Điều gì xảy ra với 2 tổng thống Mỹ từng bị luận tội?

Điện Capitol. Ảnh: Sputnik
Điện Capitol. Ảnh: Sputnik
TPO - Trong lịch sử Mỹ từng có 19 quan chức bị luận tội, trong đó có 2 tổng thống là ông Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Một tổng thống khác là ông Richard Nixon trên thực tế đã từ chức trước khi thủ tục luận tội ông bắt đầu được tiến hành.

Hôm qua, 24/9, Chủ tịch Hạ viện Mỹ - bà Nancy Pelosi – công bố quyết định điều tra để luận tội Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Hành động của ông Trump đã tiết lộ sự thật phũ phàng về sự phản bội của Tổng thống với chính lời thề của ông ấy, với an ninh quốc gia và với sự trong sạch của cuộc bầu cử”, bà Pelosi nói. “Do đó, tôi tuyên bố Hạ viện sẽ tiến hành một cuộc điều tra chính thức để luận tội ông Trump.”

Tuyên bố này của Chủ tịch Hạ viện lập tức khiến ông Trump phải lên tiếng phản pháo.

Tổng thống Mỹ gọi cuộc điều tra là “chiến dịch săn phù thuỷ tàn khốc nhất mọi thời đại”, đồng thời chỉ trích đảng Dân chủ “quá tập trung vào chuyện đảng phái, gây ảnh hưởng đến Tổng thống và đảng Cộng hoà, thay vì chú tâm vào việc lập pháp”.

Trên thực tế, quá trình từ tuyên bố điều tra luận tội, đến chính thức kết tội và cách chức tổng thống là một quá trình pháp lý vô cùng phức tạp, và chưa có tổng thống Mỹ nào từng mất chức vì bị luận tội.

Tiến trình luận tội

Quyền luận tội các quan chức nhà nước được nêu trong Hiến pháp Mỹ, ở Điều 1, Mục 2 - 3, và tại Điều 2, Mục 4.

Theo Hiến pháp Mỹ, cơ quan duy nhất có quyền luận tội là Hạ viện.

Luận tội là thủ tục gồm 3 bước, bắt đầu bằng cuộc điều tra của Quốc hội, thường khởi xướng bởi Ủy ban Tư pháp Hạ viện, hoặc một cơ quan khác như Ủy ban Tư pháp Thượng viện.

Hôm qua, bà Pelosi đã gặp gỡ những người đứng đầu sáu ủy ban của quốc hội, và cuộc họp được tổ chức dường như nhằm quyết định cơ quan nào sẽ tiến hành cuộc điều tra sơ bộ.

Hạ viện sau đó tổ chức bỏ phiếu luận tội. Nếu đa số phiếu thuận, quan chức được nhắm đến sẽ chính thức bị coi là người bị luận tội. Dù vậy, điều này không đồng nghĩa với việc quan chức trên buộc phải rời bỏ vị trí.

Quan chức bị luận tội sau đó sẽ bị xét xử tại Thượng viện.

Nếu 2/3 số phiếu tại Thượng viện ủng hộ luận tội, quan chức trên sẽ bị kết án và cách chức.

Phó Tổng thống sẽ là người chủ trì hầu hết các phiên xét xử luận tội. Tuy nhiên, trong trường hợp người bị luận tội là Tổng thống, thì người chủ trì phiên xét xử sẽ là Chánh án Toà án Tối cao.

Căn cứ luận tội

Theo Hiến pháp Mỹ, các quan chức nhà nước có thể bị luận tội nếu liên quan đến các tội danh “làm phản, hối lộ, và các tội nghiêm trọng khác”.

Cụm từ “các tội danh khác” không được định nghĩa cụ thể, và từng là chủ đề của các cuộc tranh luận nảy lửa trong lịch sử chính trị Mỹ.

Quốc hội ỹ đã phác thảo 3 hành vi chính thuộc nhóm “các tội danh khác” này, nhưng danh sách này chưa được coi là hoàn chỉnh.

Ba hành vi này bao gồm: vượt quyền hoặc lạm dụng quyền lực, có hành động không phù hợp với chức năng nhiệm vụ, lợi dụng chức vụ vì mục đích khác hoặc tư lợi cá nhan.

Theo Sputnik, có khả năng Hạ viện Mỹ sẽ vin vào tội danh “phản quốc” để luận tội Tổng thống Trump, vì bà Pelosi đã nhắc đến việc ông Trump “phản bội an ninh quốc gia”.

Trên thực tế, không phải mọi tội danh đều được coi là căn cứ để luận tội. Vào năm 1974, Ủy ban Tư pháp đã bác bỏ cáo buộc gian lận thuế đối với Tổng thống Mỹ Richard Nixon, vì cho rằng việc này là hành vi riêng của ông Nixon với tư cách một công dân, không phải hành vi lạm dụng quyền lực Tổng thống.

Ai có thể bị luận tội?

Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống, phó tổng thống và các quan chức nhà nước đều phải tuân theo quy định luận tội.

Dù vậy, Hiến pháp không nêu rõ “các quan chức nhà nước” cụ thể là những ai. Mục tiêu phổ biến nhất của các cuộc luận tội là các thẩm phán liên bang.

Đáng chú ý, các nhà lập pháp không được coi là quan chức nhà nước, do đó không thể bị luận tội theo Hiến pháp.

Năm 1798, Hạ viện tuyên bố luận tội Thượng nghị sĩ William Blount, nhưng Thượng viện xác định cơ quan này không có quyền luận tội đối với các thành viên của chính mình.

Dù không bị luận tội, nhưng Blount cũng đã mất ghế Thượng viện như một hình thức kỷ luật.

Những người từng bị luận tội

Chỉ có 19 quan chức bị luận tội, và 8 người bị cách chức trong lịch sử Mỹ.

Trong số 19 người bị luận tội, có 15 người là thẩm phán liên bang. 8 người trong số đó bị cách chức.

Hai tổng thống Mỹ từng bị luận tội là ông Andrew Johnson năm 1868 và Bill Clinton năm 1998. Tuy nhiên, cả hai cuộc luận tội đều không được thông qua tại Thượng viện.

Một tổng thống khác là ông Richard Nixon trên thực tế đã từ chức trước khi thủ tục luận tội ông bắt đầu được tiến hành. Người ta tin rằng bản luận tội của ông Nixon rất có thể sẽ khiến ông bị kết án và mất chức Tổng thống.

Theo Theo Sputnik
MỚI - NÓNG