‘Lộ’ đường đi dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma

Viện kiểm sát công bố xong cáo trạng, qua đó dòng tiền trong vụ án bước đầu được làm rõ. Ảnh: Tân Châu
Viện kiểm sát công bố xong cáo trạng, qua đó dòng tiền trong vụ án bước đầu được làm rõ. Ảnh: Tân Châu
TPO - Công tố công bố cáo trạng, qua đó dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma không dừng lại trong nước mà xuyên quốc gia.

14h chiều nay (24/9), phiên tòa sơ thẩm (lần 2) của TAND TPHCM xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharam (Cty VN Pharma – trụ sở số 666/10/3 đường 3/2, quận 10 TPHCM) vào phần xét hỏi.

‘Lộ’ đường đi dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma ảnh 1 14h chiều 24/9, phiên tòa vào phần xét hỏi. Ảnh: Tân Châu

Trong buổi xét xử sáng nay, sau phần thẩm tra tư pháp, HĐXX đã cho đại diện VKS giữ công tố tại phiên tòa công bố bảng cáo trạng. Qua đó nhiều nội dung liên quan tới dòng tiền trong vụ án bước đầu đã được các cơ quan tố tụng làm rõ.

Cụ thể theo công tố, một trong những ‘chiêu’ độc mà các bị cáo sử dụng là luân chuyển dòng tiền từ VN Pharma thông qua hình thức nhờ tài khoản nước ngoài để chuyển tiền, nhờ dịch vụ chuyển tiền tại Sài Gòn nhận lại rồi VN Pharma nhận lại.

‘Lộ’ đường đi dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma ảnh 2 Các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: Tân Châu

Cáo trạng xác định, các bị cáo lập ra hồ sơ chứng từ giả để nhập thuốc từ nước ngoài về. Để hợp thức phần thanh toán, Nguyễn Minh Hùng (Chủ tịch VN Pharma) chỉ đạo Lê Thị Vũ Phương (nguyên kế toán trưởng VN Pharma) cung cấp cho Phan Cẩm Loan (nguyên phó Phòng XNK VN Pharma) số tài khoản thụ hưởng ở Hồng Kông đứng tên Cty Auspicius Keen Limited và Cty Sigma Holding Corp để Loan đưa vào hợp đồng với Cty Austin, rồi chuyển cho phòng kế toán VN Pharma sử dụng làm thủ tục đề nghị ngân hàng thanh toán, chuyển tiền ra nước ngoài và lấy lại.

‘Lộ’ đường đi dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma ảnh 3 Phiên tòa trên 200 người, Tòa trưng dụng thêm sảnh tòa án để xét xử. Ảnh: Tân Châu

Lê Thị Vũ Phương khai đây chỉ là các tài khoản của dịch vụ chuyển tiền thuê do người tên Nga (hiện ở Ucraina, chưa rõ nhân thân, lai lịch) cung cấp cho Phương. Các bị can thực hiện việc chuyển tiền và sau đó cơ sở dịch vụ chuyển tiền thuê tại TPHCM đã chuyển tiền về lại cho VN Pharma.

Có 6 lần chuyển tiền ra nước ngoài là ngày 14/1/2014 chuyển 22.410 USD, ngày 17/1/2014 chuyển 11.205 USD, ngày 17/4/2014 chuyển 46.000 USD, ngày 24/4/2014 chuyển 100.000 USD, ngày 8/5/2015 chuyển 71.485 USD và ngày 19/9/2014 chuyển 320.850 USD. VN Pharma đã chuyển ra nước ngoài 571.950 USD. VN Pharma trả cho Võ Mạnh Cường (nguyên Giám đốc Cty TNHH thương mại Hàng hải quốc tế H&C) 251.000 USD, số còn lại VN Pharma nhận lại và để ngoài sổ sách.

Cũng theo VKS, tính đến nay Cơ quan điều tra tạm giữ của bị can Võ Mạnh Cường 1,3 tỷ đồng, Phạm Văn Thông 33 triệu đồng, Nguyễn Trí Nhật gần 2,4 tỷ đồng; tạm giữ của người liên quan là Nguyễn Quang Huy: 212.156.334 đồng, Nguyễn Minh Hùng 5.000 USD... Tổng cộng đang tạm giữ 3,9 tỷ đồng. 

‘Lộ’ đường đi dòng tiền trong vụ thuốc ung thư giả VN Pharma ảnh 4 Các bị cáo tại tòa hôm nay 24/9. Ảnh: Tân Châu
Cáo trạng tại tòa sáng 24/9 xác định, ông Nguyễn Minh Hùng bàn bạc thỏa thuận với Võ Mạnh Cường mua bán nhập khẩu 9.300 hộp thuốc H-Capita 500mg giả nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng vì mục tiêu vụ lợi.

10 bị can còn lại trong vụ án đồng phạm giúp sức cho ông Hùng, Cường và đã thực hiện trót lọt việc nhập khẩu thuốc về Việt Nam. Nguồn gốc lô thuốc nay – theo cáo trạng - được xác định là do Ấn Độ sản xuất, các bị cáo ‘biến hóa’ hồ sơ thành nước sản xuất là Canada nhằm kiếm lời.

12 bị can trong vụ án này, ngoài ông Hùng, Cường là Nguyễn Trí Nhật (nguyên Phó Tổng giám đốc VN Pharma), Ngô Anh Quốc (nguyên Phó Tổng giám đốc  Cty VN Pharma), Lê Thị Vũ Phương (nguyên Kế toán trưởng), Phan Cẩm Loan (nguyên Phó phòng XNK Cty VN Pharma), Phan Xuân Thiện (Dược sỹ), Bùi Ngọc Duy (nguyên Trưởng phòng Cty VN Pharam), Phan Văn Thông (dược sỹ), Phạm Anh Kiệt (nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Cty Dược Sài Gòn), Hoàng Trúc Vy (nguyên cán bộ Cty VN Pharma), Phạm Quỳnh Trang (nguyên nhân viên Cty H&C). 12 bị cáo cùng bị truy cứu 1 tội danh duy nhất là “Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” theo khoản 4, điều 157 Bộ luật Hình sự 1999 với khung phạt cao nhất là tử hình.

MỚI - NÓNG