Tiêm kích MiG-21 cổ lỗ vẫn thắng siêu chiến đấu cơ F-22, trong trường hợp nào?

MiG-21 và F-22
MiG-21 và F-22
TPO - MiG-21 và F-22 là hai đại diện chiến đấu cơ đang hoạt động nhưng thuộc hai thái cực đối lập: MiG-21 là máy bay nhẹ nhất, rẻ nhất và cũ kỹ nhất, trong khi F-22 Raptor lại là tiêm kích tàng hình tối tân: đắt đỏ nhất, hạng nặng nhất và tinh vi nhất.

MiG-21 ra đời từ năm 1959 và vẫn còn được Liên Xô sản xuất cho tới năm 1985. Sau thời gian đó, nó vẫn liên tục được các nước sử dụng nâng cấp. Dây chuyền sản xuất MiG-21 vẫn tiếp tục tại Trung Quốc cho tới tận năm 2013.

Trong khi đó, tiêm kích F-22 được sản xuất trong giai đoạn 2005-2009 nhưng cũng chỉ được xuất xưởng 75% số lượng dự kiến vì chi phí hoạt động và bảo trì quá đắt đỏ. Đối với MiG-21 và các biến thể, chỉ có số ít J-7G của Trung Quốc có thể coi là đạt mức máy bay thế hệ 4, còn đa số là máy bay mang dấu ấn của thời Chiến tranh lạnh.

Vậy đặt cạnh nhau, có thể so sánh hai chiến đấu cơ này ra sao?

Tiêm kích MiG-21 cổ lỗ vẫn thắng siêu chiến đấu cơ F-22, trong trường hợp nào? ảnh 1  

Một phân tích trên militarywatch nói F-22 như con dao mổ, còn MiG-21 có thể ví với chiếc búa tạ. Dao mổ sắc nhưng mảnh, dễ hỏng. Còn MiG-21 cực kỳ bền bỉ, có thể cất cánh nhiều lần trong ngày mà yêu cầu bảo dưỡng ở chế độ thấp nhất, hoàn toàn đối nghịch với F-22 Raptor. F-22 rất nhạy cảm với nước mưa và các điều kiện khí hậu cực đoan, đòi hỏi loại đường băng nhẵn như lau như ly. Trong khi đó, MiG-21 có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết. Tuy nhiên nó bị F-22 vượt qua ở hầu khắp các tính năng, từ tốc độ, tầm bay, trần bay, tính cơ động, trang bị vũ khí, radar, hệ thống tác chiến điện tử, khả năng sống sót.

Tiêm kích MiG-21 cổ lỗ vẫn thắng siêu chiến đấu cơ F-22, trong trường hợp nào? ảnh 2  

Và MiG-21 khó mà đảm đương việc chiếm ưu thế trên không ở thời điểm hiện nay, và không thể dùng chúng để đối địch với các tiêm kích hạng nặng tiên tiến như F-15 hay Su-27. MiG-21 chỉ thắng thế so với F-22 ở số lần cất cánh trong ngày và độ bền, các chỉ số vượt xa dòng tiêm kích con cưng của Mỹ và các tiêm kích khác đang hoạt động ngày nay. Khả năng cất cánh nhiều lần trong ngày cho phép MiG-21 mang theo nhiều vũ khí hơn trong một cuộc xung đột kéo dài, nếu so với F-22. MiG-21 có thể cất cánh hơn 20 lần/ngày để tấn công máy bay hay lực lượng mặt đất của đối phương.

Chúng ta có thể nhìn thấy lợi thế của MiG-21 được thể hiện trong không quân Syria. Yêu cầu thấp về chế độ bảo trì đã tỏ ra rất hiệu quả so với các loại máy bay hiện đại hơn và phức tạp hơn là MiG-23 và MiG-25.

Khi các lực lượng quân đội Syria chiến đấu với các nhóm phiến quân Hồi giáo trong hơn 7 năm, tiêm kích MiG-21 được sử dụng để xuất kích nhiều lần trong ngày, phóng/ném các loại bom đạn không đối đất nhằm vào các vị trí của đối phương. Khả năng xuất kích nhiều lần trong ngày của MiG-21 khiến nó trở thành thứ lý tưởng thực hiện tàn phá cấp độ tối đa cho đối phương nhưng với số máy bay ít nhất, đòi hỏi bảo dưỡng ở cấp độ đơn giản nhất. Trong khi máy bay F-22 đắt gấp hơn 100 lần so với MiG-21, nó tỏ ra kém hiệu quả hơn rất, rất nhiều lần khi thực hiện nhiệm vụ tương tự và có thể nằm đất nhiều tuần chỉ vì thiếu linh kiện thay thế.

F-22 không nghi ngờ gì, là một nền tảng được yêu thích để bảo vệ không phận quốc gia, vai trò trên chiến trường do MiG-21 đảm đương không thể nên bị coi thường. Có lẽ đây chính là lý do tuy đã tồn tại hơn nửa thế kỷ, MiG-21 và các biến thể của nó vẫn còn cất cánh hàng ngày ở thời điểm hiện tại và có thể trong một số năm tới.

MỚI - NÓNG