Hàng trăm nghị sĩ Anh gửi thư đề nghị giúp người Hong Kong

Một lá cờ Anh bay giữa biểu tình Hong Kong. (Ảnh: SCMP)
Một lá cờ Anh bay giữa biểu tình Hong Kong. (Ảnh: SCMP)
TPO - Ủy ban nhân quyền thuộc đảng Bảo thủ Anh vừa gửi lên Ngoại trưởng Anh Dominic Raab bức thư tập hợp chữ ký của khoảng 130 nghị sĩ và thành viên các đảng khác để thúc giục giúp đỡ người Hong Kong nếu họ muốn rời khỏi thành phố.

Bức thư không đề nghị cấp quyền công dân Anh cho người dân Hong Kong mà thúc giục ông Raab khi tham dự hội nghị của các lãnh đạo khối Thịnh vượng chung ở Rwanda sắp tới hãy tìm kiếm ủng hộ cho “chính sách bảo đảm quốc tế” cho người dân Hong Kong.

 “Điều này phải bao gồm quyền công dân thứ hai và quyền chuyển nơi ở, đặc biệt khi giữa chúng ta còn có lịch sử chung”, bức thư viết.

“Nhiều nước trong khối Thịnh vượng chung – chia sẻ các giá trị đang bị đe dọa ở Hong Kong – có thể rất sẵn sàng hỗ trợ cung cấp những bảo đảm như vậy, đặc biệt đối với những người đã đưa thành phố trở thành một trung tâm kinh tế”, bức thư nói.

Bức thư nói rằng cách làm đó sẽ cho thấy nước Anh nghiêm túc hỗ trợ Hong Kong “trên mỗi bước đi” như Thủ tướng Boris Johnson nói không lâu sau khi trở thành lãnh đạo đảng Bảo thủ.

Theo số liệu ước tính của chính phủ Anh năm 2015, có khoảng 3,4 người đang mang hộ chiếu Anh ở nước ngoài. Người Hong Kong được quyền cấp hộ chiếu này trước khi thành phố trở về với Trung Quốc năm 1997.

Trong khi đó, Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam hôm nay nói rằng bà rất tiếc trước sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề của thành phố, và tình trạng bạo lực leo thang không thể giải quyết các vấn đề xã hội ở đây.

“Can dự vào các vấn đề nội bộ của Hong Kong...điều này hoàn toàn không cần thiết”, bà Lam nói để trả lời câu hỏi về Đạo luật chính sách Hong Kong mà các nghị sĩ Mỹ đang thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua.

Thượng nghị sĩ Mỹ Chuck Schumer đang thúc đẩy một dự luật của lưỡng đảng nhằm yêu cầu phải đánh giá hằng năm cơ chế đối xử đặc biệt đối với Hong Kong, bao gồm các đặc quyền về kinh doanh và thương mại.

Dự luật cũng quy định rằng các quan chức ở Trung Quốc và Hong Kong đóng vai trò làm suy yếu quyền tự trị của thành phố có thể bị trừng phạt.

“Theo Luật Cơ bản, Hong Kong được hưởng quyền tự trị mức độ cao trong việc triển khai các vấn đề với bên ngoài. Nhưng những vấn để đó phải mang lại lợi ích cho cả hai phía”, bà Lam nói trong cuộc trả lời báo chí.

“Bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng tôi có hoặc áp dụng riêng cho Hong Kong đều không chỉ vì riêng lợi ích của Hong Kong”, bà nói. Bà cho biết đang có khoảng 1.400 công ty Mỹ ở Hong Kong hưởng lời từ quan hệ song phương tích cực giữa Mỹ và Hong Kong.

Về tình trạng bạo lực cuối tuần qua, bà Lam nói rằng việc rút dự luật dẫn độ và các biện pháp khác là nhằm mở đường đối thoại với người dân Hong Kong.

“Ưu tiên trước hết để khôi phục hòa bình và trật tự ở Hong Kong là tất cả người dân phải nói không với bạo lực”, bà nói.

Hong Kong rơi vào đợt khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ từ khi dự luật dẫn độ châm ngòi cho biểu tình quy mô lớn từ đầu tháng 6.

Tuần trước, bà Lam thông báo rút dự luật, nhưng bước đi này bị đánh giá là quá ít và quá muộn. Tình hình biểu tình ở thành phố này tiếp tục căng thẳng.

Theo theo SCMP, CNA
MỚI - NÓNG