Xử tham nhũng vẫn còn 'trên nóng, dưới lạnh'

Thượng tướng Lê Qúy Vương
Thượng tướng Lê Qúy Vương
TP - “Có một số vụ rất to nhưng khi xử lại chỉ có tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ quyền hạn, không thấy tội tham nhũng. Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là vụ AVG thì thấy có, còn nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng”, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Tư pháp, chiều 3/9.

Tại phiên họp, đề cập lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, kể từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018); 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).

Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản.

Khó quá không điều tra ra?

Theo ông Lê Qúy Vương, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT, như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc TPHCM - Trung Lương.

Cùng với đó, hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Ví dụ điển hình được đưa ra là vụ 3 cán bộ thuộc Đoàn thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ khi tiến hành thanh tra tại huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

Đề cập lĩnh vực này, đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn khi tội tham nhũng lại nhập chung vào một loạt tội phạm khác về kinh tế, buôn lậu. Đặc biệt, loại tội tham nhũng lại thấy rất ít trong khi tình hình thực tế lại không hẳn như vậy.

Theo ông Nghĩa, “tham nhũng vặt” như vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ cũng là vấn đề nghiêm trọng, nếu nhập chung với các loại tội phạm khác thì chưa phản ánh hết tình hình. Một số vụ “rất to” được dư luận quan tâm, theo ông Nghĩa, khi ra tòa xét xử, lại chỉ thấy tội “cố ý làm trái”, “lạm dụng chức vụ quyền hạn” mà không hề thấy tham nhũng.

“Chỉ có vụ báo đài đăng và nhân dân đang chờ đợi là vụ AVG thì thấy có, còn nhiều vụ nằm trong diện chỉ đạo phòng chống tham nhũng nhưng không thấy hành vi tham nhũng. Kể cả vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng cũng không có yếu tố tham nhũng. Thực sự như vậy hay khó quá không điều tra ra?”, ông Nghĩa nêu.

Vụ Thanh tra Bộ Xây dựng không phải “tham nhũng vặt”

Có cùng mối quan tâm về vấn đề tham nhũng, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng cho biết, cử tri kêu rất nhiều về nạn tham nhũng vặt. Chưa có phong bì, lót tay thì chưa xử lý công việc, gây bức xúc trong nhân dân. Đại biểu Hùng cho rằng, cần có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng này.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải là tham nhũng vặt. “Thực ra, tham nhũng vặt là nhũng nhiễu chứ tham nhũng theo quy định tại Bộ Luật Hình sự, cứ 2 triệu đồng là bắt đầu truy tố rồi. Mức khởi điểm của tội tham ô là 2 triệu đồng, dưới 100 triệu là hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Đó là cách nói thông thường thôi, còn trong khái niệm của luật thì không có tham nhũng vặt. Riêng vụ Thanh tra Bộ Xây dựng nhận đến mấy trăm triệu thì không thể là tham nhũng vặt”, bà Nga nói.

Về lĩnh vực này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp cho rằng, mặc dù các cơ quan đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Đáng lưu ý, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng gây bức xúc trong nhân dân.

Ví dụ điển hình được nhóm nghiên cứu đưa ra như vụ một số cán bộ Đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng bị Công an tỉnh Vĩnh Phúc bắt quả tang đang nhận hối lộ; vụ 5 cán bộ của Thanh tra nhà nước tỉnh Thanh Hóa bị bắt quả tang nhận hối lộ. Tuy nhiên, việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ. Hôm nay (4/9), Ủy ban Tư pháp tiếp tục phiên họp toàn thể, nghe các cơ quan tư pháp giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu đặt ra.

Tại phiên họp, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) đặt câu hỏi: Vụ Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), phần liên quan dự án Đa Phước đến lúc nào thì chúng ta mới xử lý được? “Tôi nhận ủy thác của Bí thư Thành ủy, đề nghị các đồng chí quan tâm đến vụ này, sớm giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho Đà Nẵng trong việc phát triển kinh tế xã hội của thành phố trong thời gian sắp tới”, ông Sơn nói.

Nhóm nghiên cứu của Ủy  ban Tư pháp nêu: Các vụ án liên quan đến tiêu cực trong tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở một số địa phương hiện nay đã được kết luận điều tra, có vụ đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, dư luận và cử tri còn băn khoăn và đề nghị làm rõ động cơ của việc nhận tiền để làm sai lệch kết quả thi.

MỚI - NÓNG