Số phận lại 'trêu ngươi' GS Hồ Ngọc Đại

TP - Bộ sách giáo khoa (SGK) Công nghệ giáo dục lớp 1 của GS. Hồ Ngọc Đại gồm ba cuốn: SGK tiếng Việt, SGK toán và SGK đạo đức. Chỉ có duy nhất cuốn SGK đạo đức là qua vòng thẩm định. Còn lại, hai cuốn Tiếng Việt và Toán đều bị loại. Có thể nói, một lần nữa, số phận lại “trêu ngươi” GS Hồ Ngọc Đại.

Bộ sách đã có thâm niên 40 năm nhưng sóng gió cũng không ít lần khiến nó bầm dập. Những năm 80 của thế kỷ trước, bộ SGK này như thổi một luồng gió mới vào nền giáo dục Việt Nam. Nói như ông Trương Kim Minh, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai bộ SGK này đã “cứu cánh” cho chất lượng giáo dục Lào Cai, giúp địa phương về đích phổ cập giáo dục tiểu học và xóa mù vào năm 2000. Còn nhớ, năm 1981, khi bắt đầu thực hiện chương trình cải cách giáo dục tiểu học chúng ta chỉ có một bộ SGK (lúc này, bộ SGK giáo dục công nghệ chỉ được giảng dạy trong trường thực nghiệm).

Nhưng qua thực tiễn nhiều nơi giáo viên và học sinh không dạy học được từ một bộ sách đó, Bộ GD&ĐT đã tổ chức biên soạn và cho sử dụng bốn bộ SGK tương ứng các đối tượng học tập khác nhau. Sách 165 tuần dạy học sinh ở các vùng kinh tế - xã hội bình thường; sách 100 tuần dạy cho trẻ lang thang cơ nhỡ, vừa đi học vừa kiếm sống; sách 120 tuần dành cho học sinh miền núi; sách theo chương trình công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại. Sở dĩ thập niên 1990 chúng ta đạt được mục tiêu phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhờ đa dạng hóa các loại hình, phương thức dạy học, đa dạng hóa SGK.

Năm 2002, lần đổi mới chương trình SGK được cho là quy mô nhất so với 3 lần trước (1950, 1956 và 1979), khi chương trình giáo dục phổ thông hiện hành được áp dụng, với chính sách 1 chương trình 1 bộ SGK, bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại chỉ được thí điểm trong phạm vi rất hẹp. Đến năm 2012, bỏ thí điểm, mở rộng phạm vi áp dụng.

Năm 2017 và 2018, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, bộ SGK này đã được thẩm định lại tới 2 lần. Dường như ranh giới đã được vạch ra rất rõ qua lần này. Năm bộ SGK lớp 1 tham gia thẩm định, mới chỉ có duy nhất bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại.

Phải chăng, GS Đại đang đứng một mình một “chiến tuyến”. Và phải chăng, 40 năm qua, chúng ta đã dạy cho bao nhiêu thế hệ một bộ SGK không đạt chuẩn? Trong khi đó, theo những người làm chương trình giáo dục phổ thông mới, chương trình lần này vẫn kế thừa những mặt tốt của giáo dục hiện hành.

Số phận thăng trầm của 1 bộ SGK cũng có thể liên tưởng đến việc đổi mới giáo dục không dễ dàng. Không phải bây giờ chúng ta mới có nhiều SGK, cũng không phải bây giờ SGK công nghệ mới không được thừa nhận.

Chấp nhận hay không chấp nhận một bộ sách là quyền của Hội đồng thẩm định. Chắc chắn đó cũng là trăn trở của những chuyên gia giáo dục. Giáo dục muốn phát triển, đổi mới trước hết cần cái tâm, cái tầm của những người cầm cân nảy mực.

Không phải ngẫu nhiên bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại lại có một số phận đặc biệt như vậy. Lịch sử cũng như kết quả giáo dục của Việt Nam đã chứng minh, chân lý thuộc về những tư tưởng tiến bộ chứ không thuộc về những người có tư lợi cá nhân hay lợi ích nhóm.

 
MỚI - NÓNG