Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông

TPO - Gần nửa tháng sau hoả hoạn nghiêm trọng ở khu nhà xưởng Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, người dân Hà Nội vẫn đang chờ câu trả lời của Hà Nội và các bộ, ngành về nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân từ vụ cháy.
Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 1

“Tường nhà tôi bị nứt toác từ tầng 1 đến tầng 4. Nhiều trang thiết bị trong nhà như điều hòa, nồi cơm điện, máy giặt, quần áo, sách vở không thể chạy kịp… bị cháy và biến dạng không thể dùng được”, anh Trần Anh Minh (số nhà 68A, ngõ 342 Khương Đình) chưa hết bàng hoàng khi nói về hệ luỵ sau vụ cháy nhà xưởng Cty Bóng đèn phích nước Rạng Đông đêm ngày 28/8/2019.

Căn nhà của anh Minh nằm trong số 7 hộ dân bị ảnh hưởng nặng nhất sau vụ cháy. Hiện, anh Minh và gia đình đã thu dọn đồ đạc chuyển đến phòng trọ gần đó để sống tạm vì sợ ngôi nhà của mình có thể bị sập bất cứ lúc nào.

“Ở đây rất nguy hiểm, tường nhà thì nứt, xung quanh lúc nào cũng có mùi hóa chất độc hại nên gia đình phải thuê nhà cách đây khoảng 400m để sống tạm. Thỉnh thoảng mọi người trong gia đình tạt qua để kiểm tra xem nhà có dấu hiệu đổ hay không”.

Theo anh Minh, khi đám cháy lan sang nhà, số tiền gia đình để trên tủ tầng 3 đã bị cháy, mọi chi phí khi dọn ra ngoài ở được người thân và hàng xóm hỗ trợ mỗi người một ít.

“Gia đình tôi rất mong cơ quan chức năng, chính quyền các cấp vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy. Ai sẽ chịu trách nhiệm với hỏa hoạn này? Ai sẽ là người bồi thường thiệt hại cho gia đình chúng tôi và những hộ dân xung quanh”, anh Minh chia sẻ.

Ông Nguyễn Sỹ Tiến (số nhà 64, ngõ 342 Khương Đình) cho biết, hỏa hoạn khiến nhiều tài sản của nhà ông cháy sạch, gồm điều hòa, tủ lạnh, ti vi, bếp ga, quần áo... Theo ông Tiến, sau vụ cháy, căn nhà của ông bị niêm phong, đến sáng 4/9, cơ quan chức năng tiếp tục cho người đến chụp ảnh hiện trường, người dân được di chuyển nốt một số đồ đạc còn sử dụng được ra ngoài.

Ông  Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban quản trị Chung cư 54 Hạ Đình cho biết, hiện nay chỉ còn vài nhà bám trụ, còn hầu hết đã di tản do lo ngại ảnh hưởng sức khoẻ sau vụ cháy nhà xưởng Cty Rạng Đông.

Theo ông Tiến, tình trạng di tản diễn ra từ những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9 nhưng thời điểm đó do trùng dịp nghỉ lễ 2/9 nên chưa chắc chắn có phải di tản do ảnh hưởng vụ cháy hay không. Tuy nhiên, thời điểm đó đã có những hộ thuê xe ô tô đến dọn đồ đi nơi khác ở.

“Đến nay thì đi gần hết rồi và có thể khẳng định là di tản do lo ngại ảnh hưởng đến sức khoẻ sau vụ cháy. Chỉ còn vài nhà bám trụ lại”, ông Tiến thông tin, đồng thời cho biết, trước đây khoảng sân chung cư đón rất nhiều người dân và trẻ con đến chơi buổi tối, nhưng bây giờ chung cư gần như sạch bóng trẻ con. Mọi năm vào dịp này chung cư cũng tổ chức lễ trung thu cho các cháu nhưng năm nay chắc không tổ chức được vì không còn trẻ con trong chung cư.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 2

 Hỏa hoạn khiến tài sản của nhiều gia đình cháy sạch, gồm điều hòa, tủ lạnh, ti vi, bếp ga, quần áo...

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 3
 

Sáng 5/9, người dân quanh khu vực hiện trường vụ cháy kéo đến tập trung bên ngoài trụ sở Cty Rạng Đông (Thanh Xuân, Hà Nội) để đòi gặp lãnh đạo Cty.

“Sau khi chúng tôi nghe kết quả quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy nồng độ thủy ngân gấp 10 - 30 lần ngưỡng cho phép thì rất hoang mang. Chúng tôi muốn đối thoại với lãnh đạo Cty Rạng Đông để bày tỏ những lo lắng từ sau khi xảy ra vụ cháy. Chúng tôi muốn mời đại diện Cty sang khảo sát hiện trạng cuộc sống của cư dân. Thậm chí phải tổ chức cho các cụ già, em nhỏ đi xét nghiệm”, ông Vũ Ngọc Tuấn, đại diện nhóm cư dân nói.

Còn ông Đỗ Văn Việt (70 tuổi) cho rằng, sau vụ cháy, Cty đã có văn bản gửi lời cảm ơn đến lực lượng phòng cháy chữa cháy và động viên công nhân viên tiếp tục sản xuất bình thường, tuy vậy lại không có bất kỳ sự chia sẻ và cung cấp thông tin với người dân, những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi vụ cháy.

“Chúng tôi cần thông tin rõ ràng từ phía Cty để yên tâm và sớm ổn định cuộc sống. Một số người dân có những dấu hiệu ảnh hưởng sức khỏe, nếu bệnh viện kết luận nguyên nhân là do ảnh hưởng của vụ cháy thì tôi nghĩ phía Cty cũng phải có một phần trách nhiệm”, ông Việt nói và cho biết cuộc sống gia đình ông cũng bị đảo lộn sau vụ cháy ngày 28/8.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 4 Tình trạng di tản diễn ra từ những ngày cuối tháng 8, đầu tháng 9
Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 5
Ngày 29/8, một ngày sau khi xảy ra vụ cháy, lãnh đạo UBND phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) ra thông báo khuyến cáo người dân trên địa bàn. Cụ thể, UBND phường Hạ Đình khuyến nghị người dân không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Cần sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày.
Để hạn chế tác hại của khói bụi, phường Hạ Đình đề nghị các gia đình tự theo dõi sức khỏe của các thành viên. Nếu có biểu hiện ho, khó thở, đau ngực, sốt bất thường thì phải đưa đi khám tại các bệnh viện để có biện pháp xử lý kịp thời. Không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính 1km kể từ tâm đám cháy.

Về vấn đề vệ sinh môi trường sau cháy, phường Hạ Đình khuyến nghị người dân thay toàn bộ quần áo có nhiễm khói bụi do cháy - bằng cách giặt nước sạch nhiều lần. Sau đó ngâm xà phòng nóng từ 70-80 độ trong vòng 30 phút, ngâm tiếp 20 phút với nước tẩy quần áo, rồi xả sạch bằng nước sạch nhiều lần. Vệ sinh toàn bộ ngoại cảnh, bao gồm bể nước, cây cối ban công, tường cửa bằng nước xà phòng đặc 2-3 lần. Sau đó rửa lại bằng nước sạch nhiều lần. Thau rửa tất cả các vật dụng chứa nước, sinh hoạt có bám bụi bằng xà phòng 2-3 lần và nhiều lần bằng nước sạch. Tiêu hủy các loại rau, trái cây tự trồng trong vòng bán kính 500m. Nếu có trồng tiếp tục nên thay đổi đất, dung dịch thủy canh mới, để đảm bảo không bị ô nhiễm với các loại cây cảnh cũng tiến hành phun rửa nhiều lần bằng nước sạch để trôi bụi do cháy...

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 6

Nhưng điều ngạc nhiên, ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân yêu cầu thu hồi văn bản này vì ra không đúng thẩm quyền, không đủ cơ sở. Trao đổi với báo chí, đại diện lãnh đạo quận Thanh Xuân cho biết, văn bản đó gây hoang mang cho người dân, bởi theo kết quả kiểm tra nhanh của các cơ quan chức năng thuộc Sở TN&MT, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế)... thì các chỉ số môi trường đều ở ngưỡng an toàn.

Lạ ở chỗ, chính lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường phủ nhận kết quả công bố của quận Thanh Xuân!

Ngày 31/8, Sở TN&MT Hà Nội có báo cáo nhanh gửi Thành ủy, UBND thành phố và Bộ TN&MT tình hình khắc phục sự cố môi trường, khẳng định, kết quả test nhanh thông số thủy ngân tại 5 vị trí (mẫu đất tại vườn hoa nhà máy, mẫu đất tại rìa vườn hoa trung tâm, mẫu đất tại gốc cây sát đường nội bộ và 2 mẫu tro tại khu vực có đám cháy) cho thấy nồng độ thủy ngân tại các vị trí trên đều bằng 0mg/m3 (microgam/mét khối).

Ngày 4/9, tại cuộc họp báo Chính phủ, lãnh đạo Bộ TN&MT thông tin kết quả quan trắc sau vụ cháy cho thấy, 1/12 mẫu nước mặt được thu thập vượt hàm lượng thủy ngân 1,3 lần so với ngưỡng khống chế (mẫu nước sông Tô Lịch, đoạn ngõ 320 Khương Đình- cống xả thải của nhà máy Rạng Đông); 1/8 mẫu nước thải tại nhà máy vượt 1,26 lần tiêu chuẩn. Ngoài ra cũng có mẫu bùn thải vượt về hàm lượng thủy ngân đến 6,1 lần, cách vị trí cống xả thải của nhà máy 1 km trên sông Tô Lịch.

Một số lao động làm thuê gần khu vực xảy ra đám cháy cho biết, chính vì được nghe thông báo đầu tiên an toàn về môi trường nên tiếp tục làm việc từ sau vụ cháy đến nay, nhưng khi nghe lại thông tin từ lãnh đạo Bộ TN&MT, đã phải đi khám sức khỏe vì thấy tức ngực, hay hắt hơi, ăn ngủ không như trước...

Và Hà Nội, sau khi cho rằng môi trường ở ngưỡng an toàn, lại ra văn bản khuyến cáo người dân các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu các tác động sau vụ cháy, trong đó có một số nội dung giống như cảnh báo của UBND phường Hạ Đình bị thu hồi từ gần chục ngày trước.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 7
Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 8

Tại cuộc họp với UBND thành phố Hà Nội ngày 5/9, ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc trực thuộc Tổng cục Môi trường đã sử dụng “bẫy vàng” - công nghệ tiên tiến nhất thế giới để quan trắc thủy ngân trong vụ cháy.

Ông Thức cho biết, đây là đơn vị duy nhất trong cả nước có công nghệ này vì vừa được tham gia vào Mạng lưới quan trắc phát thải thủy ngân của Mạng lưới môi trường Đông Á do Nhật Bản đứng đầu. Nhờ vậy, cán bộ được tập huấn, đào tạo chuyên sâu, các kỹ thuật quan trắc để phân tích được lượng thủy ngân trong không khí nhờ thiết bị tiên tiến.

Ông Thức khẳng định “không phải di dân” ra khỏi khu vực ảnh hưởng của vụ cháy, tuy vậy, kết quả quan trắc cho thấy thủy ngân cũng đã phát tán ra môi trường và nằm trong ngưỡng Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung lại cho rằng, thành phố Hà Nội cũng có lắp đặt thiết bị của Pháp, đạt tiêu chuẩn châu Âu có thể xác định các chỉ số rất chính xác.

Trước những khác nhau về thông tin liên quan đến vụ cháy như số lượng thủy ngân bị cháy, chỉ số môi trường sau vụ cháy... ông Chung yêu cầu công an thành phố chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra thu thập các tài liệu liên quan, trưng cầu các cơ quan độc lập để có con số chính xác nhất, có thể mời cả các chuyên gia nước ngoài..

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, trong quá trình khắc phục hậu quả vụ cháy, thành phố đã mời các đơn vị chuyên môn quan trắc chất lượng không khí, ảnh hưởng đối với môi trường đất và nước. Đối chiếu với quy chuẩn, cơ quan chức năng đã đưa ra khuyến cáo để hạn chế tác động, ảnh hưởng của vụ cháy; khuyến cáo các biện pháp khắc phục hậu quả để hạn chế tác động đối với môi trường, sức khỏe nhân dân...

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 9Cột khói lửa vụ cháy nhà kho Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông chiều tối 28/8
Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 10

Sau cuộc họp với UBND thành phố, ngày 5/9, tức là gần 10 ngày sau vụ cháy, Cty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới gửi thư xin lỗi tới lãnh đạo thành phố, quận, phường và nhân dân ở gần nhà máy.

Dịp này, Cty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông bị phát hiện có báo cáo gian dối liên quan đến thủy ngân. Cụ thể, văn bản của UBND quận Thanh Xuân, Hà Nội chiều 30/8 nêu: “Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông đã nghiên cứu sử dụng loại amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016”.

Tuy nhiên, thông tin của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay: Công ty Rạng Đông thừa nhận dùng thủy ngân lỏng (độc hại hơn) trong 480.000 sản phẩm đèn huỳnh quang bị cháy.Văn bản của UBND quận Thanh Xuân được nói là dựa vào báo cáo của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông (Cty Rạng Đông).

Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng”

Ngoài việc “nói lấp lửng” sử dụng amalgam thay thế thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sử dụng từ năm 2016, báo cáo còn nêu: “Ngay từ ngày 29/8, tất cả cán bộ, công nhân viên tham gia chữa cháy từ ngay sau khi đám cháy được dập tắt đã đến công ty dọn dẹp và chuẩn bị cho sản xuất, sức khỏe ổn định. Ngày 30/8/2019, các xưởng sản xuất của công ty trở lại sản xuất bình thường”.

Tổng cục Môi trường khẳng định: “Qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8/2019 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng thủy ngân lỏng”. Thủy ngân lỏng có độc tính cao hơn amalgam, dù amalgam là hỗn hợp thủy ngân với chất khác.

Tổng cục Môi trường cho biết, chỉ có 1/12 mẫu không khí có nồng độ thủy ngân vượt quy chuẩn của Việt Nam 1,02 lần (giá trị đo trung bình 24 giờ). Mẫu không khí này lấy tại vị trí trong nhà kho đã bị cháy, sập mái, thông với môi trường không khí bên ngoài. So với tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tiêu chuẩn của Cơ quan đặc trách về các chất độc hại và theo dõi bệnh tật của Mỹ (ATSDR) thì kết quả này vượt 1,532 lần ngưỡng rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Các mẫu không khí còn lại tại các vị trí trước cửa trạm oxy bên trong Công ty, phía bên ngoài tường khu nhà kho bị cháy cạnh khu dân cư 342 Khương Đình, cách Công ty 200m, 500m và 1.000 m có dư lượng thủy ngân trong không khí bảo đảm chất lượng môi trường không khí xung quanh theo quy chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn khuyến cáo của WHO, ATDSR.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Môi trường, các kết quả quan trắc nêu trên chỉ phản ánh hiện trạng môi trường sau 2 - 5 ngày xảy ra sự cố cháy nổ. Trong quá trình cháy, hầu hết lượng thủy ngân trong các bóng đèn đã phát tán ra môi trường cùng với khói và khí thải của đám cháy độc hại gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Theo dữ liệu khí tượng thủy văn và mô hình lan truyền ô nhiễm, ước tính phạm vi phát tán tối đa của khói thải khoảng 1,5 km, phạm vi ô nhiễm khoảng 200m tính từ tường rào của Công ty và theo hướng gió có thể ảnh hưởng đến khoảng cách 500m.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 11
Văn phòng Chính phủ ngày 9/9 có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Thủ tướng yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường, đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo ký hoạch đã được chỉ đạo.
Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 12Cán bộ Viện Hóa học Môi trường Quân sự lấy mẫu vật tại hiện trường vụ cháy. 

Cùng ngày, Bộ Tư lệnh Thủ đô có văn bản gửi Cục Cứu hộ Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), báo cáo về công tác tổ chức, chỉ đạo ứng phó, phối hợp khắc phục hậu quả sự cố cháy tại Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông vào ngày 28/8.

Theo đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tham mưu cho UBND thành phố tiến hành khảo sát, quan trắc, lấy mẫu môi trường để phân tích, đánh giá chất lượng môi trường tại nhiều vị trí bên trong và xung quanh khu vực bị cháy.

Chiều 6/9, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã phối hợp với Bộ Tư lệnh Hoá học lấy 23 mẫu môi trường tại khu vực bị cháy, cống nước thải của Công ty Rạng Đông và Công ty Thể thao Động lực, nước sông Tô Lịch để làm xét nghiệm, phân tích, đánh giá hiện trạng ô nhiễm, làm cơ sở xây dựng phương án tiêu tẩy, khắc phục môi trường.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 13

Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, trong các ngày 6 - 7/9/2019, Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở TN&MT Hà Nội) đã phân công cán bộ hàng ngày kiểm tra việc thực hiện triển khai các biện pháp khắc phục sự cố môi trường tại Công ty.

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, Công ty Rạng Đông đã thực hiện các biện pháp: Che phủ toàn bộ khu vực cháy bằng bạt để tránh tro xỉ tiếp xúc với nước mưa và tránh tro bay vào khu vực dân cư xung quanh; xây bờ be xung quanh khu vực cháy nhằm cho nước bên trong khu vực bị cháy chảy ra ngoài môi trường; lắp đặt dàn phun nước để làm mát, khống chế nhiệt độ khu vực bị cháy không vượt quá 30 độ C, hạn chế thủy ngân trong khu vực cháy bay hơi ra môi trường không khí xung quanh khi có nhiệt độ cao. Công ty đã thuê Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình tiến hành hút bùn và nước thải tại toàn bộ các hố gas xung quanh nhà máy.

Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị quan trắc tiếp tục tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500m. Theo đó, đối với môi trường nước thải, đã tiến hành quan trắc, lấy mẫu tại 5 vị trí: Điểm xả cuối trong nhà máy; Hố gas thoát nước, cách xưởng cháy 100m; Hố gas trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng; Cống xả ra sông Tô Lịch; Hố ga trong khu dân cư, ngõ 342 Khương Đình.

Kết quả phân tích so sánh với QCTĐHN 02:2014/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cho thấy, duy nhất thông số COD tại Hố gas trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông là 821mg/l (vượt 5,47 lần); còn lại tất cả các thông số, bao gồm cả thủy ngân tại 5 vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép.Đối với không khí xung quanh, ngày 6/9/2019, đã lấy mẫu tại 6 vị trí: Giáp cổng công ty Động Lực; cổng chào tổ dân phố số 10 dân cư số 5 ngõ 342 Khương Đình; cổng nhà máy nước Hạ Đình; số nhà 54, ngõ 190 Hạ Đình; giáp cổng giữa sân trường tiểu học Hạ Đình; số nhà 1B ngõ 138, giáp nhà hội họp tổ 27.

Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy: Các thông số: Vi khí hậu, Pb (trung bình 24 giờ), Zn đều nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện thấy Hg - thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí.

Tuy nhiên, vẫn còn một số các chỉ tiêu: SO2, Benzen, Toluen, Bụi tổng tại một số vị trí xung quanh, nhất là vị trí giáp cổng Công ty Động Lực vẫn còn vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.Vị trí trong sân trường tiểu học Hạ Đình (có khoảng cách 550m đến tường rào Công ty), tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh).Ngày 7/9/2019, Chi cục Bảo vệ môi trường đã trưng cầu đơn vị quan trắc có đủ năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc và tư cách pháp nhân tiến hành lấy mẫu thủy ngân trong không khí xung quanh ở các vị trí: Tại khu vực cháy; các vị trí cách vụ cháy 200m, 500m và tại trường Tiểu học Hạ Đình. Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí dưới ngưỡng quy định tại QCVN 06:2009/BTNMT.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 14Sáng 29/8, lực lượng PCCC vẫn phun nước vào khu vực kho xưởng của Công ty Bóng đèn phích nước Rạng Đông để dập tắt hoàn toàn đám cháy
Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 15

Từ vụ cháy nhà xưởng Cty Bóng đèn phích nước Rạng Đông, theo thống kê của cơ quan chức năng Hà Nội, không chỉ trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhà xưởng xen lẫn khu dân cư có mặt ở hầu hết các quận: Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, huyện Thanh Trì…Ngay ở phường có tốc độ đô thị hóa cao, mật độ dân tăng theo cấp số nhân, phường Vĩnh Tuy hiện vẫn có trên dưới 10 nhà máy đang hoạt động, như: Nhà máy Dệt kim Đông Xuân; Nhà máy May 10 tháng 10; Nhà máy Gạch Nam Thắng; Công ty Lương thực miền Bắc…

Đại diện UBND phường cho biết, đa số các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng, tuy nhiên vẫn rất khó di dời các đơn vị này ra khỏi nội đô. Bởi lộ trình, hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào để di dời vẫn chưa có.

Nguy cơ cháy nổ tại các nhà xưởng sản xuất giữa khu dân cư đã được các cơ quan chức năng của Hà Nội chỉ ra trong nhiều năm qua. Cuối năm 2018, Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội tiến hành giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố quy định việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC 2001 có hiệu lực.

Người Hà Nội chờ câu trả lời về nguy cơ nhiễm độc sau vụ cháy Rạng Đông ảnh 16

Các chuyên gia đánh giá vụ cháy tại Công ty Rạng Đông là "thảm họa môi trường"

Làm việc với Sở Công Thương, Đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội chỉ ra:Còn hàng trăm cụm công nghiệp, xưởng sản xuất, các cơ sở kinh doanh xăng dầu xen lẫn khu dân cư, chợ, trung tâm thương mại ở các chung cư dễ xảy ra cháy nổ.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam cho hay: Các trung tâm thương mại nằm ở các chung cư khiến ông rất lo ngại về nguy cơ cháy nổ. Những nơi này thậm chí bịt cả cầu thang thoát nạn. Cùng với đó, cụm, điểm làng nghề chưa được rà soát. Ngoài việc quan tâm đến nước thải, phải quan tâm đến mất an toàn PCCC. Cần phải bổ sung vào danh sách theo dõi”.Ông Nam cũng nhắc đến nguy cơ mất an toàn cháy nổ tại các trạm biến áp, các hệ thống điện tại các chung cư cũ, các khu nhà xưởng...

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Trong 86 cụm công nghiệp, có 19 cụm do doanh nghiệp làm chủ đầu tư, vấn đề PCCC cơ bản được đáp ứng. Còn các cụm khác do ban quản lý dự án cấp quận, huyện, xã quản lý đang đầu tư dở dang. Sở đã trình văn bản lên thành phố yêu cầu kiểm tra, rà soát, bổ sung xây dựng hạ tầng còn thiếu. Ngoài ra, còn 1.350 làng nghề, làng có nghề công tác PCCC gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, mất an toàn.

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, việc di dời các cơ sở công nghiệp đã được đặt ra từ sau quy hoạch năm 1998 và thành phố đã có rất nhiều chính sách ưu tiên để di dời. Hà Nội cũng đã làm được một số trường hợp, như di dời Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Mai Động.

“Hà Nội có những cơ chế, chính sách rất ưu tiên. Nhà máy Cơ khí Mai Động, Dệt 8/3 được giới thiệu địa điểm thích hợp, hỗ trợ cán bộ, công nhân viên. Ngay như Cty Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông, cũng được giới thiệu vị trí để di dời”, ông Nghiêm nói.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội, thực tế Hà Nội vẫn chưa thực hiện quyết liệt việc di dời hết các đơn vị cơ sở công nghiệp này. Nguyên nhân được xác định là doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thích nghi với địa điểm mới. Khó khăn chủ yếu là nhiều đơn vị không đủ nguồn để thực hiện di dời. Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là thiếu sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện của cơ quan chức năng. Điển hình như khu vực Cao Xà Lá đến bây giờ vẫn chưa di dời được hết. Cũng vì thế, tồn tại một thực tế là nhiều khu nhà xưởng của cơ sở công nghiệp nằm sát vách với nhà dân.