giám sát trên biển, nhất là các vùng biển gần bờ. Cuối tháng 8, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói rằng, Philippines có năng lực hạn chế trong việc phản ứng với sự xâm nhập của tàu nước ngoài vì thiếu phương tiện, nguồn lực. Sau đó, lãnh đạo lực lượng hải quân Philippines, phó đô đốc Robert Empedrad nói với các phóng viên rằng Philippines đang hiện đại hóa hải quân. “Chúng ta đang nâng cao năng lực giám sát ven biển để bù đắp cho những yếu kém trên biển xa. Đó là lý do chúng ta phải hiện đại hóa hải quân”. 

Giám sát ven biển là việc Hải quân Philippines tuần tra ở các vùng biển ven bờ, không dùng đến nhiều tàu lớn và nhân lực trình độ cao, để dành nhân lực, vật lực cho các khu vực chiến lược của Philippines, bao gồm Palawan và Tawi-Tawi.

Tuy nhiên, ông Empedrad cũng cho biết thêm, Hải quân Philippines đang nâng cao năng lực hoạt động trên cả những vùng biển ngoài xa. Lực lượng này sẽ tiếp nhận hai tàu hộ tống hoàn toàn mới do công ty Hàn Quốc Hyundai Heavy Industries đóng với chi phí khoảng 28 tỷ peso. Hyundai cũng là công ty vừa đóng mới hai tàu khu trục cho Hải quân Philippines. Hai tàu khu trục tên lửa này sẽ được chuyển giao cho Philippines lần lượt vào năm 2020 và 2021.

Phó đô đốc Empedrad nói rằng, Hải quân Philippines cũng sẽ tiếp nhận thêm nhiều tàu tuần tra xa bờ và tăng số lượng tàu trong hạm đội tấn công đa nhiệm của mình.

Hải quân Philippines đang chạy thử một tàu hộ tống mới lớp Pohang tên là BRP Conrado Yap (PS39). Sau khi chạy thử qua nhiều vùng biển, ghé nhiều cảng, tàu sẽ chính thức được triển khai ở tỉnh Mindanao hoặc Palawan.

Ông Empedrad cũng cho biết, Hải quân Philippines đang chỉnh sửa lần cuối dự thảo quy định liên quan các tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển của Philippines, đặc biệt là những tàu không chịu tuân theo yêu cầu của Hải quân Philippines, không chịu nói rõ danh tính.

Việc soạn thảo các quy định và thủ tục này được đề cập trong lệnh của Tổng thống Rodrigo Duterte gửi tới Bộ Quốc phòng nước này, chủ yếu nhằm xác định xem tàu Trung Quốc đi vào vùng biển Philippines một cách trái phép thuộc dạng “thân thiện” hay “không thân thiện” để lực lượng hải quân, lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Philippines có động thái xử lý phù hợp. 

“Ý tưởng của chúng tôi là, một khi tàu nước ngoài đi vào vùng biển của chúng ta, trạm theo dõi ven biển sẽ phát hiện ra. Nếu lúc đó chúng ta có sẵn tàu thì chúng ta sẽ ra lệnh cho tàu bám theo, đi cùng tàu nước ngoài, mặc định là tàu đó xâm nhập trái phép”, phó đô đốc Empedrad nói và cho biết, trong trường hợp nghiêm trọng, tàu Hải quân Philippines sẽ bơi cắt mặt tàu nước ngoài xâm phạm, nhưng tàu hải quân không có hành động gây hấn. “Chúng ta sẽ không có hành động gây hấn. Chỉ di chuyển để nói với họ rằng, liên tục nói với họ rằng họ đang đi qua vùng biển của chúng ta”, phó đô đốc Empedrad nói.

Diễn tập chung trên biển

Ngày 2/9, tại căn cứ hải quân Sattahip của Thái Lan, Hải quân Mỹ và hải quân ASEAN bắt đầu cuộc diễn tập chung trên biển đầu tiên với sự đồng chủ trì của phó đô đốc Hải quân Thái Lan Charoen Ponkumratsi và chuẩn đô đốc Hải quân Mỹ Kenneth Whitesell.
Hải quân Philippines đã cử tàu tuần tra xa bờ  BRP Ramon Alcaraz (PS16) tới tham gia cuộc diễn tập kéo dài 5 ngày. Trong khi đó, tàu hộ tống lớp Pohang mà Hải quân Philippines mới tiếp nhận sẽ ghé thăm nhiều cảng ở nước này để kiểm nghiệm khả năng chịu tải của động cơ.

Theo Bình Giang (dịch​)
MỚI - NÓNG