Đề nghị Bộ trưởng xây dựng xử nghiêm cán bộ tiếp tay sai phạm

Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội vẫn dang dở sau 4 năm yêu cầu dỡ bỏ phần tầng xây dựng trái phép. Ảnh: Mạnh Thắng.
Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội vẫn dang dở sau 4 năm yêu cầu dỡ bỏ phần tầng xây dựng trái phép. Ảnh: Mạnh Thắng.
TPO - Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ quốc hội sáng 12/9, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng và cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm để chấn chỉnh lại công tác này.

Vi phạm xây dựng có sự tiếp tay của cán bộ

Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện và công khai kết quả thanh tra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Cùng với đó, Kiểm toán nhà nước cũng kết thúc và công khai kết quả kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hay một số dự án BT, BOT…nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận.

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra, việc kiến nghị xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vẫn chủ yếu kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự, nhất là qua hoạt động kiểm toán nhà nước và theo phản ánh của dư luận là chưa tương xứng, có biểu hiện hành chính hóa quan hệ hình sự.

Đáng lưu ý, một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng trái phép.

“Cử tri cho rằng, để xảy ra sai phạm trong trật tự xây dựng tại các đô thị là có sự tiếp tay của người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước, nhất là tiêu cực của cán bộ có chức năng thanh tra xây dựng”, báo cáo thẩm tra nêu, đồng thời, đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Ủy ban các cấp kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng và cán bộ, công chức có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho vi phạm để chấn chỉnh lại công tác này trong thời gian tới.

Nhiều vụ đã chứng minh được yếu tố tham nhũng

Liên quan đến việc xử lý tội phạm tham nhũng, điểm nổi bật là nếu như trước đây, các vụ án kinh tế lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng do cơ quan điều tra không chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt nên phải xử lý về tội phạm kinh tế, thì nay nhiều vụ án đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt để xử lý nghiêm minh. Trong đó, điển hình như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền rất lớn.

Cùng với đó, nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp được đưa ra xét xử kịp thời, với hình phạt nghiêm khắc. Uỷ ban Tư pháp dẫn chứng, một số vụ án do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã được xét xử kịp thời như: Vụ Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng phạm phạm tội đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Phan Văn Anh Vũ phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; vụ Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng… Các cơ quan tư pháp tích cực trong thực hiện biện pháp nhằm bảo đảm thu hồi tài sản bị thất thoát do tham nhũng về cho nhà nước.

Chặn tham nhũng lợi ích nhóm, sân sau

Về giải pháp trong thời gian tới, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện Luật PCTN mới được Quốc hội thông qua, nhất là các quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị... để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.

Đồng thời Chính phủ cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Đặc biệt cần xác định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành trong việc để xảy ra tình trạng “tham nhũng vặt” thuộc lĩnh vực mình phụ trách.

Đối với các vụ việc, vụ án tham nhũng lớn dưới hình thức “lợi ích nhóm”, “sân sau”, cơ quan thẩm tra chỉ ra hàng loạt vụ việc sai phạm, vụ án kinh tế, tham nhũng lớn xảy ra trong thời gian qua, như vụ Công ty Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn toàn cầu AVG; vụ việc liên quan đến khiếu nại của công dân về Khu đô thị mới Thủ Thiêm; sai phạm tại Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Tổng Công ty gang thép Thái Nguyên; sai phạm trong chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn Đà Nẵng; vụ việc liên quan đến việc thực hiện các dự án BT tại tỉnh Khánh Hòa...

Trước tình hình đó, Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng để đề ra giải pháp khắc phục, phòng ngừa trong thời gian tới và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10 năm 2020.

MỚI - NÓNG